Khát vọng công lý

GD&TĐ - Rất lâu rồi trên báo chí trong nước và quốc tế mới nhắc tới một vụ kiện của một nạn nhân da cam Việt Nam.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đấy là việc ngày 25/1, Tòa đại hình ở thành phố Évry (ngoại ô Paris) bắt đầu xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một Việt kiều tại Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ra thương tổn sức khỏe nghiêm trọng cho bà cũng như hàng triệu nạn nhân khác. 

Người phụ nữ sinh năm 1942, từng là phóng viên Thông tấn xã giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nay đã gần 80 tuổi. Bà vẫn nhớ mình đã chứng kiến máy bay Mỹ rải một loại bột xuống căn cứ trong rừng sâu để tiêu diệt cây cỏ truy tìm Việt Cộng. 

Các số liệu chính thức của Mỹ cho biết, trong thời gian chiến tranh từ 1961 - 1975, 80 triệu lít chất độc đủ loại đã được rải xuống Việt Nam, riêng chất da cam chiếm 60 % của tổng số hóa chất. Có những nơi cây cỏ bị hủy diệt hoàn toàn, có nơi các loại cỏ cao vọt và nhiều loại quả có hình thù kỳ quái - chính báo chí nước ngoài đã viết về điều đó.

Hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất da cam/dioxin, và di chứng của chất độc này tác động đến thế hệ thứ 3, thậm chí cả thứ 4, thế hệ thứ hai thì nhiều vô kể. Hai cô con gái của bà Nga hiện đều sống ở nước ngoài, cũng mang các di chứng về da và máu được cho là hậu quả của chất da cam. 

Vụ kiện của các cựu binh Mỹ vào đầu những năm 1980 đã mất một thời gian đấu tranh lâu dài, để cuối cùng dẫn tới những dàn xếp ngoài tòa và các cựu binh Mỹ được chính phủ đồng ý bồi thường cho khoảng vài chục chứng bệnh liên quan đến chất da cam/dioxin. 

Vào những năm 2000, các nạn nhân da cam Việt Nam cũng đệ đơn lên tòa án Mỹ kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất da cam để rải xuống Việt Nam. Cuộc đấu tranh pháp lý được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế, kể cả ở Mỹ, của nhiều cựu binh và chuyên gia pháp lý Mỹ, nhưng cuối cùng đã bị tòa bác bỏ. Tuy nhiên, vụ kiện kéo dài đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nhiều người, nhất là lớp trẻ, về hậu quả nặng nề của chiến tranh. 

Cho đến giờ, vụ kiện của bà Nga, sau nhiều năm khởi kiện (2015) và nhiều phiên tòa thủ tục, cuối cùng cũng được bắt đầu. Vụ kiện là một bước đột phá khi được tiến hành tại Pháp, với hy vọng sẽ không có những can thiệp chính trị từ một chính phủ có liên quan đến việc rải chất da cam để phiên tòa có thể diễn ra. Một thời gian đủ lâu từ phiên tòa trước, để một thế hệ trẻ nữa lớn lên và hiểu về khái niệm da cam/dioxin cũng như các nạn nhân còn lại. 

Quan hệ Việt - Mỹ đã thay đổi rất nhiều. Những công ty nông nghiệp Mỹ từng sản xuất hóa chất diệt cỏ năm xưa thậm chí đã sang đầu tư vào Việt Nam từ nhiều năm nay, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp đầu vào cho nông dân.

Quốc hội Mỹ cũng đã dành hàng trăm triệu USD để làm sạch tồn dư chất dioxin ở sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa. Nhưng lịch sử sang một trang mới không có nghĩa là quá khứ bị lãng quên. Vẫn còn hàng triệu người Việt là nạn nhân chất da cam và gia đình họ rất cần được giúp đỡ. 

Vì thế, vụ kiện của bà Trần Tố Nga là một tiếng chuông của lịch sử, là lời nhắc nhở, là khát vọng công lý cho những nạn nhân da cam còn lại, để ít nhất, số phận của họ không bị lãng quên. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ