Nhu cầu có thật
Chị Đặng Thị D. (TP Thủ Đức, TPHCM), có con đang học tại một trường công lập gần nhà cho biết, chưa kể học phí và các khoản phí cần đóng trên trường của 2 con, chưa kể tiền học bơi vào mỗi cuối tuần, mỗi tháng chị phải chi gần 6 triệu đồng cho các khoản học thêm các môn văn hóa này cho 2 con, số tiền này hết hơn một nửa thu nhập trong tháng của chị.
“Gia đình tôi cho các con đi học thêm nhằm giúp các con nắm vững kiến thức quan trọng. Một lý do nữa là công việc của tôi rất bận, chương trình mới có quá nhiều thay đổi so với thời ba mẹ học, nên để giáo viên kèm thêm sẽ chính xác hơn, giảm áp lực cho cả mẹ và các con”, chị D. nói.
Có cả 2 con đang theo học tại trường công lập anh Nguyễn Văn T. (TP Thủ Đức) quan niệm, để con được làm quen với sự cạnh tranh, những khó khăn sẽ rèn luyện ý chí, quyết tâm vươn lên. Phụ huynh này chỉ cho con học thêm tiếng Anh, Toán và môn vẽ. Anh T. cho biết: “Trung bình chi phí học của các con mỗi tháng chiếm hơn 1/2 thu nhập của tôi. Chi phí không nhỏ, nhưng theo anh T., đầu tư cho giáo dục thì không sợ lỗ, thành quả sẽ đến trong tương lai”.
Phụ huynh đón con tại một trung tâm học thêm ngoài giờ trên địa bàn quận 5. |
Còn chị Trần Thị T. (quận Gò Vấp, TPHCM), cho rằng, nhu cầu cho con học thêm là có rất nhiều trong thực tế, cả về phía học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên theo chị Tuyết, cần phải có hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ dạy thêm học thêm, để làm sao thầy cô giáo không đổ xô dạy thêm bên ngoài mà lơ là việc dạy chính khóa, đảm bảo không có chuyện đi học thêm thì biết trước đề kiểm tra hay không được phép ép học sinh học thêm,...
Bỏ quan niệm cho con học thêm vì sợ “bị đì”
Thầy Lê Văn Bình, giáo viên chương trình trải nghiệm thực tế tại Trường quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), cho biết học sinh trong trường quốc tế cũng rất đa dạng, có nhiều em học xuất sắc môn này, nhưng nhiều em chưa giỏi môn kia, hoặc chưa tập trung…
Trong các trường quốc tế thường có người tư vấn tâm lý, giáo viên hỗ trợ việc học của học sinh, giáo viên hỗ trợ ngôn ngữ,… Các thầy cô này sẽ tư vấn, trao đổi với phụ huynh học sinh nếu em đó cần trau dồi thêm một môn học, kỹ năng nào đó.
Từ những tư vấn này, phụ huynh có thể tự tìm kiếm gia sư dạy kèm cho con, hoặc đưa con tới các trung tâm uy tín để rèn luyện thêm. Bên cạnh đó cũng có nhiều phụ huynh chủ động trong việc cho con học đa dạng các môn học, kỹ năng, dù không có ý kiến từ phía nhà trường.
Thầy Bình không bất ngờ với con số phụ huynh chi vài trăm triệu đồng/năm để cho con học thêm nhiều môn, kỹ năng. Theo giáo viên này, thông thường chi phí giáo viên người nước ngoài 1 kèm 1 cho học sinh là 50 - 60 USD/giờ, giáo viên người Việt khoảng 30 - 40 USD/giờ.
Thầy Bình cho biết: “Học thêm không xấu nếu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh. Cần xóa bỏ quan điểm tiêu cực của phụ huynh là môn gì cũng cho con học thêm, vì sợ không học thì con bị giáo viên “đì”. Cách học hiệu quả nhất là lắng nghe nhu cầu của con, biết con mình đang yếu ở đâu, cần hỗ trợ thế nào để tìm người dạy phù hợp”.
Về vấn đề này, anh Nguyễn Thị Huệ có con đang học lớp 11, Trường THPT trên địa TP Thủ Đức cũng quan niệm học thêm không xấu, vấn đề là các con được học gì, sắp xếp thời gian ra sao, cảm xúc của các con thế nào.
“Học thêm là nguyện vọng của con và cha mẹ chỉ khuyến khích bằng cách hỗ trợ tối đa học phí cho con đi học và chỉ có con mới biết con cần học những gì. Tôi cho con đi học thêm vì nhận thấy con mình học chưa chắc so với nhiều học sinh khác trong lớp, chứ không phải vì sợ giáo viên “đì” vì không chịu đi học thêm”, chị Huệ chia sẻ.
PGS,TS Nguyễn Đình Quân, Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Không phải học sinh hiện nay chỉ học thêm các môn toán, văn, vật lý, hóa học… Các em học rất nhiều kiến thức khác, có thể là kỹ năng mềm, có thể là kiến thức về công nghệ thông tin, có thể là ngoại ngữ. Rõ ràng đây là nhu cầu chính đáng nên thị trường dạy thêm là có thật, vì có cầu thì ắt có cung. Nếu thị trường cung - cầu học thêm gắn liền nhu cầu về việc thực học của học sinh, không phải vì tiêu cực chạy đua thành tích, điểm số thì điều này không có vấn đề gì”.