Khẩu hiệu trường học: Cần sự chọn lọc

GD&TĐ -Đã từ lâu, trong mỗi nhà trường ở tất cả các cấp học, việc chăm lo xây dựng, tạo cảnh quan trường học là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần tạo cho học sinh một môi trường sạch đẹp, thoáng mát, thân thiện và mang tính giáo dục. 

Khẩu hiệu trường học: Cần sự chọn lọc

Trong đó, hệ thống khẩu hiệu luôn được các nhà trường chú trọng và đưa vào khuôn viên nhà trường, không gian lớp học để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc lựa chọn sử dụng những khẩu hiệu không hợp lý, sử dụng quá nhiều khẩu hiệu dẫn đến hiện tượng “lạm dụng” khẩu hiệu đã xuất hiện ở nhiều nhà trường.

Thế nào là khẩu hiệu mang tính giáo dục

Đối với mỗi nhà trường, dù cơ sở vật chất như thế nào, dù lớp học bằng tranh tre hay nhà xây cao tầng cũng không thể thiếu được yếu tố khẩu hiệu. Việc sử dụng các khẩu hiệu trong nhà trường vừa phù hợp với không gian là cơ sở giáo dục, nơi rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách, tri thức cho thế hệ trẻ, nơi chắp cánh cho ước mơ của mỗi học sinh, vừa mang trong đó những thông điệp giáo dục để tác động trực tiếp vào nhận thức của người học, của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội về ý nghĩa, giá trị của giáo dục, các con đường hình thành nhân cách, tri thức của người học.

Đã có những khẩu hiệu đậm sâu trong tâm trí mỗi thế hệ nhà giáo, học sinh, sinh viên, trở thành những khẩu hiệu truyền thống không thể thiếu được trong mỗi nhà trường như những lời dạy của cổ nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn”; những lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”; “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”…Cùng với đó là những khẩu hiệu mang trong đó những tư tưởng định hướng giáo dục cho người học của các nguyên thủ, các bậc vĩ nhân, các nhà khoa học, triết học…được các nhà trường chọn lựa để sử dụng cố định trong không gian nhà trường.

Thông thường, các khẩu hiệu giáo dục thường được gắn ở những vị trí trang trọng, nơi thường xuyên tập trung đông đảo học sinh như ở vị trí khán đài, nhà hiệu bộ, nhà lớp học, phía trên và hai bên bảng lớp học…Khẩu hiệu tại những vị trí đó, hằng ngày, hằng giờ sẽ có sự tác động trực tiếp đến người học, góp phần tạo nên tính giáo dục, giá trị nhân văn của môi trường sư phạm. Chính vì thế, các thế hệ học sinh các nhà trường, sau khi ra trường, khôn lớn trưởng thành đã in vào trong tâm trí mình những khẩu hiệu giáo dục giống như những bài học vừa cô đọng ngắn gọn, vừa giàu giá trị. Việc đặt các khẩu hiệu ở các vị trí phù hợp trong khuôn viên nhà trường sẽ tạo nên sự hài hòa của không gian, sự thân thiện và tính mô phạm của môi trường giáo dục.

Đừng hiểu “qui định”, “qui chuẩn, “biển báo” là khẩu hiệu!

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò và ý nghĩa giáo dục của các khẩu hiệu trong các nhà trường. Cũng cần thấy rằng, trong những năm gần đây, khi điều kiện về cơ sở vật chất đã khá hơn, các nhà trường sau khi đã xây dựng trường lớp học khang trang thì đã có sự đầu tư về trang trí khuôn viên, cảnh quan nhà trường, trong đó, có đầu tư nhiều về khẩu hiệu. Việc quan tâm về cảnh quan và khuôn viên nhà trường là chính đáng bởi nếu thiết kế tốt sẽ tạo một môi trường lý tưởng cho người học. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư về lắp đặt các khẩu hiệu, nhiều nhà trường ở các cấp học đã sử dụng khẩu hiệu với số lượng lớn, dày đặc và đủ các kiểu loại. Điều đó khiến cho không gian sân trường, không gian lớp học chủ yếu toàn khẩu hiệu.

Việc lựa chọn nhiều khẩu hiệu ở các nhà trường dẫn đến sự hiện diện của khẩu hiệu ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà trường. Khẩu hiệu có từ cổng trường, dọc đường đi vào, gắn vào hầu hết các thân cây xanh, cột nhà học, tường nhà, hành lang lớp học…Đâu đâu cũng có khẩu hiệu. Ngoài ra, trong không gian lớp học còn gắn nhiều khẩu hiệu khác. Ở giữa bao giờ cũng có một trong các khẩu hiệu chạy dọc phía trên bảng, hai bên bao giờ cũng có hai bảng chữ in nội quy, tiêu chí thi đua, phía cuối lớp sẽ là khẩu hiệu của Đoàn Thanh niên, các quy định đánh giá, xếp loại giờ học…Phía ngoài cổng trường là biển báo “Cổng trường an toàn giao thông” do Đoàn Thanh niên gắn.

Như thế, chỉ cần đứng ở phía cổng trường nhìn vào, chúng ta sẽ thấy trong khuôn viên nhà trường dày đặc những khẩu hiệu tuyên truyền, ở nhiều vị trí khác nhau. Điều dễ nhận thấy, nhiều nhà trường đã quá lạm dụng cây xanh để gắn các khẩu hiệu tuyên truyền. Có những cây thấp thì khẩu hiệu cũng được treo thấp sát mặt đất. Bởi thế, ngoài những khẩu hiệu truyền thống vốn được sử dụng lâu năm ở các nhà trường từ xưa tới nay thì nhiều nhà trường đã sử dụng những câu danh ngôn nước ngoài, những câu nói nổi tiếng, những câu thành ngữ có hơi hướng giáo dục để in thành những tấm khẩu hiệu lớn.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các nhà trường có liên kết với các ngành như công ty Viễn thông, các doanh nghiệp, các công ty du học, xuất khẩu lao động… thì những đơn vị này nhằm mục đích quảng bá sản phẩm nên đã tài trợ cho các nhà trường toàn bộ kinh phí để lắp đặt các biển khẩu hiệu cùng mẫu mã. Vì thế, những cây khẩu hiệu nhân tạo được dựng lên thành những hàng dọc sân trường, lối đi một cách đều đặn, thẳng tắp.

Có những nhà trường sử dụng khẩu hiệu chưa hoàn toàn phù hợp với đối tượng người học. Cụ thể như các trường mầm non lại gắn vào đó những khẩu hiệu hết sức hàn lâm, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khiến cho không gian của trẻ thơ trở nên khô cứng, khuôn mẫu.

Khẩu hiệu giáo dục cần gắn với hành động thực tiễn

Cũng cần nhận thấy rằng, khẩu hiệu nhiều nhưng nếu thiếu sự hành động thì hiệu quả giáo dục sẽ không cao. Ở nhiều nhà trường, gắn dày đặc những câu danh ngôn, châm ngôn mang tính triết lý về giáo dục nhưng thực chất ý thức nền nếp, đạo đức của người học lại không cao, còn vi phạm nhiều, chất lượng học tập và rèn luyện không có sự chuyển biến. Hơn nữa, khẩu hiệu thì có nhiều nhưng chưa có những hoạt động, những phong trào để đưa người học vào môi trường giáo dục thực tiễn sinh động nên chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người học đối với các vấn đề đặt ra. Chẳng hạn, trong những năm gần đây, hầu hết các trường từ Tiểu học, THCS, THPT đều gắn biển “Cổng trường an toàn giao thông” do Đoàn Thanh niên phát động. Song, trên thực tế, nhiều nhà trường chỉ gắn biển để đấy mà không hề có các hoạt động như tổ chức tuyên truyền, ngoại khóa về an toàn giao thông, không có hoạt động của đội thanh niên xung kích ở vị trí cổng trường, tình trạng vi phạm Luật giao thông của học sinh vẫn diễn ra nhiều, tan nạn giao thông vẫn diễn ra phổ biến đối với học sinh.

Khẩu hiệu giáo dục là cần thiết đối với mỗi nhà trường ở các cấp học. Tuy cần thiết nhưng không cần nhiều. Vì thế, các nhà trường cần lựa chọn một số khẩu hiệu mang tính giáo dục truyền thống để sử dụng trong nhà trường. Cần cân nhắc, lựa chọn vị trí gắn các khẩu hiệu sao cho phù hợp. Các cấp học cần lựa chọn khẩu hiệu phù hợp với tâm lý lứa tuổi của người học, tăng cường trồng cây xanh, bồn hoa, cây cảnh để tạo không gian sân trường thân thiện, thoáng mát. Tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, ngoại khóa, các trò chơi dân gian và các phong trào thi đua để đưa học sinh vào môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Từ đó, mỗi học sinh có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.