Công an TPHCM nêu 3 giải pháp ngăn chặn tội phạm từ mạng xã hội

GD&TĐ - Công an TPHCM đã thực hiện một số giải pháp để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội.

Thượng tá Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi họp báo.
Thượng tá Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi họp báo.

Chiều 14/12, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, hiện nay tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó có các hội, nhóm kín trên mạng (trên Zalo, Telegram, Facebook…) với mục đích tìm cách trốn nợ, vay nợ, bùng nợ,… hay bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác.

“Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, do mạng xã hội là môi trường dễ dàng tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn nhưng lười lao động và có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội và băng nhóm tội phạm.

Thậm chí, một số đối tượng có hành vi tán phát các bài viết để hướng dẫn thực hiện hành vi phạm tội hoặc lôi kéo, bàn bạc cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Hiện nay các dịch vụ mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng phổ biến có nhiều người dùng tại Việt Nam như Facebook, Telegram,… do các tập đoàn, công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới còn buông lỏng kiểm duyệt, quản lý nội dung, tài khoản mạng xã hội... nên các đối tượng có điều kiện thành lập các hội nhóm có tính chất vi phạm pháp luật trên nền tảng này.

Tuy nhiên, Bộ Công an và Công an Thành phố đã chủ động nắm và dự báo tình hình, từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra khám phá các vụ án kịp thời, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn TP.

Đối với gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, nhân viên tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng đã nêu ra một số giải pháp mà Công an TPHCM đã thực hiện để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội. Cụ thể:

Phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu các Công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các hệ loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm gây phát sinh những hệ lụy xấu trong xã hội như ma túy, Tín dụng đen, Cờ bạc,… nhằm góp phần kéo giảm tội phạm. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, trong đó chú trọng nội dung cảnh báo, khuyến cáo hành vi tạo lập hoặc tham gia các hội nhóm có tính chất, xu hướng tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật để người dân chủ động nhận biết, không tham gia thông qua hệ thống trang mạng xã hội của Công an TP để nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm để kịp thời báo cáo, tham gia cùng lực lượng Công an đấu tranh xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Kết quả XSVT