Đến nay, dịch Covid-19 lắng xuống nhưng thi trực tuyến vẫn được nhiều trường áp dụng với tỷ lệ buổi thi dần nâng cao.
Xu hướng tích cực trong bối cảnh chuyển đổi số
Trong bối cảnh ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số thì hình thức kiểm tra, đánh giá thi cử đối với sinh viên cũng dần tiệm cận và thích ứng. Đi đầu triển khai việc đánh giá kiểm tra và thi dưới hình thức trực tuyến là Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH). Từ tháng 10/2022, thi trực tuyến sẽ là hoạt động khảo thí chủ yếu của đơn vị này.
Để chuẩn bị cho hoạt động khảo thí dưới dạng trực tuyến, UEH đã ra mắt hệ thống thi trực tuyến, đồng thời hướng dẫn thí sinh các bước chuẩn bị cũng như cách thức tham gia kỳ thi tại trường. TS Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH - cho biết, hình thức trực tuyến được áp dụng thí điểm cho học kỳ cuối năm 2022 đối với các học phần theo kế hoạch của trường. Tham gia thi trực tuyến, sinh viên phải thực hiện theo 4 bước để đăng nhập cũng như dự thi và đảm bảo các điều kiện kỷ luật, tính nghiêm túc và công bằng của kỳ thi.
“Thí sinh cần bố trí camera trên thiết bị giám sát theo quy định thi trực tuyến UEH và theo yêu cầu của cán bộ coi thi. Bố trí camera trên thiết bị làm bài đảm bảo thấy khuôn mặt và thiết bị giám sát phía sau. Người dự thi tuyệt đối không rời khỏi trang thi để chuyển sang cửa sổ khác; Không gian yên tĩnh, không có người qua lại, không đặt tài liệu, thiết bị điện tử khác.
“Trước khi đăng ký dự thi trực tuyến (với những học phần, môn học phù hợp), sinh viên cần báo để khoa xây dựng kế hoạch, lộ trình thi. Để sinh viên dự thi tốt, không gặp trục trặc, đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi, ngoài việc hướng dẫn, trường còn mở phòng thi thử cho sinh viên để làm quen trước khi thi thật. Hiện, nhà trường vẫn tổ chức thi trực tuyến cho các sinh viên có nhu cầu và ở những nhóm ngành, môn học thuận lợi với tỷ lệ nhất định, còn thi trực tiếp vẫn là hình thức thi chủ yếu của trường”, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết.
Các công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của thí sinh, người học ở các bậc, hệ (như yêu cầu kỹ thuật về thiết bị làm bài, thiết bị giám sát, quy định bố trí không gian thi, quy trình ra đề, quy định làm bài thi…) đều được trường đảm bảo kỹ càng. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho sinh viên cũng được tăng cường nên UEH tự tin đảm bảo kết quả và tính nghiêm túc của các kỳ thi”, TS Bùi Quang Hùng nói.
Ngoài UEH, ở nhiều trường như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Luật TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM…, hoạt động thi trực tuyến vẫn được duy trì ở mức độ phù hợp với những ngành học, đơn vị học phần phù hợp nhằm đảm bảo các điều kiện về tính nghiêm túc của kỳ thi. Trường ĐH Luật TPHCM còn xây dựng cổng thi trực tuyến, đồng thời hướng dẫn kỹ càng cho sinh viên các bước đăng nhập, đảm bảo điều kiện an toàn, minh bạch, nghiêm túc khi tham gia dự thi…
Nhiều trường vẫn thận trọng
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - nhìn nhận, xu hướng đào tạo và thi trực tuyến ngày càng thể hiện được tính ưu việt trong bối cảnh hội nhập và học tập đại học theo xu hướng mở. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, việc học và thi trực tuyến đã trở thành “đòn bẩy” cho các trường đẩy mạnh xu hướng kiểm tra, đánh giá thi cử trực tuyến, khi đã có kinh nghiệm, thời gian dài chuẩn bị và đầu tư cho hạ tầng công nghệ.
Ảnh minh họa. |
“Thi và kiểm tra trực tuyến có những mặt được và cả hạn chế. Tuy vậy, nếu làm một cách kỹ càng, có lộ trình thì đây rõ ràng là hướng đi các trường cần đẩy mạnh. Tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, thi trực tuyến chưa nhiều trong cấu trúc đào tạo và thi cử. Việc triển khai đại trà và đồng bộ như đợt dịch vừa qua vẫn cần có thời gian và lộ trình phù hợp hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh.
Để tổ chức kiểm tra, đánh giá đào tạo trực tuyến một cách có hệ thống và chất lượng thì chưa có một quy trình liên quan nào được ban hành. Chia sẻ điều này, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo trực tuyến cần phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như: Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi và kết cấu đề thi đánh giá cuối khóa; Đánh giá hiệu quả của kênh hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trao đổi giữa người học và người dạy hoặc giữa người học với người học…
Còn theo TS Phan Thị Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến, Trường ĐH Mở TPHCM, cái lợi của hình thức thi này là tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng sự an toàn và riêng tư, tính tiếp cận cao, quá trình đánh giá ít rắc rối… Tuy vậy, những mặt hạn chế của hình thức thi này vẫn rất lớn như các hành vi gian lận cao, lệ thuộc vào Internet; các yêu cầu về trang bị kỹ thuật, sự giám sát từ xa cần đầu tư nhiều.
“Do đó, việc đánh giá kết thúc môn học của các trường dưới hình thức thi trực tuyến cần được tổ chức trong điều kiện có cơ sở pháp lý đầy đủ, cơ sở giáo dục đáp ứng các yêu cầu về công nghệ giám sát thi trực tuyến. Đặc biệt, để việc học và thi trực tuyến hiệu quả, việc thiết kế dạng thức hoạt động đánh giá phải phù hợp, nhất là kiểm định các chương trình đào tạo từ xa phải được thực hiện một cách đầy đủ thường xuyên, nhằm đảm bảo chất lượng và sự công bằng cho tất cả thí sinh”, TS Ngọc Thanh nhấn mạnh.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cũng cho biết: “Thi trực tuyến có những vấn đề nhất định trong việc giám sát thí sinh từ xa, hoạt động chống gian lận thi cử cũng như đảm bảo tính công bằng. Hiện, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM vẫn duy trì việc kiểm tra, thi dưới hình thức trực tiếp còn việc tổ chức thi trực tuyến chỉ ở những học phần, môn học nhất định khi nó phù hợp với điều kiện và yêu cầu. Trường vẫn cần lộ trình để chuẩn bị và xây dựng các điều kiện tốt nhất về hạ tầng công nghệ, tính nghiêm túc, an toàn cho các kỳ thi”.