Bạn bè cùng trang lứa gặp nhau chỉ cần nói đến nụ cười ý nhị của cô cũng đủ nhắc nhở nhiều điều. Một nụ cười khơi gợi khát vọng vươn lên, truyền thêm lửa sống giúp các em từng bước vượt qua nỗi sợ, đối mặt với gian khó.
Tiết học đầu tiên, cô hiện diện không như hình dung của bọn tôi. Cứ ngỡ, cô chủ nhiệm phải đứng tuổi và luôn kè kè mục “kỉnh” trắng. Ngược lại, cô còn khá trẻ, đôi mắt sáng, mái tóc thả chấm bờ vai duyên dáng.
Chưa vội giảng bài, cô tự giới thiệu mình tên Khôi - Đỗ Minh Khôi, con đầu, kế tiếp còn một em trai đang học hệ trung cấp chuyên nghiệp. Hy vọng những ngày tới, cô luôn nhận được sự hợp tác tích cực của các em. Tiếng vỗ tay rào rào. Bộ ba Bình, Thành, Chinh - ba cây Văn, Toán, Nga văn thường được bạn bè từ hồi học cấp 2 gán cho “hỗn danh” nhóm quậy phố thị, đứng bật dậy hoan hô nồng nhiệt.
Dần dà, chúng tôi được biết thêm dù đã sát ngưỡng tuổi “băm” cô vẫn độc thân, bởi cô chủ động dành thời gian đỡ đần bố mẹ vun đắp sự nghiệp cho em trai.
Môn Vật lý nhìn chung không dễ tiếp thu, nhưng qua mỗi tiết học, cô Khôi giúp chúng tôi có thêm những khám phá mới, tuy còn nhỏ nhoi, xoay quanh quy luật vận động của tự nhiên bao gồm vật chất, năng lượng, không gian và thời gian. Xen kẽ vào bài giảng, cô thường chọn “lẩy” ra từng mẩu chuyện hoặc giai thoại liên quan đến các nhà vật lý nổi tiếng. Riêng với thiên tài Albert Einstein, cô rất hay nhắc đến khi có cơ hội gắn thêm trong bài giảng.
Cứ thế, như mưa dầm ướt áo, chúng tôi yêu thích, chờ đợi từng giờ dạy của cô. Lớp tôi đóng góp vào Đội tuyển Vật lý của trường tới ba thành viên trong đó có một nữ là Nhiên Hương - người sau này trở thành cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lớp ngày một tiến bộ, hàng tháng tiếp nối đứng ở thang bậc cao trên bảng xếp hạng thi đua của trường. Ai dè, kết thúc buổi học cuối tuần chuẩn bị bước vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm học thứ hai thì đột nhiên... vỡ chuyện.
Hôm ấy, tiếng trống báo tan học vừa gióng giả vang lên, từng dòng học trò hân hoan bước đi trên sân trường. Quãng nửa giờ sau, một tràng tiếng nổ giòn giã bung ra từ phòng học lớp tôi. Cả trường nhốn nháo. Ban giám hiệu cùng tổ trực bảo vệ, lập tức tới kiểm tra hiện trường. Tất cả chỉ còn lại những xác pháo, những mảnh giấy tơi tả vương vãi tứ tung.
Việc mất điểm thi đua, mất danh hiệu “tiên tiến”, hẳn khỏi cần bàn bạc gì nhiều, vì rõ ràng vi phạm điều cấm kỵ đã được ghi trong Nội quy học đường. Điều đáng lưu tâm hơn cả là hành vi xao nhãng những lời nhắc nhở, căn dặn kỹ càng của thầy cô. Lớp họp lên họp xuống vẫn không tìm ra thủ phạm. Không khí sinh hoạt tập thể tự nhiên lắng xuống, tiếng cười đùa dường như cũng bị kìm nén.
Bạn lớp trưởng cứ băn khoăn, liệu cô Khôi, một chủ nhiệm giỏi - giáo viên giỏi có làm sao không? Thật đáng tiếc! Cô trò đều buồn. Đến cả cha mẹ học sinh cũng buồn lây. Phần mình, là người đứng mũi chịu sào, cô Khôi không hề nỡ buông lời quở trách, nặng nề trước thói nghịch ngợm “nổi loạn” dại dột của tuổi trẻ, càng không gây áp lực cho cán bộ lớp hay bất cứ thành viên nào. Đối diện với những gương mặt thân thương trong lớp, cô chỉ điềm tĩnh chốt lại một câu như thể nói cho chính mình: “Một lần bất cẩn, sẽ thêm một tín hiệu thức tỉnh, các em ạ!”.
Sự đời thật khó lường. Một hôm vào chiều hè thứ Bảy, trên đường đạp xe về nhà, cô gặp sự cố bất ngờ... Dòng người hối hả xuôi ngược. Cô đang chăm chú thẳng tiến thì một cậu nhóc chừng bảy, tám tuổi chạy vọt ngang qua đường, sát bánh xe cô. Bất giác, cô vội đổi hướng né tránh, xe và người đổ vật trên mặt đường nhựa còn bốc hơi nóng. Chiếc cặp đựng sách vở, giáo án rơi tung khỏi giỏ xe phía trước. Cánh tay phải của cô tóe máu, đau nhức, tím bầm. Còn chú bé thì, ơn giời không hề hấn gì. Tốp học sinh lớn của trường, tan buổi học thêm vừa về đến đó, nhận ra cô Khôi, cùng xúm vào nhanh chóng giúp đỡ cô giáo...
Cô nằm điều trị tại bệnh viện hơn một tuần để bó bột cánh tay bị rạn xương. Ban giám hiệu nhà trường đã cắt cử người tạm thay cô đứng lớp. Đại diện công đoàn, Hội Cha mẹ học sinh, tập thể lớp lần lượt đến thăm hỏi, động viên cô. Riêng bộ ba Bình - Thành - Chinh mang đến bức chân dung Albert Einstein và một phong bì dán kín như một món quà đặc biệt tặng cô. Món quà thứ nhất giúp cô vui hẳn lên. Món quà thứ hai, cô kiên quyết từ chối. Ba cậu thiết tha nói: “Đây không phải là tiền đâu ạ, xin cô cứ giữ lấy”.
Các em ra về. Cô lặng lẽ mở phong bì. Một trang viết ngắn gọn, đậm nét bút quen thuộc. Lướt qua hai dòng đầu đề Ngày/tháng/năm, Kính gửi... cô thầm đọc đến thuộc lòng từng chữ: “...Chúng em gồm Bình, Thành, Chinh viết những dòng này thay cho bản tự kiểm điểm. Vâng, vụ việc xảy ra cuối buổi học trước ngày bước vào đợt nghỉ Tết ta là do mấy đứa chúng em gây ra, làm ảnh hưởng xấu tới danh dự của lớp, trường và của cô nữa. Chúng em thành thật mong quý thầy cô cùng các bạn tha thứ. Án phạt thế nào chúng em xin nhận. Cuối cùng, cả ba chúng em đều xin cam kết từ nay sẽ cố gắng sửa chữa sai sót, tích cực đóng góp phần nhỏ bé xây dựng lớp, trường và mong mỏi những dòng này sớm đến với lớp thân yêu”. Góc phía dưới trang giấy ghi họ, tên, chữ ký của nhóm “đồng tác giả”.
Ra viện, cô Khôi khẩn trương tới trường. Hôm nay có tiết sinh hoạt lớp cô chủ nhiệm. Cô vừa đặt chân đến cửa phòng học, các em ùa ra vây quanh. Trống báo giờ vào lớp. Đợi các em trật tự, ổn định chỗ ngồi như thường lệ, cô bồi hồi cất tiếng nhỏ nhẹ, đủ nghe: “Mấy ngày vừa qua bên cạnh sự hỗ trợ của thầy cô, các em đã tự quản lớp tốt. Cô rất mừng. Nhưng nào, chúng ta hãy thử nhìn lại những sai sót, va vấp, bất cẩn đã qua. Đáng buồn ư? Đáng sợ ư? Đáng tiếc ư? Đúng, tất cả đều có lý, chẳng thể phủ nhận. Cô chỉ tự trách mình đã có lúc lơi lỏng, phải chấp nhận rủi ro. Bù lại những ngày ở bệnh viện, cô vui dần lên, thấy các em đã gắn kết, cùng nhau bước tiếp trên đường học tập, tu dưỡng. Đến ngay cả người gây ra vụ nổ pháo tại trường cũng biết vượt qua nỗi sợ để nhận trách nhiệm về mình”.
Cả lớp chợt ồ lên nhìn nhau ngơ ngác trước sự thật vừa hé lộ. Duy trì trật tự trở lại, cô nói tiếp: Bây giờ đến lượt các em cần được biết “món quà đặc biệt” mà Bình, Thành, Chinh gửi tặng cô và cả lớp. Giới thiệu vắn tắt bức chân dung...., rồi cô đọc lại từng lời trang viết còn tươi màu mực... Tới đây thì mọi ngỡ ngàng đã tiêu tan, nhường chỗ cho sự cảm thông, thân tình của tập thể lớp.