Khát nhân sự chủ trì ngành mới

GD&TĐ - Năm 2025, nhiều trường đại học xúc tiến mở ngành mới, trong đó có nhiều ngành nằm trong nhóm liên ngành, xuyên ngành, mang đậm dấu ấn công nghệ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Để đáp ứng xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành, nhiều trường đã tận dụng nguồn lực hiện có, tranh thủ hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu để xây dựng mạng lưới phòng thực nghiệm/thí nghiệm 4.0; đầu tư trang thiết bị/cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và giảng dạy sáng tạo; nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông và phần mềm phục vụ cơ chế quản lý thông minh; xây dựng học liệu số, triển khai học trực tuyến, tương tác, học tích hợp công nghệ, tìm kiếm nhân sự chủ trì ngành…

Trong các khâu chuẩn bị nói trên, khó khăn nhất hiện nay với các trường là việc tìm kiếm nhân sự chủ trì mở ngành, theo quy định của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT là trình độ tiến sĩ.

Khác với những ngành đơn ngành (như Toán học, Vật lý…) luôn sẵn có đội ngũ tiến sĩ với tên ngành cụ thể, rõ ràng, phần lớn những ngành học mới mang tính liên ngành, xuyên ngành chưa có mã đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, nên việc tìm kiếm nhân sự chủ trì đúng tên ngành gần như bế tắc.

Thậm chí, việc thực hiện các chính sách như đưa giảng viên đi học nghiên cứu sinh tại nước ngoài đối với những ngành học mới này cũng không phải dễ dàng. Để tháo gỡ tình trạng “muốn sinh con mà chưa có cha”, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có tính mở đối với trường hợp những ngành chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ, có thể sử dụng tiến sĩ của những ngành phù hợp để mở ngành. Thế nhưng hiện nay, ngay cả tìm kiếm tiến sĩ ở những ngành phù hợp cũng không phải chuyện đơn giản.

Đơn cử như với ngành Truyền thông đa phương tiện, các trường xác định 2 ngành gần làm ngành phù hợp gồm Báo chí (nghiên cứu về báo chí đa phương tiện) và Công nghệ thông tin (nghiên cứu về Truyền thông đa phương tiện); Ngành Công nghệ Tài chính (Fintech) tìm tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng, nhưng phải có các công trình khoa học về mảng công nghệ tài chính; Ngành Trí tuệ nhân tạo cậy nhờ tiến sĩ ngành Khoa học máy tính có công trình về AI…

Dù áp dụng tính mở theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT nhưng mỗi trường đang có cách hiểu khác nhau về khái niệm ngành phù hợp, chuyên môn phù hợp, với sự vận dụng khác nhau, nên dẫn đến nhiều băn khoăn về việc đúng, sai. Kết quả thanh tra của Bộ GD&ĐT trong tháng 3/2024 về công tác mở ngành cho thấy nhiều trường mở ngành mới nhưng không có giảng viên chủ trì, tổ chức đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.

Bất kỳ ngành đào tạo trình độ đại học nào được mở ra đều phải đảm bảo điều kiện về tiến sĩ chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình. Quy định của Bộ GD&ĐT đối với người chủ trì mở ngành mới và đội ngũ tương ứng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, hạn chế tình trạng mở ngành vô tội vạ.

Tuy vậy cần thấy rằng thị trường lao động đang phát triển rất nhanh, xã hội có ngày càng nhiều ngành mới phát sinh, đặc biệt nhóm liên ngành, xuyên ngành… Các ngành này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của xã hội để giải quyết các bài toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong nước đào tạo lại chưa theo kịp (trình độ đại học chưa có, lấy đâu ra tiến sĩ?). Nếu đợi thực hiện đúng theo quy định thì công tác đào tạo chắc chắn sẽ bị chậm nhịp so với xu thế phát triển chung của thế giới, sự phát triển công nghệ hiện đại.

Thực tế khát tiến sĩ chủ trì ngành đặt ra yêu cầu cần có cơ chế linh hoạt, cùng những hướng dẫn kỹ lưỡng hơn trong việc mở ngành mới, nhất là nhóm liên ngành, xuyên ngành. Có như vậy, các cơ sở giáo dục đại học mới thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm nhân sự chủ trì ngành, cơ quan quản lý dễ dàng trong thanh, kiểm tra, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy việc mở ngành mới phù hợp với xu hướng chung, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.