Khẩn trương mở cửa trường

GD&TĐ - Những ngày qua, ngành Giáo dục nhiều địa phương có quyết định cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Long An sẽ đón học sinh THPT, kể cả giáo dục thường xuyên từ 6/12. Các cấp học còn lại dự kiến mở cửa trường muộn hơn, từ 20/12 với THCS, từ 3/1/2022 với mầm non, tiểu học. Hà Nội cũng có kế hoạch cho học sinh trở lại trường, trong đó cấp THPT cũng bắt đầu từ 6/12. Trước đó 22/11, Đà Nẵng cho học sinh lớp 12 đi học trở lại, sau đó là học sinh lớp 10, 11; dự kiến từ 6/12 đến lượt học sinh lớp 1, 8, 9.

Tại TPHCM, kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện với lộ trình thận trọng hơn. Từ ngày 13 - 25/12, thí điểm mở cửa trường với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12. Từ tuần thứ 2, sẽ bắt đầu đón trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường. Sau 2 tuần thí điểm, sơ kết rút kinh nghiệm thành phố sẽ xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.

Chuyển động mở cửa trường của các tỉnh thành nói trên là tín hiệu đáng mừng, nhất là khi tinh thần dạy học trực tiếp trong bối cảnh bình thường mới của đa số thầy cô, học sinh đã sẵn sàng. Tuy vậy, con số địa phương tổ chức dạy học trực tiếp hiện rất khiêm tốn, bên cạnh nhiều nơi nỗ lực mở cửa, thì cũng thêm nhiều nơi chuyển đổi hình thức dạy học.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến 29/11, vẫn còn có 20 tỉnh, thành dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình. Đặc biệt, có tới 14 tỉnh từ chỗ dạy trực tiếp 100% phải chuyển đổi hình thức dạy học. Như vậy, từ 25 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp từ đầu năm, đến nay cả nước chỉ còn 9 tỉnh. Một trong những lí do nhiều tỉnh, thành vẫn chưa sẵn sàng cho dạy học trực tiếp là dịch bệnh còn phức tạp, học sinh vẫn chưa tiêm phủ xong vắc-xin.

Vắc xin được xem là “chìa khóa vàng” để đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường, tuy nhiên đó không phải là chìa khoá duy nhất. Quan trọng nhất khi mở cửa trường  là  có phương án cụ thể, hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh tốt, đảm bảo an toàn khi đón học sinh đi học trở lại.

Đất nước đã bước vào giai đoạn mới, thích ứng với Covid-19. Đành rằng tỷ lệ trẻ 12 - 17 tuổi được tiêm vắc-xin chưa cao, dưới độ tuổi này còn trắng, song không phải lứa tuổi nào cũng có vắc-xin và số lượng vắc-xin cho trẻ em vẫn chưa về đủ. Nhiều số liệu thống kê trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm ở trẻ, tỉ lệ nhiễm có triệu chứng, tỉ lệ tử vong rất thấp. Thậm chí, ngay cả khi tiêm vắc-xin vẫn có thời hạn và khả năng lây nhiễm như đã và đang xảy ra.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đã mở cửa trường học là phải đảm bảo an toàn. Từ giữa tháng 10, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn gửi các tỉnh thành về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục. Những ngày qua, đi kèm với kế hoạch học tập trực tiếp, chính quyền, ngành Giáo dục các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn mở cửa trường học, đặc biệt phối hợp với cơ quan y tế xây dựng văn bản hướng dẫn liên ngành về phương án phòng chống dịch khi có trường hợp F0, F1, F2, hoặc nghi ngờ F0 trong học đường.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin của cả nước là 94,4% cho người trên 18 tuổi (tính đến 30/11), tỷ lệ tiêm vắc-xin của trẻ em đang tăng lên. Trong bối cảnh này, nếu phụ huynh, giáo viên và nhà trường có sự phối hợp tốt, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong phòng, chống dịch bệnh; xây dựng phương án cụ thể, để kịp thời xử lí các tình huống xảy ra, hoàn toàn có thể tự tin mở cửa trường. Khẩn trương mở cửa trường không chỉ phù hợp với tư duy mới về chống dịch, đảm bảo chất lượng dạy học, đảm bảo kế hoạch năm học mà còn vì quyền được học tập trực tiếp của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ