Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định, đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, giáo viên học sinh của trường hôm nay và mai sau.
Bà Châu cho biết, bức tượng của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được hoàn thành vào đầu năm 2021 với mong muốn của gia đình được gửi tặng cho Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, tại Quận 4 (TPHCM). Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đặt tượng phải hoãn lại.
“Bức tượng với chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng đối với cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong chặng đường cách mạng vẻ vang đã qua và mãi mãi mai sau”, bà Châu cho hay.
Bà Châu cũng mong rằng với truyền thống cách mạng vẻ vang, với tinh thần năng động, sáng tạo, tập thể thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ sẽ tiếp tục ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nỗ lực trong sự nghiệp trồng người.
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1910, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông từng giữ chức vụ Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội khóa VII và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được người dân cả nước và thế giới biết đến là một trí thức yêu nước tiêu biểu, là ngọn cờ tập hợp-một con người có tấm lòng nhân nghĩa và có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng tại buổi lễ khánh thành, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng chia sẻ, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ vinh dự được mang tên nhà tri thức, nhà yêu nước, nhà cách mạng lỗi lạc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
“Việc khánh thành tượng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đặt tại sân trường nhằm giúp các thế hệ học sinh nhà trường mãi ghi nhớ công ơn của một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, kiêm tốn, trong sạch. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài, danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao cả”, thầy Đỗ Đình Đảo nhấn mạnh.