Khen thưởng trưởng bản xả thân cứu người trong lũ dữ

GD&TĐ - Bất chấp hiểm nguy, Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ cùng một người dân băng vào dòng lũ cứu được 10 người đang bị mắc kẹt bên trong căn nhà.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn tặng giấy khen cho anh Vi Văn Truyền (bên trái) và anh Lê Minh Hương vì có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn đợt lũ vừa qua.
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn tặng giấy khen cho anh Vi Văn Truyền (bên trái) và anh Lê Minh Hương vì có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn đợt lũ vừa qua.

Trưởng bản xả thân cứu người

Ngày 5/10, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, địa phương vừa trao tặng giấy khen và thưởng nóng cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cứu hộ, cứu nạn nhân dân và học sinh tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ.

Cụ thể, 2 người được huyện Kỳ Sơn tặng giấy khen là anh Vi Văn Truyền (Trưởng bản Hòa Sơn) và anh Lê Minh Hương (người dân bản Hòa Sơn). Hai người này đã cùng nhau cứu một nhóm 10 người bị mắc kẹt trong căn nhà bị cô lập bởi dòng lũ và đưa một nhóm học sinh đến nơi an toàn.

“Theo nhân chứng kể lại, anh Truyền và anh Hương cùng nhau cứu nhóm người bị mắc kẹt trong nhà, trong đó có người bị liệt phải bế chạy đi. Lúc cứu người, nước lũ đã ngập ngang bụng rồi. Khi mọi người được cứu ra khỏi nhà khoảng 5 phút thì cả căn nhà này bị lũ cuốn trôi sạch", ông Rê chia sẻ.

Trận mưa lũ lịch sử tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Trận mưa lũ lịch sử tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Anh Vi Văn Truyền - người vừa được nhận giấy khen cho biết, từ khi thành lập bản năm 1972 đến nay, chưa có trận lũ nào kinh hoàng, ghê gớm như thế này.

Người đàn ông này nhớ lại, nước lũ đổ về nhiều đợt, từ 1h sáng, 3h, 5h và đến thời điểm 7h sáng. Nước từ đầu nguồn ồ ạt đổ về kéo theo cây gỗ, đất, đá khổng lồ. Một số hộ dân chưa kịp di chuyển phải trèo lên nóc nhà để thoát thân, còn tài sản thì không thể cứu vớt được thứ gì.

Trong khi đó, nhiều người không kịp chạy thoát ra ngoài nên bị mắc kẹt trong nhà, một số phải trèo lên mái nhà để thoát thân chờ ứng cứu. Thời điểm này, trưởng bản Truyền đang đi hô hoán mọi người sơ tán đến nơi an toàn và giúp đỡ người dân sơ tán.

Rạng sáng 2/10, khi thấy căn nhà của ông Hải (trú bản Hòa Sơn) đang bị bao vây bởi dòng nước lũ chảy xiết, trong nhà còn rất đông người, anh Truyền cùng anh Hương đã lập tức băng vào cứu nhóm người đang mắc kẹt bên trong ra ngoài.

Nhiều bản làng ở xã Tà Cạ tan hoang sau trận lũ lịch sử.

Nhiều bản làng ở xã Tà Cạ tan hoang sau trận lũ lịch sử.

“Tôi và anh Hương lội xuống suối, cho người tự trôi từ bên này sang bên kia để tiếp cận căn nhà và trèo vào cứu người. Sau đó bằng mọi cách, chúng tôi đưa từng cháu nhỏ ra trước, rồi đến người lớn vượt suối đến nơi an toàn”, anh Truyền kể lại thời khắc cứu nhóm người ra khỏi dòng lũ.

Chỉ ít phút sau đó, cả căn nhà này đã bị nước lũ cuốn phăng. Sau khi cứu nhóm người này thành công, anh Truyền tiếp tục cùng một số người dân đi hỗ trợ nhân dân sơ tán chạy lũ.

Cùng thời điểm này, thấy một nhóm học sinh đang trèo lên mái nhà chưa thể thoát ra khỏi nước lũ, trưởng bản Truyền lại cùng người dân tiếp cận hỗ trợ. Từng em học sinh được đưa men theo triền mái nhà đi đến nơi an toàn.

Trong lúc cứu người dân ra khỏi dòng lũ, anh Truyền không may vướng phải đinh sắt khiến ngón tay chảy máu nhiều. Tuy nhiên, bỏ qua nỗi đau anh Truyền tiếp tục đi cứu người rồi mới trở về nhà dùng mảnh vải băng bó lại vết thương.

Anh Vi Văn Truyền bị thương ở tay trong quá trình cứu người ra khỏi lũ dữ. Ảnh: Quốc Huy
Anh Vi Văn Truyền bị thương ở tay trong quá trình cứu người ra khỏi lũ dữ. Ảnh: Quốc Huy

Theo anh Truyền, từ hôm qua đến nay, chính quyền địa phương và các đoàn thiện nguyện đã lên cung cấp mì tôm, trứng, nước uống và nhiều thức ăn nhanh nên bà con đã đỡ vất vả hơn.

“Mọi người ở trong bản có thể tự nấu ăn cho gia đình mình. Trong khó khăn gian khổ, người dân ở bản này biết nương tựa vào nhau trong từng bữa cơm sớm tối, ấm áp, giàu tình người”, trưởng bản Truyền chia sẻ.

Được biết, Hòa Sơn là một trong những bản bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua khi có 38 ngôi nhà bị trôi, sập hoàn toàn; 35 nhà bị hư hỏng nặng, đất đá vùi lấp...

Trắng đêm loa cảnh báo

Trong khi đó, ở khối 1, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) người dân cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề từ cơn lũ. Hàng nghìn khối đất đá theo khe Huồi Giảng băng qua đường, tràn vào nhà dân. Có nơi đất bùn ngập cao hơn 2m.

Nhớ lại đêm kinh hoàng khi lũ ập về, ông Lô Văn Tiệp - Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 1, thị trấn Mường Xén vẫn chưa hết sợ hãi bởi lũ ập về quá nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho tài sản người dân.

Ông Lô Văn Tiệp - Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 1, thị trấn Mường Xén.
Ông Lô Văn Tiệp - Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 1, thị trấn Mường Xén.

Ông Tiệp cho biết, từ đêm 1/10 đến rạng sáng 2/10, lũ đã nhiều lần đổ về dâng lên gây ngập đường. Để cảnh báo cho người dân, ông Tiệp đã liên tục phát loa cảnh báo kêu gọi người dân thức, sẵn sàng sơ tán người và tài sản.

Một số nhà bị ngập được ông Tiệp kêu gọi những người dân khác đến giúp đỡ kê tài sản lên cao, tránh bị thiệt hại. Khoảng 1h30 sáng, công tác kê tài sản lên cao hoàn tất, người dân ai về nhà nấy.

Tuy nhiên, khoảng 1 tiếng sau, lũ tiếp tục ập về lần thứ 2. Trước tình hình căng thẳng, ông Tiệp tiếp tục phát loa thông báo nhiều lần để người dân sẵn sàng chạy lũ.

Thị trấn Mường Xén ngập tràn bùn, đất và đá sau trận lũ.

Thị trấn Mường Xén ngập tràn bùn, đất và đá sau trận lũ.

“Thấy lũ ào về nhanh quá, tôi chạy vào nhà văn hóa khối phố, phát loa thông báo cho người dân bỏ chạy, chứ lúc đó không ai hỗ trợ được nhau nữa”, ông Tiệp chia sẻ.

Mặc dù thiệt hại về tài sản, nhưng nhờ có sự chuẩn bị và việc ông Tiệp liên tục phát loa truyền thanh cảnh báo nên tại thị trấn Mường Xén không có thiệt hại về người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ