Khi có đủ 6 tàu Kilo, Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh nhất ĐNÁ về tàu ngầm

Đây là khẳng định của cựu thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên - Đại tá Phạm Tân - về sức mạnh của Hải quân Việt Nam khi có sự bổ sung của các tàu ngầm Kilo.

Tàu ngầm Kilo TP.HCM của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Kilo TP.HCM của Hải quân Việt Nam

Công ty đóng tàu của Nga đã chuyển giao cho lực lượng hải quân Việt Nam chiếc tàu ngầm diesel điện lớp Kilo tiếp theo.

Những chiếc tàu ngầm loại này còn được mệnh danh là "hố đen trong đại dương" vì đặc tính tiếng ồn cực thấp, giảm thiểu khả năng bị đối phương phát hiện.
Đây là chiếc Kilo thứ ba được Nga chế tạo cho Việt Nam. Trong phiên chế của lực lượng hải quân Việt Nam, tàu ngầm mới nhận tên gọi Hải Phòng. Hai chiếc Kilo trước đây có tên là Hà Nội và TP.HCM đã chuyển về Cam Ranh trước đây.
Trong khi đó, nhà máy đóng tàu ở Saint-Peterburg đang tổ chức đóng tiếp ba chiếc tàu ngầm khác. Như vậy, đơn đặt hàng của Việt Nam gồm 6 tàu ngầm sẽ được hoàn thành đúng thời hạn.
Trước khi tàu ngầm Hà Nội được bàn giao, VTC News phỏng vấn cựu thuyền trưởng tàu ngầm đầu tiên, Đại tá Phạm Tân về sức mạnh của Hải quân Việt Nam khi có sự bổ sung của các tàu ngầm Kilo.
Đại tá Phạm Tân nói: "Kilo có nhiều ưu điểm như di chuyển xa hơn, kích thước lớn khiến tàu có thể hoạt động dài ngày hơn, lặn với độ sâu 400m, độ bí mật của tàu vì thế cũng cao hơn.
Thêm vào đó, vốn là tàu ngầm tấn công, nên dĩ nhiên hiệu quả tấn công của tàu Kilo cũng vượt trội hơn.

Đến năm 2016, khi đã có đủ 6 chiếc tàu ngầm, Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh nhất Đông Nam Á về tàu ngầm".

Nhận xét gì về quân cảng Cam Ranh, nơi được cho là bến đỗ của tàu ngầm Kilo, đại tá Tân nói: "Cam Ranh là một trong những cảng quân sự lớn nhất Việt Nam. Nơi này có địa thế thuận lợi, ngay từ biển vào là núi cao, khó tấn công bằng không quân. Hơn nữa, đây lại là cảng nước sâu, khi cần thiết, tàu ngầm vừa rời bến có thể lặn xuống ngay".

Theo đại tá Tân, tàu ngầm Kilo phải được đưa về cảng Cam Ranh bởi đây là nơi duy nhất có thể đậu tàu ngầm, nơi này cũng có điều kiện tốt để xây dựng cơ sở đảm bảo an toàn cho tàu ngầm.

Nói về một số khó khăn của thủy thủ tàu ngầm, đại tá Tân cho biết: "Đầu tiên là sức khỏe của các thủy thủ sẽ bị ảnh hưởng. Ở dưới tàu ngầm, họ phải chịu áp suất lớn, hàm lượng Oxi trong không khí mà họ hít thở cũng không được như trên đất liền. Khi mức Oxi trong khoang xuống tới mức 18% mới được phép sử dụng thiết bị lọc".

Không khí dưới tàu ngầm cũng không hề có hơi nước. Hơn nữa, vì tàu chạy bằng ắc quy điện nên sẽ sinh ra khí Hidro, các thủy thủ bất đắc dĩ sẽ hít phải lượng Hidro này. Chính vì vậy, ngoài những vấn đề vừa nêu trên, hệ thần kinh của thủy thủ cũng bị ảnh hưởng do áp suất cao.
Thứ hai, hoạt động của các thủy thử dưới tàu ngầm bị hạn chế, mỗi người chỉ được phép hoạt động trong khoang của mình, không được tùy tiện di chuyển để tránh làm ảnh hưởng tới cân bằng của tàu.
Theo quy định, độ tuổi cho phép thủy thủ hoạt động ở tàu ngầm là dưới 50 tuổi. Còn khi đã trên 50 tuổi, họ chỉ được phép tham gia những chuyến đi ngắn ngày.
Đài tiếng nói nước Nga dẫn nhận xét của chuyên gia Aleksei Lensov nói hợp tác quân sự, kỹ thuật giữa hai nước đã khởi đầu ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cho đến trước khi Liên Xô tan rã, các thiết bị quân sự được cung cấp trên cơ sở viện trợ không hoàn lại và phần nhiều phát huy tác dụng đảm bảo chiến thắng của Quân đội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ.
Kể từ năm 1992 trở đi, hợp tác quân sự, kỹ thuật được xúc tiến trên cơ sở thương mại. Từ thời điểm đó đến nay, danh sách đặt hàng của Việt Nam mua vũ khí Nga khá rộng lớn.
Có thể kể đến là các máy bay Su-30MK2 và hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk và S-300, vượt trội đáng kể so với tổ hợp Dvina mà Liên Xô cung cấp cho Việt Nam trong thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ và đã bắn hạ 1.300 máy bay.
Bên cạnh đó, loại trực thăng Nga tiên tiến Mi-8 đã có vai trò hệ trọng trong cơ số máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Về hải quân, các tàu tuần tra Gepard dung tích 2.100 tấn và tốc độ 28 hải lý, được thiết kế dành để tìm kiếm phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên bề mặt, ngầm dưới nước và trên không.
Trang bị trên tàu Gepard  gồm 4 bệ phóng pháo chống hạm và 2 dàn phóng tên lửa chống tàu ngầm, máy bay trực thăng và pháo 76mm. Theo đúng hạn trong hợp đồng, Hải quân Việt Nam sắp nhận thêm cặp tàu Gepard thứ hai.
Sau khi xem xét mẫu tàu tên lửa Molnya của Nga, Việt Nam đã nêu đề xuất ký kết thỏa thuận liên Chính phủ Nga để triển khai sản xuất tại Việt Nam hơn 10 chiếc với giấy phép của Nga.
Việt Nam còn có sự hiện diện của các tổ hợp tên lửa Nga Bastion. Thành phần chiến đấu của mỗi tổ hợp bao gồm đến 36 tên lửa hành trình Yakhont.
Đây là các tên lửa tự dẫn hướng chống hạm siêu thanh với đầu đạn nặng hơn 200kg. Vũ khí này đủ sức triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách đến 300km.
Mỗi tổ hợp có thể bao quát bảo vệ hơn 600km bờ biển và kiểm soát vùng nước diện tích 200.000 km2.
Theo quan điểm của các chuyên gia Nga, hiện tại không một lực lượng hải quân nào trên thế giới có các phương tiện đủ sức đối đầu với tên lửa Bastion.
Đài tiếng nói nước Nga cũng dẫn lời Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Lê Phúc Nguyên cho biết: "Nga đã và vẫn là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam".Khi có đủ 6 tàu Kilo, Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh nhất ĐNÁ về tàu ngầm ảnh 1Nạp tên lửa Klub cho tàu ngầm Kilo
Theo vtc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.