Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

GD&TĐ - Đề nghị “hỗ trợ vé máy bay” của Hội Nhà văn đang gây tranh luận và cả những mâu thuẫn không đáng có trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Và khi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - ông Nguyễn Quang Thiều thất vọng khi Hà Nội không phản hồi về công văn này, đã khiến nhiều người bất chợt nhớ câu tục ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Sau một năm bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, từ ngày 18 - 19/6 tới đây, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.

Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động văn học trẻ trong 5 năm gần đây, là cuộc điểm danh lực lượng viết trẻ toàn quốc, trao đổi những vấn đề học thuật quan trọng và vạch ra phương hướng phát triển văn học trẻ trong vòng 5 năm tới.

Khi mà mọi việc liên quan đến những người trẻ viết văn phải mấy ngày nữa mới tiến hành, thì một nội dung vốn không liên quan đến văn chương lại được bàn rôm rả trên mạng xã hội - liên quan đến “vé máy bay”.

Nhiều người đặt câu hỏi, không lẽ các hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, lại phải trông chờ vào cơ chế xin – cho, và không thể tự túc đi lại. Nếu các địa phương không có cơ chế chi tiền vé máy bay để hội viên của tỉnh nhà tham dự, thì hội nghị liệu có tổ chức được không?

Thực ra đây là một câu chuyện dài, dù không quá phức tạp nhưng rất dễ gây tổn thương. Không ai muốn đi xin, càng không muốn mình thành người ăn xin, nhưng (có thể) là người đứng đầu một hội lớn, ai cũng muốn hội viên của mình được thuận lợi hơn trong việc đi lại.

Thế nhưng bàn về tổng thể nếu Hội Nhà văn “xin” được vé máy bay, thì Hội Mỹ thuật, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhà báo, Hội nghệ sĩ múa… cũng xin được. Và nếu Hà Nội chấp thuận đề nghị hỗ trợ Hội Nhà văn, thì với các hội khác - Hà Nội không thể “nhất bên trọng, nhất bên khinh” mà từ chối.

Có người cho rằng, đồng ý văn chương phục vụ con người, phụng sự xã hội. Thế các hội khác, các lĩnh vực khác không vì con người, không vì xã hội hay sao? Và nếu coi văn chương là một sản phẩm hàng hoá tinh thần, có bán có mua, thì khi ra sách – cách trân trọng nhất đối với nhà văn là sự đón nhận của độc giả, chứ không phải việc vụn vặt như “vé máy bay”.

Chưa hết, nhiều người còn đồng ý rằng, Hà Nội hay bất kỳ tỉnh thành nào nếu đồng ý hỗ trợ vé máy bay thì cũng đều từ ngân sách – tiền túi của dân cả. Cho nên giữa cuộc tranh luận, nhiều nhà văn cho rằng nếu được tham dự, họ sẽ tự lo phần đi lại chứ không nên phiền đến người khác.

Trong ca khúc “Bài này chill phết”, rapper Đen Vâu giải thích: “Bài hát này đã có quảng cáo, không có tiền thì làm nhạc làm sao”. Nhưng rồi, cũng chính Đen Vâu trong “Hai triệu năm” lại nói: “Bài này không có quảng cáo, không có tiền thì làm nhạc dưới ao”.

Quả thật, Đen Vâu không nói dối khi anh quay MV dưới ao. “Hai triệu năm” chỉ dài 3 phút 37 giây, nhưng đến nay đã đạt gần 72 triệu lượt xem.

Ví dụ đó có thể không liên quan, nhưng lại thấy rằng lời dạy “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” mà người xưa đúc kết, vừa đúng lại rất chí tình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.