back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine
Chị Và Y Dở nghẹn ngào khi nhớ lại khoảnh khắc con gái bị lũ dữ cuốn trôi.

Nỗi đau 'thắt từng khúc ruột' ở vùng tâm lũ Kỳ Sơn

GD&TĐ - Mưa lũ đi qua để lại vô vàn nỗi đau cho người dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Có người mẹ mất con, nhiều gia đình trắng tay chỉ trong phút chốc.

Người mẹ trẻ mất con

Bản Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm sát dưới chân núi. Rạng sáng ngày 2/10, một trận lũ lớn đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của bà con đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Sống bên cạnh dòng suối Huồi Giảng, gia đình Và Y Dở (SN 2003, trú tại bản Sơn Hà) thuộc diện chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ quét vừa qua.

Lũ lớn đã đánh sập toàn bộ ngôi nhà và tài sản của chị Dở xuống suối. Đau đớn hơn, người con gái đầu lòng mới 4 tháng tuổi của chị cũng bị lũ cuốn trôi, tử vong. Trong chốc lát, người phụ nữ trẻ bỗng nhiên mất đi tất cả.

“Công chúa của mẹ ngủ ngon nhé!... Thiên thần nhỏ của mẹ, mẹ làm sao vượt qua đây, chỉ có mẹ thôi mẹ sống sao bây giờ? Chưa kịp ôm lần cuối, chưa kịp hôn lần cuối vậy mà em nỡ rời xa mẹ. Công chúa của mẹ yên nghỉ nhé...”, chị Dở đau đớn tâm sự trên mạng xã hội.

Căn nhà gỗ của chị Và Y Dở bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại phần móng.

Căn nhà gỗ của chị Và Y Dở bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại phần móng.

Anh Mùa Bá Chù (em chồng của chị Dở) cho biết, suốt từ đêm 2/10, trên địa bàn có mưa lớn kéo dài. Đến khoảng 3h sáng, mưa xối xả, tiếng đá va đập vào nhau dưới suối vang lên.

Nghĩ có chuyện chẳng lành, anh Chù đánh thức mọi người trong nhà dậy, rồi chạy sang nhà chị Dở ở phía bên kia đường, ngay sát mép suối đập cửa đưa mọi người sang nhà mình trú ẩn.

Khoảng 7h30 sáng 2/10, mưa to, gió thổi vù vù, anh Chù hô lớn gọi mọi người chạy ra khỏi nhà. Ngay sau đó, cả một khối “bom nước” từ trên cao đổ ập xuống, quét sạch những gì trên đường đi của nó.

Lúc này, con trai anh Chù mới 11 tuổi đang bế cháu M.N.C. (con gái chị Và Y Dở) chạy không kịp, bị dòng lũ cuốn trôi. Thấy 2 đứa trẻ bị cuốn trôi song tất cả đều bất lực vì dòng nước chảy quá mạnh. Con trai anh Chù sau đó may mắn với được một khúc gỗ, thoát lên bờ.

Nước lũ chảy xiết, tàn phá nhiều làng bản của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Nước lũ chảy xiết, tàn phá nhiều làng bản của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

“Chỉ trong tích tắc, cả nhà cả con bị nước cuốn băng. Lúc đó, mọi thứ diễn ra quá nhanh, không ai có thể làm gì được”, chị Dở đau xót nói. Đối với người mẹ trẻ này, đó là ký ức kinh hoàng, mệt mỏi và đau đớn nhất của đời mình.

Được biết, chị Dở mới lập gia đình được hơn 1 năm. Nhà nghèo nên chồng của chị phải vào miền Nam làm thuê. Khi nghe tin con gái gặp nạn, anh liền tức tốc ra bắt xe khách lên đường về nhà để chịu tang con.

Trơ trọi giữa núi rừng

Lớn lên bên núi rừng từ nhỏ, chị Lằm Thị Nhỏm (SN 1984, trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) cho biết, chưa khi nào chị chứng kiến trận lũ nào lớn như sáng 2/10. “Gia đình tôi mất hết tài sản. Một bộ quần áo cho con đi học cũng không còn, chỉ có lớp bùn đất dày bám vào nhà”, người phụ nữ này thở dài.

Chị Nhỏm nhớ lại, từ chiều ngày 1/10 trời bắt đầu có mưa to, đến khuya nước bất ngờ dâng cao. Không kịp trở tay, cả gia đình chị vội vàng chạy thoát thân, không kịp đem theo bất cứ tài sản gì.

Khi trở về nhà, người phụ nữ này bàng hoàng khi căn nhà trơ trọi, toàn bộ bàn, ghế, giường, tủ,... trong nhà trôi theo dòng nước lũ.

Nhiều gia đình trắng tay, tài sản sót lại vài chiếc quần áo cũ, vài đôi dép, xoong nồi đã móp méo, hư hỏng.

Nhiều gia đình trắng tay, tài sản sót lại vài chiếc quần áo cũ, vài đôi dép, xoong nồi đã móp méo, hư hỏng.

Cách đó không xa, bà Vang Thị Bình (SN 1960, trú tại bản Hòa Sơn) đang cùng chồng cố gắng nhặt nhạnh từng vật dụng bị lấp dưới lớp bùn non đặc quánh. Là một trong những hộ khó khăn nhất bản, gia đình bà Bình cả đời dành dụm mới kiếm được ít tiền sắm sửa trong nhà nhưng trận lũ quét đã cuốn đi hết.

“Chiếc tivi mới mua, xem được một hai buổi cũng bị lũ kéo ra khỏi tấm gỗ, vỡ tung. Đàn gà, đàn vịt, cái xe cũng chẳng còn. Quần áo không có mặc, phải mượn nhờ nhà hàng xóm”, bà Bình nghẹn ngào.

Trong chiều qua và sáng nay, chính quyền huyện Kỳ Sơn cùng các lực lượng công an, bộ đội đã tiếp cận được 2 bản Hòa Sơn (236 hộ/966 nhân khẩu) và Sơn Hà (83 hộ/415 nhân khẩu) bị nước lũ cô lập.

Cầu tạm được qua suối Huồi Giảng để vận chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ) đang bị cô lập.
Cầu tạm được qua suối Huồi Giảng để vận chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ) đang bị cô lập.

Chiếc cầu bằng tre đơn giản dài gần 10m được bắt qua suối Huồi Giảng. Hai bên cầu, lực lượng chức năng phải túc trực để hỗ trợ mang nhu yếu phẩm vào, đồng thời canh chừng con nước, đảm bảo an toàn cho người dân.

Từ ngày 4/9 đến nay, tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An liên tục xảy ra mưa lũ lớn cục bộ, gây thiệt hại nặng nề ở nhiều xã như Bảo Nam, Tà Cạ, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Hữu Kiệm, thị trấn Mường Xén...

Riêng trận lũ ngày 2/10 đã làm 55 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 141 căn nhà bị ngập, sạt lở gây hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp và nhiều tài sản khác như ô tô, xe máy... bị lũ cuốn trôi. Ước tính thiệt hại ban đầu trong đợt mưa lũ này hơn 100 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.