Sắn dây hay còn gọi là cát căn, cam cát căn, phấn cát, củ dây có tên khoa học là Pueraria thomsoni Benth, eraria triloba Mak., Dolichos spicatus Grag. thuộc họ Cánh bướm, Fabaceae pilionaceae.
Sắn dây có 2 bộ phận được dùng làm thuốc là rễ củ (còn gọi là cát căn) và hoa (còn gọi là cát hoa). Bộ phận quan trọng nhất là cát căn.
Cát căn được thu hái từ cuối tháng 10 đến tháng 3 – 4 năm sau. Khi thu hái người ta lấy rễ rửa sạch, bóc lướ vỏ giấy bên ngoài, cắt thành từng khúc dài 10 – 15cm phơi hoặc sấy khô. Nếu muốn chế thành bột thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần, phơi khô.
Dược tính, công dụng nổi bật
Cát căn là vị thuốc quý đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
Theo tài liệu cổ có ghi: Cát căn vị ngọt, cay, tính bình. Hoa sắn dây vị ngọt, tính bình. Vào 2 kinh tỳ và vị. Có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Hoa sắn dây giải độc. Dùng chữa biểu chứng miệng khát, nhức đầu, tiết tả, lỵ ra máu, đâu chẩn sơ khởi.
Cát căn là vị thuốc chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa bệnh sốt khát nước, nhức đầu, lỵ ra máu.
Ngày dùng 8 – 20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Cuốn “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS Đỗ Tất Lợi có ghi thêm về tác dụng giải nhiệt của cát căn: Cho thỏ gây sốt uống dịch chiết cát căn bằng cồn eetylic với liều 2g/kg thể trọng thấy tác dụng giảm sốt rõ rệt.
Những bài thuốc từ cát căn
1. Hạ sốt đơn giản: Lấy 5 muỗng lớn bột sắn dây, cùng một 1 ít đường, thêm vào 6 muỗng lớn nước chín. Thêm nước nóng từ từ, cho đến khi thấy dễ uống thì thôi.
2. Chữa sốt trẻ con: Cát căn 20g, thêm 200ml nước sắc còn 100ml cho trẻ uống trong ngày.
3. Chữa cảm mạo sốt: Cát căn 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. (Đơn thuốc của Trương Trọng Cảnh theo “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”).
Lương y Huyên Thảo trên tờ Sức khỏe và Đời sống còn đưa thêm 2 bài thuốc giải độc từ sắn dây như sau:
1. Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc: Củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500 ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.
2. Ngộ độc rượu (uống quá nhiều rượu khiến tỳ vị thương tổn, khạc hoặc nôn ra máu, người phát sốt, tiểu tiện đỏ): Hoa sắn dây 30 g, hoàng liên 4 g, hoạt thạch 30 g (thủy phi), bột cam thảo 15 g; tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3 g, chiêu thuốc bằng nước mát.
Thủy phi là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại.
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Khai, cát căn được sử dụng hạ sốt trong những trường hợp bị cảm nắng hoặc bị sốt không thoát được mồ hôi. Cát căn giúp giãn cơ vì thế sẽ làm nhiệt độ trong người thoát ra, từ đó mà giảm nhiệt.
Cát căn không có độc tố, tuy nhiên không sử dụng trong các trường hợp người bị giãn cơ, chân ta bải hoải. Cát căn không đủ sức để hạ sốt trong trường hợp sốt cao, tuy nhiên dùng để hỗ trợ hạ sốt thì không có hại gì.