(GD&TĐ) - Chuyện ly hôn của Tổng thống Nga V.Putin và phu nhân được coi là đề tài nóng của tuần qua. Không chỉ ở nước Nga mà trên toàn thế giới, câu chuyện ly hôn của các nguyên thủ quốc gia được bàn tán râm ran. Ai đó khen V.Putin dũng cảm, sống trung thực với cuộc đời, bởi đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga tuyên bố ly hôn. Ở các nước phương Tây, ly hôn là chuyện không hiếm, nhưng với một nguyên thủ quốc gia thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Dù không ảnh hưởng nhiều đến uy tín của họ trên chính trường, nhưng ly hôn vẫn là “dấu trừ nho nhỏ” trong tình cảm của bao người mến mộ.
Ronal Reagan và phu nhânn Nancy Reagan |
Chỉ có 1 trong 44 người đàn ông giữ cương vị Tổng thống Mỹ rơi vào cảnh ly hôn. Trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ, sự bất lực trong việc cải thiện các mối quan hệ ở chính gia đình của Tổng thống là không thể chấp nhận đối với người Mỹ. Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay…
Nước Mỹ có hai vị Tổng thống kết hôn khi còn đương nhiệm, một người chưa bao giờ kết hôn (dư luận nghi ngờ rằng vị này có khuynh hướng tình dục phi truyền thống). Không ít các ông chủ Nhà Trắng đã rơi vào cái bẫy tình ái - phản bội vợ. Đôi khi chuyện “ăn vụng” này bị bại lộ, bị rêu rao trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện ly dị vì lý do chính trị. Ví dụ mới nhất cho điều này là chuyện tình “ngoài luồng” của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Một Reagan ngoại lệ
Năm 1938, diễn viên nổi tiếng Ronal Reagan khi đóng phim đã mang lòng yêu nữ diễn viên nổi tiếng Hane Wyman. Hai năm sau họ kết hôn. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của Ronal Reagan nhưng là cuộc hôn nhân thứ 3 của Jane Wyman. Kết hôn nhưng có vẻ như cặp trai tài gái sắc không muốn hy sinh tất cả vì gia đình mà họ dành chủ yếu thời gian cho sự nghiệp của mỗi người.
Reagan không chỉ trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời Hollywood mà còn trở thành nhà hoạt động chính trị có tiếng. Trong khi Jane Wyman là người tôn thờ chủ nghĩa tự do và có cảm tình với những người cộng sản. Họ ly hôn vào năm 1948, ngay sau khi Jane Wyman giành được giải Oscar.
Có tin đồn người đàn bà đa đoan này gục ngã bởi tiếng sét ái tình của một đồng nghiệp ngay trên phim trường. Reagan khi đó mới 37 tuổi. Năm 1952, Reagan làm quen với nữ nghệ sĩ Nancy Davis và 2 năm sau đó họ kết hôn, sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời. Khác với Jane Wyman, sau khi lấy Reagan, Nancy đã từ bỏ nghiệp diễn để phục vụ chồng con.
Chuyện ly hôn không ngăn cản sự thăng tiến trong sự nghiệp chính trị của Reagan. Ông là diễn viên đầu tiên trong lịch sử Hollywood trở thành Thống đốc bang California và Tổng thống nước Mỹ. Ông thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất cao và trở thành Tổng thống nhiều tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chính thời kỳ làm Thống đốc California (1970), Reagan đã khởi xướng việc áp dụng bộ luật đầu tiên của nước Mỹ, theo đó, yêu cầu vợ hoặc chồng của các cặp đưa đơn ly hôn chứng minh rằng đối tác của họ đã phá vỡ hôn nhân.
Ly hôn kiểu Mỹ
Trong thời gian dài, việc ly hôn ở Mỹ là chuyện chẳng mấy hay ho. Xét cho cùng, Mỹ vẫn là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của tôn giáo, coi trọng hôn nhân. Tuy nhiên theo thời gian, việc tự do hóa luật hôn nhân đã làm giảm uy lực của các giáo điều. Theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, nếu vào những năm 1960, cứ 1000 phụ nữ lập gia đình có 9,2 người ly hôn thì đến những năm 1980 con số này là 20,9.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, ngoài những tiêu cực do hậu quả của các cuộc ly hôn để lại, ly hôn cũng mang tính tích cực. Đó là nhiều phụ nữ Mỹ tránh được bạo lực gia đình. Theo một nghiên cứu của Viện Gallup, những năm gần đây, cứ 7/10 người Mỹ được hỏi cho rằng họ không còn kỳ thị với chuyện ly hôn, trong khi đó, chỉ có 5 - 6% coi chuyện ngoại tình là bình thường. Hàng năm, Dự án hôn nhân quốc gia của Mỹ đều đưa ra những báo cáo phân tích thực trạng gia đình Mỹ. Theo báo cáo cuối cùng vào năm 2012, cứ 10 vụ kết hôn thì có 5 vụ ly hôn.
Điều đáng lưu ý rằng số vụ ly hôn trong 10 năm đầu của hôn nhân đã giảm 30%, nếu thu nhập của gia đình cao hơn 50 ngàn USD/năm; 25% nếu các cặp vợ chồng đều tốt nghiệp đại học trở lên; 24% nếu các cặp vợ chồng sinh con ngay trong năm đầu chung sống.
Một nghiên cứu của ĐH Radford 2012 cũng cho thấy ở Mỹ có những nghề ảnh hưởng rất lớn đến chuyện ly hôn. Ví dụ, những người hành nghề vũ công chuyên nghiệp, biên đạo múa hay massage dễ ly hôn, trong khi các kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ nha khoa, người bán hàng...ít ly hôn hơn. Cũng theo nghiên cứu của đại học Radford, 3 nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn ở Mỹ là giao tiếp, sự phản bội và vấn đề tài chính.
Thực tế cho thấy, bất cứ cuộc ly hôn nào đều để lại tai tiếng không ít thì nhiều. Với các chính trị gia, đôi khi việc ly hôn có thể thiêu đốt sự nghiệp chính trị của họ. Tuy nhiên, càng ngày con người ứng xử với ly hôn càng nhẹ nhàng hơn. Bằng chứng là chuyện ly hôn tai tiếng của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ như Newt Gingrich và John Edwards đã không ảnh hưởng đến uy tín của họ. Họ thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vì những lý do khác.
Vào thời điểm hiện tại, trong tổng số 50 Thống đốc bang ở Mỹ có 4 người ly hôn. Thống đốc bang Colorado John Hickenlooper không ly dị vợ nhưng tuyên bố chính thức đã ly thân. Sau khi ly dị vợ, 20 năm qua Thị trưởng New York Michael Bloomberg sống hạnh phúc với bạn gái của ông. Tại hạ viện Mỹ có 28 nhà lập pháp đã ly hôn; ở Thượng viện có 1 người ly hôn và 3 người khác đang sống ly thân.
Như vậy, ly hôn không phải là chuyện ít gặp trong giới chính trị gia của Mỹ, bởi lẽ đơn giản: Họ cũng là những người bình thường như bao người bình thường khác.
Duy Long (TH)