Con có quyền được cãi
Chị Minh Vân (ngõ Thái Thịnh - phố Thái Thịnh - Hà Nội) chia sẻ nỗi khổ của một người mẹ có con hay cãi với chuyên gia Tâm lý: Tôi không hiểu vì sao mà trong đầu một đứa trẻ lớp 7 có lắm sự hoài nghi đến thế? Từ việc học, đến việc chơi con hay “bật lại” bố mẹ với những câu hỏi rất khó chịu kiểu như “tại sao phải làm thế?”, “không học thì có chuyện gì xảy ra?” , “con có quyền không thích chứ…”. Không chỉ cãi trong nhà, đến trường con cũng hay cãi lý với cô giáo nên mỗi lần nhận được tin nhắn của cô là chị Vân lại toát mồ hôi vì con…
Nghe chuyên gia phân tích chị Vân mới bớt lo lắng. Thì ra con chị có suy nghĩ độc lập, dám nói, dám đấu tranh để được đáp ứng mong đợi của bản thân. Có thể do thiếu kinh nghiệm ứng xử nên cách con cãi lại dễ gây phản cảm, vì vậy mà bị kết tội hư, hỗn, hay đòi hỏi. Biết cãi là trẻ đang tập phản biện, dần hình thành tư duy phản biện và kỹ năng phản biện. Vào tuổi vị thành niên, các con sẽ bắt đầu lục lọi xem xét những giá trị mà bố mẹ, thầy cô nhận định. Ở mức độ hợp lý, con cái phản ứng lại sự áp đặt là biểu hiện đáng mừng, cho thấy các em đã nhận ra những bất ổn của giáo dục áp đặt, không chấp nhận những điều vô lý.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, phụ huynh ngày nay nên hiểu rộng và thoáng hơn về cái câu các cụ truyền dạy “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, bởi thực tế cái lối dạy con bằng sự áp đặt không đạt kết quả tốt. Chúng ta chỉ có thể thuyết phục con cái, học trò tin tưởng và nghe lời khi tôn trọng các con, đối xử bình đẳng và có đủ lý lẽ xác đáng. Trẻ em bây giờ thông minh và có cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều. Chưa chắc những kiến thức, giá trị và chuẩn mực của người lớn là đúng, là phù hợp. Nếu cha mẹ, thầy cô không biết lắng nghe để học từ trẻ thì sẽ khó được trẻ kính phục mà tin tưởng. Cần đặt mình vào tâm thế bình đẳng với con, đừng coi điều gì mình nói ra cũng đúng.
Hành xử khi con cãi
PGS. TS Nguyễn Minh Đức – nguyên Viện trưởng Viện NC giáo dục trẻ thông minh sớm VSK nhấn mạnh:
Trong gia đình, trẻ cần được trình bày ý kiến và nhận được sự lắng nghe. Trẻ có quyền có những ý kiến trái chiều vì trẻ không phải là con vẹt lải nhải nhắc lại những điều được dạy. Chúng có cách tư duy độc lập, có sự sáng tạo cá nhân. Trẻ có quan điểm khác là chúng có khả năng để học hỏi, có hứng thú trải nghiệm.
Người lớn cần xác định quan điểm thế nào là con hư, trò hỗn thì mới học được thái độ tôn trọng trẻ đúng mực. Con có quyền được nghĩ khác, được cảm nhận khác, được tư duy theo lối mở chứ không thể nhất nhất theo một lối mòn đã được truyền dạy.... Tư duy phản biện là nền tảng đi đến sáng tạo. Có như vậy xã hội mới có cơ hội phát triển. Nhìn ở góc độ tích cực thì bố mẹ, người thân, thầy cô giáo cần học cách tôn trọng, lắng nghe trẻ, coi những dịp trẻ phản kháng là cơ hội để dạy trẻ cách suy nghĩ độc lập, phương pháp phản biện, tranh luận một cách phù hợp, văn minh chứ không phải là cãi chày cãi cối.
Cho dù còn phát biểu ý kiến cá nhân ở cấp độ nào thì trước hết bố mẹ nên giữ sự bình tĩnh. Khi thấy trẻ cãi lại kịch liệt, các bậc phụ huynh phải thực sự kiềm chế cảm xúc mang tính bề trên để có được sự bình tĩnh. Chỉ có bình tĩnh thì mới lái cuộc đối thoại theo đúng hướng. Hướng con đến những nguyên tắc phát triển tư duy phản biện. Tôn trọng mọi ý kiến độc lập của người khác. Phản biện tư duy mà không phán xét con người, cần nâng đỡ sự hoài nghi khoa học của con với thái độ tôn trọng, cho con cơ hội nói ra điều con thấy chưa thỏa đáng và chắp cánh cho giấc mơ khám phá của con.
Khi đã cảm nhận được sự căng thẳng, lo lắng của con thì giữ thái độ ôn hòa là giải pháp khôn ngoan. Bởi nếu nạt nộ, quát mắng uy hiếp con thì chúng ta sẽ làm cho câu chuyện dễ đi vào ngõ cụt mà không thể hiểu được nguyên nhân, trẻ đang gặp vấn đề gì?
Con được phản biện trước vấn đề khiến con không vui, không chấp nhận, không hợp tác nhưng có giới hạn chứ không được phép gào thét, hỗn láo.
Khi con cãi láo, cãi cùn thì bố mẹ cần có biện pháp phạt con khéo léo để điều chỉnh uốn nắn hành vi của con làm sao cho đúng mực. Việc trừng phạt trẻ chân chính không phải là để trẻ kinh hãi, xa lánh cha mẹ mà là để trẻ hiểu về cha mẹ là nghiêm túc. Cha mẹ cần phân tích để con nhận thức được thế nào là hoài nghi tích cực, hoài nghi khoa học và tại sao không nên hoài nghi hủy diệt. Nhận thức được điều đó trẻ sẽ thấy “tâm phục khẩu phục” nếu làm những điều không đúng, nói những lời không tốt thì sẽ bị trừng phạt.
Nuôi dạy những đứa trẻ luôn nghe lời quả là nhàn và đỡ mệt tâm sức hơn những dứa con hay cãi. Nhưng nếu bằng lòng với điều đó thì phụ huynh cũng cần chấp nhận khi lớn lên con có thể là đứa khù khờ, thiếu nhạy bén khi xử lý các thông tin thu nạp được, không có chính kiến của riêng mình, không dám phản ứng trước cái sai. Khi một đứa con thiếu năng lực tự chủ dẫn đến một thái độ sống thờ ơ và cam chịu, quen bị áp đặt nên sẽ dễ chấp nhận ai nói gì cũng đúng thì đừng ca thán khi con lười sáng tạo, tư duy. Tệ hơn nữa, nếu không cho con bộc lộ tư duy phản biện, cha mẹ có thể phải hứng chịu hậu quả là có đứa con sống hai mặt. Khi phải nhất nhất tuân thủ người lớn bất kể đúng, sai... bên ngoài đứa con luôn ngoan ngoãn nghe lời nhưng bên trong lại nổi loạn, chống đối ngầm kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược để giải thoát sự ức chế về tâm lý.