Khen thưởng lực lượng phá án vụ nữ sinh giao gà bị sát hại: Mong nhân dân đồng tình và chia sẻ

GD&TĐ - Xung quanh những ý kiến trái chiều liên quan đến việc lực lượng tham gia phá án vụ nữ sinh giao gà bị hãm hại đêm 30 Tết, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên khẳng định lực lượng chức năng đã làm hết sức mình và xứng đáng được ghi nhận; đồng thời mong nhận được sự chia sẻ, đồng tình của nhân dân và dư luận.

Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chuyên án 219D trả lời phỏng vấn Báo GD&TĐ
Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chuyên án 219D trả lời phỏng vấn Báo GD&TĐ

Không vào cuộc quyết liệt?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Đại tá Tráng A Tủa, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh Điện Biên cho rằng, quan điểm trên là không đúng với thực tế công việc mà lực lượng CA đã tiến hành. Theo Đại tá Tráng A Tủa thì 22 giờ đêm 30 Tết, cơ quan CA tiếp nhận trình báo của chị Trần Thị Hiền (mẹ của nạn nhân Cao Thị Mỹ Duyên). CA tỉnh Điện Biên đã trực tiếp chỉ đạo CA TP Điện Biên Phủ, CA huyện Điện Biên và CA các phường, xã liền kề phối hợp với gia đình tổ chức lực lượng tìm kiếm.

Mặt khác, cơ quan CA đã thông báo đến các trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) chủ động theo dõi phương tiện mất tích. Trong khi, kết quả điều tra cho thấy thời điểm chị Hiền trình báo, các đối tượng đã khống chế và thực hiện xong hành vi hãm hại Duyên. “Theo hình ảnh được trích xuất từ camera của hàng xóm nhà cậu, mợ của Vương Văn Hùng, đối tượng này đã sử dụng xe của cháu Duyên về nhà cậu mợ vào lúc 21 giờ 8 phút 35 giây”.

Sáng hôm sau (tức ngày 1 Tết), CA tỉnh đã chỉ đạo CA các địa phương tiến hành rà soát các nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê khu vực TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên nhưng không phát hiện được dấu vết. Không loại trừ khả năng xảy ra một vụ buôn bán người qua biên giới, cơ quan CA đã thông báo cho các đồn biên phòng khu vực biên giới Việt - Lào và biên giới Việt - Trung, trạm CSGT để chốt chặn, kiểm tra phát hiện nhưng không có thông tin.

Đến ngày mùng 2 Tết mới phát hiện được xe của nạn nhân. Nhưng xe đã được rửa sạch sẽ để xoá dấu vết. “Sau khi xuất hiện tin nhắn đòi tiền chuộc từ một thuê bao lạ từ Campuchia, chúng tôi đã kết nối điện thoại với CA các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam để phối hợp xác minh thông tin. Sau khi tìm được thi thể cháu Duyên, chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm rất kĩ, xác định đây là vụ án giết người, không loại trừ hiếp dâm. Dư luận cho rằng, CA không quyết liệt truy tìm là oan cho lực lượng CA”, Đại tá Tráng A Tủa nói.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường
Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường 

Khám nghiệm lại do trình độ yếu kém?

Trả lời câu hỏi trên, Đại tá Tráng A Tủa cho biết: “Việc khai quật, khám nghiệm lại tử thi nạn nhân là hoàn toàn bình thường, đúng với quy định của pháp luật, không có gì mờ ám, khuất tất liên quan đến trình độ và năng lực của cơ quan điều tra và các giám định viên”.

Đại tá Tráng A Tủa cho biết thêm, quá trình khám nghiệm tử thi được tổ chức tỉ mỉ, chính xác. Bước đầu kết luận nạn nhân chết do ngạt cơ học (bị siết cổ). Đối tượng Vương Văn Hùng thừa nhận một mình giết nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình điều tra, khám nghiệm cơ quan điều tra xác định trong vụ án có nhiều đối tượng tham gia nên tiếp tục mở rộng diện tìm kiếm và phát hiện trên xe của Bùi Văn Công có vết máu.

Qua giám định xác định mẫu máu trên thùng xe của Công trùng khớp với mẫu máu của nạn nhân nên CQĐT đã triệu tập Bùi Văn Công lên phục vụ điều tra. Hùng và Công khai báo quanh co. Mở rộng điều tra tiếp, CA thấy có nhiều đối tượng liên quan. Quá trình lấy lời khai, các đối tượng khai nhận suốt từ đêm 30 Tết, Hùng dùng côn nhị khúc siết cổ cho nạn nhân ngất đi rồi các đối tượng thay nhau hãm hiếp. Trong hai ngày mùng 1 và 2 Tết, Công và các đối tượng đã lưu giữ nạn nhân Cao Thị Mỹ Duyên trên thùng xe. Khám nghiệm tử thi, không thấy thi thể nạn nhân có vết trầy xước. Nghĩa là quá trình bị hãm hiếp, không có dấu hiệu cho thấy sự kháng cự từ phía nạn nhân.

“Có thể các đối tượng đã sử dụng một phương thức đầu độc nào đó để cho nạn nhân không thể nhận thức, phản xạ. Các chuyên gia cho rằng, khả năng cháu bị đầu độc, mất khả năng kháng cự, không kêu la được, bởi vậy nguyên nhân dẫn đến cái chết không chỉ do ngạt cơ học mà còn bởi độc tố nào đó. Các chuyên gia yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm soát tiến hành khai quật để làm rõ. Đặc biệt, là các đối tượng khai siết cổ 2 lần nhưng siết lần đầu không chết, đến đêm mùng 2 Tết mới siết cổ chết. Như vậy, phải giám định dấu vết của việc siết cổ có phải 2 lần không. CQĐT cho rằng, để làm sáng tỏ vụ án, để có đủ các cơ sở khoa học buộc tội các đối tượng cần phải khai quật tử thi”, Đại tá Tráng A Tủa nói.

Có xứng đáng được khen thưởng?

Xung quanh những ý kiến trái chiều trong những ngày qua, Đại tá Tráng A Tủa cho rằng: “Quyền bình phẩm, bình luận là của nhân dân. Còn theo tôi thì việc khen thưởng cho lực lượng phá án là hoàn toàn xứng đáng và kịp thời. Bởi vì, với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi đã huy động tối đa quân số có mặt để thực hiện nhiệm vụ, cùng với gia đình nạn nhân truy tìm ngay sau khi nhận được trình báo của gia đình. Có thể nói là tìm kiếm trong vô vọng, manh mối ít. Chúng tôi đã dựng hàng trăm đối tượng theo mô tả của gia đình để nhận dạng nhưng không ra”.

Là Trưởng ban Chuyên án 219D, Đại tá Tráng A Tủa thấu hiểu những vất vả của những cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án hơn cả. Đại tá tâm sự: “Anh em lăn lộn trong ngày lễ, ngày Tết, bỏ lại phía sau lưng là vợ, con, gia đình để mong sớm truy tìm ra những kẻ thủ ác, những đối tượng nguy hiểm đã từng ra tù, vào tội. Ngay cả lực lượng tinh nhuệ của Bộ CA cũng lên để phối hợp điều tra. Có đồng chí mấy đêm không ngủ, mong tìm ra đối tượng để bắt chúng phải đền tội. Tôi cho rằng, họ làm việc với mức độ cao hơn bình thường, đạt được kết quả cao hơn bình thường thì xứng đáng được khen. Còn việc cháu bị sát hại, đó là điều không ai mong muốn. Chúng tôi cũng chỉ mong muốn nhân dân đồng tình và chia sẻ với những nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ tham gia trong vụ án này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ