Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh: Coi trọng giáo dục tích cực

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để thay thế Thông tư 08 đã được ban hành từ năm 1988.

Học sinh tại TP.HCM tham gia lớp năng khiếu bóng đá. Ảnh minh họa.
Học sinh tại TP.HCM tham gia lớp năng khiếu bóng đá. Ảnh minh họa.

Theo ý kiến của các nhà quản lý, giáo viên về nội dung dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông lần này là một điều chỉnh hết sức tích cực, mang tính nhân văn. 

Thầy Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (Quận Tân Phú) cho hay, trong dự thảo thông tư lần này, Bộ GD&ĐT hướng đến việc khen thưởng học sinh phải tạo động lực cho người học trong việc đổi mới sáng tạo, tự đổi mới phương pháp học tập,... xây dựng theo hướng tiếp cận mới của chương trình phổ thông mới.

Việc khen thưởng thể hiện rõ tính cá nhân hóa, cụ thể là sự phát triển của từng học sinh. Dự thảo thông tư này chỉ hạn chế việc tặng giấy khen định kỳ cuối năm học của hiệu trưởng, chứ không hạn chế các hình thức khen thưởng khác.

Tinh thần là việc khen thưởng cần kịp thời hơn để tạo động lực, do đó việc khen thưởng định kỳ cuối năm học sẽ được hạn chế hơn.

Thay vào đó sẽ có những hình thức động viên, khen thưởng thường xuyên. Đặc biệt nhấn mạnh cần kịp thời khen ngợi, biểu dương học sinh trước lớp, trước toàn trường khi các em có kết quả học tập, rèn luyện hay việc làm tốt, dù là nhỏ.

Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh họa.
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM trong giờ học. Ảnh minh họa.

Đồng tình với dự thảo thông tư nói trên, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988 đến nay đã hơn 30 năm. Thông tư này đã có hiệu quả, tác dụng nhất định, tuy nhiên đến thời điểm này có những điều không còn phù hợp, cần điều chỉnh.

Trong dự thảo Bộ GD&ĐT công bố lần này để lấy ý kiến đóng góp không còn hình thức đuổi học một năm. "Tôi rất ủng hộ điều đó vì việc đuổi học sinh là không phù hợp. Vì các em ở độ tuổi cắp sách đến trường, đôi khi các em có cử chỉ, hành động, lời nói không đúng chuẩn, cần phải giáo dục.

Nếu đuổi học, vô hình trung nhà trường đuổi các em ra khỏi môi trường giáo dục. Đó là hình phạt nặng, thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục". 

Cũng theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, khi học sinh vi phạm, điều quan trọng nhất đối với người có trách nhiệm là tìm hiểu nguyên nhân sai phạm để từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp để các em nhận ra cái sai và không bao giờ tái phạm. Do đó, tốt nhất không nên sử dụng hình thức này, nếu có nên chăng chỉ đình chỉ trong ba ngày, nhiều ngày quá các cháu không tiếp cận được kiến thức sẽ dễ nản chí.

Về khen thưởng học sinh, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai cũng rất đồng tình với 4 hình thức khen thưởng trong dự thảo của Bộ GD&ĐT.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai cũng trao đổi thêm, về hình thức, ngoài 4 hình thức trên nên có thêm hình thức đăng tên trên bảng danh dự tại lớp (3 hoặc 5 em học sinh giỏi/mỗi lớp), bảng danh dự trường (học sinh nhất khối, 1 học sinh/khối lớp) vào cuối học kỳ 1 và cuối mỗi năm học.

Về nội dung, ngoài khen học sinh giỏi về rèn luyện, học tập; cần khen học sinh có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn, Đội, trong các hoạt động xã hội, học sinh có thành tích xuất sắc đột xuất trong một việc cụ thể nào đó. Riêng đối với học sinh tiểu học cần tăng cường hình thức tuyên dương trước lớp.

Liên quan đến nội dung về kỷ luật học sinh, thầy Phạm Phương Bình - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng những điều khoản buộc thôi học, khiển trách cảnh cáo HS được bãi bỏ, bên cạnh những mặt tích cực, dự thảo vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần trao đổi thêm. Nhất là hình thức “tạm dừng học tập” thay thế cho đuổi học.

Rõ ràng tạm dừng học tập nghe nhân văn và hợp lý hơn, nhưng nên để việc quyết định thời gian tạm dừng bao lâu cho Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định. Căn cứ trên tình hình cụ thể, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra và ý thức - nhận thức của học sinh mà nhà trường có quyết định phù hợp.

Có những trường hợp cá biệt phải cho phép tạm dừng học tập để áp dụng các biện pháp giáo dục khác nhằm giúp học sinh tiến bộ trước khi được lên lớp tham gia mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...

Cha con NSƯT Quyền Văn Minh sẽ chơi cùng các nghệ sĩ band Bình Minh Jazz Club.

NSƯT Quyền Văn Minh tái ngộ khán giả

GD&TĐ - NSƯT Quyền Văn Minh và con là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ tái ngộ khán giả tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) trong liveshow 'Cha, con và nhạc Jazz'.