Khen thưởng và “miếng giữa làng”

GD&TĐ - Ngày đầu tuần (18/2), ngay sau khi Chuyên án 219D (vụ án nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên giao gà chiều 30 Tết bị hiếp dâm, giết người, cướp tài sản) kết thúc, Công an tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo cung cấp thông tin chính thức. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ án nhói lòng dẫu còn nhiều tình tiết phức tạp liên quan chưa được làm rõ, nhưng cũng khiến dư luận nguôi ngoai phần nào khi những kẻ thủ ác tàn độc sẽ phải trả giá. Thế nhưng, buổi họp báo lại bất ngờ gây ra dư luận trái chiều khi Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên quyết định khen thưởng 2 tập thể, 14 cá nhân thuộc Công an tỉnh Điện Biên và Bộ Công an; Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên tặng giấy khen cho 48 cá nhân có thành tích trong đấu tranh Chuyên án 219D.

Phải nói rằng, hiếm có vụ khen thưởng nào lại gây nhiều ý kiến trái chiều như thế, thậm chí “dậy sóng” cả trên báo chí lẫn các phương tiện truyền thông xã hội. Cả hai phía ủng hộ và phản đối rằng có xứng đáng hay không, đúng người, đúng việc hay chưa đều đưa ra những lý lẽ, cơ sở của mình và đều cho rằng là thuyết phục. Cũng dễ hiểu, bởi ngay cả tấm huân chương còn có mặt trái, còn xù xì góc cạnh, là do chúng ta tiếp cận sự việc ở chiều kích, điều kiện, hoàn cảnh nào thôi…

Sự so sánh nào cũng khập khiễng, mặc cho các vụ án đều gây ra những đau thương, mất mát đối với gia đình các nạn nhân, gây phẫn uất trong nhân dân. Nhưng nhân sự ồn ào này chợt nhớ lại vụ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM trao lại phần thưởng phá án nhanh cho các “hiệp sĩ” hồi tháng 5/2018. Khi chuyên án khép lại, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đến thăm hỏi, động viên các “hiệp sĩ” bị thương khi truy bắt trộm và trao khoản tiền khen thưởng mà UBND thành phố trao tặng riêng phòng vì có thành tích nhanh chóng khám phá vụ án, bắt giữ các đối tượng, cộng với nguồn kinh phí của phòng… Đó có thể là nghĩa cử “trao lại” sự động viên tinh thần, vật chất (dù nhỏ) cho những người đáng được nhận hơn, cả về tình lẫn lý, chứ không phải từ chối khen thưởng…

Xưa nay, sự khen thưởng, động viên kịp thời trước những việc làm, hành động có ý nghĩa, có giá trị luôn diễn ra. Đó là sự ghi nhận cần thiết của cộng đồng đối với vai trò đóng góp của cá nhân, tập thể. Là những giá trị cần được tôn vinh, nhân rộng, lan tỏa. Là ý nghĩa của việc làm như các cụ ta xưa có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, hay gần đây là “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”…

Tất nhiên, “một miếng” hay “một đồng” ấy phải thực sự xứng đáng, phải được tổ chức, trao nhận một cách trang trọng, đàng hoàng, hơn hẳn “một sàng” hay “một trăm đồng”, thì nó mới có ý nghĩa, có giá trị. Đó mới là nguồn động viên với người được nhận, nhất là với những cá nhân, tập thể làm công việc thầm lặng liên quan đến việc bảo đảm an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.