Khi các ngôi sao quay trở lại Harvard

GD&TĐ - Vừa qua, những ngôi sao bóng đá, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng thế giới đã tham dự một khóa học 4 ngày liên tục tại Đại học Harvard, Mỹ. Họ đến đây để tìm ra một con đường sự nghiệp khác với những gì đang khiến họ trở nên nổi tiếng.  

Khi các ngôi sao  quay trở lại Harvard

Trong số những học viên tham gia khóa học Kinh doanh thể thao, Truyền thông và giải trí có tiền vệ Barcelona Gerard Pique, diễn viên Katie Holmes và ngôi sao bóng bầu dục người Ireland Jamie Heaslip.

“Nhiều người tham gia khóa học muốn biết cách kiếm tiền từ thương hiệu của họ và xây dựng một doanh nghiệp hoặc phát triển một sự nghiệp thứ hai sau khi sự nghiệp hiện tại kết thúc, hay bước vào một sự nghiệp mới” – giáo sư Anita Elberse – người đứng đầu khóa học này cho hay.

Không có sự đối xử đặc biệt

Những người nổi tiếng vốn không quen với việc bị yêu cầu phải làm điều này hay điều kia, hoặc bị nói rằng họ đã làm gì đó sai. Nhưng đến đây mọi chuyện sẽ khác, không có ai nhận được sự cư xử đặc biệt.

“Họ biết nếu họ nói điều gì đó vô nghĩa thì tôi hoặc ai đó trong lớp sẽ nói cho họ biết họ đã sai. Điều này là khá mới mẻ với họ và là một trong những lý do họ rất thích khóa học” – bà Anita Elberse nói.

Trong suốt khóa học, họ ăn cùng nhau và ngủ trong ký túc xá của Harvard.

Khi có một người nổi tiếng nộp đơn xin học, giáo sư Elberse thường gọi điện trước để đảm bảo học viên biết sẽ gặp những vấn đề gì. “Đến nay tất cả mọi người đều rất tích cực và tôi chưa phải thất vọng bao giờ” – giáo sư Elberse cho hay.

Lý do để có nhiều tên tuổi lớn từ làng thể thao và giải trí thế giới muốn học khóa học này là để tận dụng tầm quan trọng ngày càng tăng của các thương hiệu cá nhân siêu sao trong các lĩnh vực.

Xu hướng trên đã dược giáo sư Elberse viết trong cuốn sách của mình mang tên Blockbusters (bom tấn). Bà cho rằng việc xây dựng một doanh nghiệp xung quanh các “các sản phẩm bom tấn” (một số lượng nhỏ các bộ phim, show truyền hình, những cuốn sách hay tên tuổi các ngôi sao… được đầu tư nhiều, có tác động lớn) là “con đường chắc chắn nhất dẫn tới thành công lâu dài”.

Các câu lạc bộ bóng đá Barcelona và Real Madrid đã thể hiện những ví dụ điển hình, họ đã có được thành công trong thể thao và thương mại bằng cách chi tiêu một phần lớn trong ngân sách của mình vào một số ít các ngôi sao như Cristiano Ronaldo và Neymar Jr.

Sự nổi lên của siêu sao lại càng được tăng tốc nhờ vào mạng xã hội, nó cho phép các cá nhân kết nối trực tiếp với người hâm mộ, chứ không phải làm việc thông qua trung gian.

Tận dụng thời gian bị thương, cầu thủ bóng bầu dục người Ireland Jamie Heaslip cũng đã tham gia khóa học năm nay. Anh hy vọng sẽ áp dụng những gì đã học được vào môn thể thao của mình.

“Tôi bị học thuyết “bom tấn” cuốn hút và muốn áp dụng nó trong môn bóng bầu dục vốn chỉ đi vào chuyên nghiệp trong 20 năm nay. Chúng tôi đã xem các môn thể thao khác đã trở thành các sản phẩm giải trí như thế nào và cách mọi người tham gia vào một môn thể thao với vai trò là người phát triển trò chơi” – Jamie Heaslip nói và cho biết thêm rằng anh sẽ rất hứng thú trong việc phát triển bóng bầu dục trong những thị trường mới sau khi nghỉ chơi.

Khóa học 4 ngày với học phí 10.000 USD

Khóa học của giáo sư Elberse sẽ có một tác động đối với tương lai của ngành thể thao và giải trí nếu những sinh viên của bà tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo trong những lĩnh vực này.

Gerard Pique đã được đề nghị làm chủ tịch tương lai của Barcelona. Liệu anh ấy có áp dụng học thuyết bom tấn vào việc quản lý câu lạc bộ Tây Ban Nha này không? “Tôi không biết, nhưng tôi nói với anh ta nếu sau này anh là chủ tịch thì tôi xin làm phó” – giáo sư Elberse nói.

Khóa học được dạy bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu các tình huống của Trường kinh doanh Harvard. Sinh viên sẽ xem 10 tấm gương thành công và thất bại gần đây nhất trong các lĩnh vực thể thao, giải trí và âm nhạc. Trong đó có việc ca sĩ Beyonce ra mắt một album năm 2013 mà không hề có các hoạt động tiếp thị và quảng cáo nào trước đó và một quyết định bán seri phim truyền hình House of Cards của một nhà sản xuất.

Sinh viên được chia ra thành các nhóm nhỏ để thảo luận các tình huống, sau đó các nhóm đưa ra ý kiến của mình trường lớp.

“Tôi đặt ra các câu hỏi và hy vọng rằng họ sẽ có câu trả lời. Tôi cũng đưa ra những mô hình để họ suy nghĩ hoặc một khung thảo luận nào đó” – giáo sư Elberse cho hay, bà cũng là người dạy MBA tại Trường kinh doanh Harvard.

Jamie Heaslip có bằng cử nhân về kỹ thuật y tế và bằng thạc sĩ kinh doanh. Anh nói rằng phương pháp nghiên cứu tình huống “rất khác với những gì anh trải nghiệm trong việc học tập của mình trước đây” nhưng nó rất “sâu sắc”.

Học phí của khóa học là 10.000 USD mỗi người và không yêu cầu bằng cấp trước đó. Với khoảng 60 sinh viên tham dự mỗi năm, đây cũng là một nguồn thu nhập dễ dàng cho Đại học Harvard.

Giáo sư Dan Sarofian – Butin, chủ nhiệm khoa giáo dục và chính sách xã hội của Trường Đại học Merrimack ở Massachusetts (Mỹ) – nói rằng khóa học được hưởng lợi từ danh tiếng của Harvard.

“Kiểu khóa học này cho phép sinh viên được tự hào rằng họ đã học ở Harvard, được giáo sư nổi tiếng dạy và được tương tác với những sinh viên nổi tiếng khác” – ông nói và cho rằng hầu hết sinh viên tham gia khóa học đều là “người trong cuộc” và họ có thể biết nhiều hơn về lĩnh vực của mình so với một giáo sư. Tuy nhiên họ vẫn được hưởng lợi từ quan điểm lớn hơn của giáo viên.

“Đây là điều mà một giáo viên giỏi có thể đưa ra, khả năng chỉ ra những điều ngoài sự hiển nhiên nhưng giáo viên chỉ làm được điều này khi có thể nhìn thấy bức tranh lớn hơn” – ông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ