Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm hơn nữa với nạn nhân da cam

Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm hơn nữa với nạn nhân da cam

(GD&TĐ)-Sáng nay (10/8), tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp với Hội nạn nhân da cam/dioxin Hà Nội tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011).

n
Mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày thảm họa da cam

Dự lễ mít tinh có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt… các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể ở Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế.

 Ngày 20/11/1961, Tổng thống Mỹ Jonh Kenedy chính thức phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch khai quang, nhưng trước đó đã có nhiều chuyến bay thử nghiệm. Ngày 10/8/1961, máy bay của quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam, dọc theo đường 14 từ Bắc Kon Tum đến Đắk Tô. Thảm hoạ da cam ở Việt Nam bắt đầu từ đây.

Trong suốt 10 năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển.

Hậu quả, chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến 4-5 nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để giúp các gia đình và các cháu nạn nhân da cam bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong và ngoài nước cũng ra sức ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần đối với họ. Bạn bè tiến bộ trên thế giới cũng chung tay cùng chúng ta giúp đỡ các nạn nhân da cam. Nhưng có thể nói, cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn còn rất khó khăn vì bệnh tật hiểm nghè.

Phó Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục chung tay, góp sức làm tất cả những gì có thể để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm trước những thiệt hại đã gây ra cho môi trường và sức khoẻ của người dân Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã gây ra một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người, để lại hậu quả nặng nề cho con người và thiên nhiên Việt Nam. Dù sớm hay muộn, công lý phải được thực thi, Mỹ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

Đó cũng là thông điệp mà nhiều bạn bè quốc tế chia sẻ khi tham dự Hội nghị Quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 diễn ra ngày 8-9/8 tại Hà Nội, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2011).

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ