Khi bất đồng ngôn ngữ

Khi bất đồng ngôn ngữ

(GD&TĐ) - Với mong ước một cuộc sống sung túc, ở biệt thự, đi xe đẹp… nhiều cô gái Việt luôn ấp ủ trong mình viễn cảnh lấy chồng Tây. Song thực tế, có khá nhiều rào cản chắn lối con đường đến hạnh phúc của họ..

Rào cản vô hình

Không phải ai cũng may mắn hạnh phúc với cuộc hôn nhân ngoại quốc
Không phải ai cũng may mắn hạnh phúc với cuộc hôn nhân ngoại quốc
 

Các chuyên gia xã hội học sau thời gian nghiên cứu những cuộc hôn nhân ngoại quốc, gặp gỡ nhiều chị em lấy chồng nước ngoài cho biết, nhiều chị em đã vỡ mộng hoàn toàn mặc dù ban đầu họ đến với nhau tự nguyện, vì tình yêu.

Chị Hà An (Tây Hồ, Hà Nội), đã từng trải qua một cuộc hôn nhân với người chồng Việt Nam. Anh là công chức nhà nước, tính tình hiền lành nên không thể thỏa mãn những khát khao về một cuộc sống khá giả, được cưng chiều của chị. Thế nên chị đã nhanh chóng bước sang cuộc hôn nhân lần thứ 2 với tâm niệm chỉ lấy chồng Tây để “đổi đời”.

Thế nhưng, sau thời gian yêu và lấy, cuộc sống của  chị Hà An với người chồng Đức đã phải đối đầu với nhiều thách thức trong đó sự bất đồng ngôn ngữ là nỗi khổ lớn nhất của chị. Chị An cho biết, mặc dù trước khi kết hôn chị đã đi học tiếng Đức 5 – 6 tháng nhưng dường như vốn liếng ấy chưa đủ để chị có thể giao tiếp, chia sẻ cũng như lắng nghe người bạn đời. Đặc biệt, mỗi khi có vấn đề cần trao đổi quyết liệt đến nơi đến chốn, chị không thể hiểu nổi chồng đang giải thích hay đang... chửi mình.

Ông chồng người Đức của chị cứ nói liến thoắng, ngôn ngữ tuôn ra như mưa còn chị ngậm ngùi trong sự bất lực. Dù yêu thương hay hờn giận, chị đều phải kìm chế trong lòng và tự an ủi mình chấp nhận chứ nói ra cũng chẳng có ai nghe, chẳng ai hiểu.

Sau hai năm chung sống với người chồng Đức, ngôn ngữ tiếng Đức của chị không khá hơn, chồng chị thì càng không muốn học thêm tiếng Việt để có thể giao tiếp và hiểu vợ. Vì thế, cả hai đã chia tay trong sự bất đồng, thiếu cảm thông và hiểu biết lẫn nhau.

Cùng hoàn cảnh với chị An, chị Thanh Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng khốn khổ vì cuộc hôn nhân ở xứ người với ngôn ngữ bất đồng. Chị Lan yêu và tự nguyện lấy một anh chàng người Hà Lan. Sau 3 tháng lấy chồng nhưng vẫn ở lại Việt Nam (cho hết nhiệm kỳ công tác của chồng) chị cảm thấy khá mãn nguyện với cuộc hôn nhân này vì dẫu sao chị đang ở Việt Nam, được sống với văn hóa và ngôn ngữ của mình.

Thế nhưng, khi cùng chồng trở về Hà Lan, cuộc sống của chị đã thay đổi rất nhiều. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để đối diện với cuộc sống nơi xứ người song chị không ngờ mình lại chịu nhiều áp lực và mệt mỏi, tù túng đến thế. Sang đến nơi, cuộc sống của chị chủ yếu là nội trợ. Trừ những lúc đi siêu thị, hoặc anh đưa đi đâu đó, đến nhà bố mẹ chồng thì hầu như chị ở trong bốn bức tường, cũng không thể giao tiếp nhiều với ai bởi chưa quen và ngôn ngữ cũng chưa thạo.

Không những thế, trở về Hà Lan đã 1 năm song chồng chị gần như chẳng bao giờ gọi điện về hỏi thăm gia đình, bố mẹ, anh chị em vợ với lý do không nói thạo tiếng Việt. Mỗi lần đề cập tới việc về Việt Nam thăm gia đình, anh đều không mấy hào hứng cho vợ đi. Những mâu thuẫn về ngôn ngữ, xen lẫn văn hóa như trở thành rào cản vô hình chia tách chị và chồng.... Tiếp tục cuộc sống quẩn quanh bên người chồng không hiểu nhiều về ngôn ngữ, văn hóa của mình hay “làm lại từ đầu” vẫn là câu hỏi lớn đối với chị dù đã hơn một năm gắn bó, lấy nhau.

M.Hằng – cô gái trẻ có vóc dáng, gương mặt được bạn bè đánh giá đúng “chuẩn” của Tây thích luôn ao ước được lấy chồng Tây. Khi gặp một anh chàng người Pháp mê mẩn cô mừng lắm. Cô đầu tư học tiếng Pháp, đi đâu trong túi cũng có cuốn sách in những mẩu hội thoại song ngữ Pháp – Việt cơ bản để cô có thể dùng khi bí từ. Thế nhưng giữa một người Pháp và một người bập bẹ tiếng Pháp, con đường tìm hiểu yêu đương cũng đầy những góc khuất. Cô gần như chỉ có thể nói với anh chàng những ngôn ngữ giao tiếp thông thường nhất, còn để tâm sự được với những điều thầm kín nhất về gia đình hay bản thân thì thật khó khăn.

Không thể cứ ú ớ, ra tín hiệu tay chân với nhau trong những lần gặp gỡ 1h đồng hồ, thế nên hầu hết những cuộc hẹn hò chỉ kết thúc trong vòng 30 phút nếu không có phiên dịch đi cùng. Quyết định lấy chồng Tây hay không bắt đầu được cô cân nhắc suy xét. Bởi để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc như mong muốn, chắc chắn cô phải đầu tư ít nhất cả năm trời nữa để học tiếng Pháp, và tìm hiểu văn hóa Pháp.

Hôn nhân cần sự hòa hợp tổng thế

Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… là thách thức không nhỏ trong những cuộc hôn nhân với người nước ngoài
Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… là thách thức không nhỏ trong những cuộc hôn nhân với người nước ngoài
 

Các chuyên gia xã hội học cho rằng không phải cuộc hôn nhân chồng Tây vợ Việt nào cũng không đi tới hạnh phúc. Thực tế cho thấy, vẫn có những cặp đôi yêu nhau rồi kết hôn và sống với nhau hạnh phúc. Nhưng nhìn lại thì con số này chắc cũng không nhiều.

Nhiều nhận xét cùng đồng tình, đàn ông Tây thoáng hơn đàn ông Việt Nam ở khía cạnh, khi đã yêu một người phụ nữ thì họ chỉ cần người phụ nữ ấy có hợp với mình không còn những yếu tố phụ xung quanh như gia đình, quá khứ, hình thức bên ngoài, tình trạng hôn nhân, con cái... không cần xét nét. Những người chồng Tây cũng bớt gia trưởng hơn và có trách nhiệm với gia đình, vợ con...

Sự khác biệt về những yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, đòi hỏi chị em trước khi tính chuyện kết hôn phải trang bị cho mình vốn ngôn ngữ, văn hóa kha khá để có thể hòa nhập dễ dàng.

Các nhà chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo, nếu lấy chồng Việt, đương nhiên những cảm xúc yêu thương, giao tiếp của người phụ nữ sẽ dễ dàng được chia sẻ nhiều hơn. Với những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì yêu cầu chị em phải sử dụng tốt ngôn ngữ thứ 2, thứ 3. Và chắc chắn, mọi cảm xúc yêu thương hay hờn dỗi cũng như chia sẻ, diễn đạt một điều gì khó có thể được chồng cảm nhận tường tận. Điều này sẽ dẫn đến giới hạn trong giao tiếp, vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung và khoảng cách ngày càng xa.

“Lấy chồng Tây đừng nghĩ ai cũng sướng” - Đó là lời khuyên của nhiều chị em đã “thất bại” từ cuộc hôn nhân ngoại quốc. Điều quan trọng mà mỗi người phụ nữ cần lưu ý rằng hôn nhân là một chặng đường dài đầy chông gai. Chính vì vậy, đòi hỏi những cặp đôi dù là người Việt với người Việt hay người Việt với người nước ngoài cùng đi với nhau trên con đường ấy ngoài tình yêu cần có sự thấu hiểu, chia sẻ, đặc biệt là sự hòa hợp về tâm hồn, văn hóa, ngôn ngữ.

Chị Thanh Lan (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: Nhiều khi, bố mẹ chồng và chồng cứ “xì xồ”, nghe không hiểu hết, chồng thì không “phiên dịch” nên chị cứ cảm giác như đang sống ở một hành tinh khác. Mọi yêu thương, hờn giận, chị đều nén trong lòng. Bởi khi chồng không cảm nhận được thì ngôn ngữ của chị cũng không đủ diễn tả để anh hiểu hết những cảm xúc, suy nghĩ của chị.

THÁI HOÀNG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ