Cùng với các ngành, lĩnh vực khác, hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp cũng được xem xét kích hoạt, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Hôm nay, theo kế hoạch, tại TPHCM, gần 250 học sinh các khối 1, 2, 6, 9 và 12 cùng 67 giáo viên của Trường Tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ chính thức đến trường học trực tiếp. Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là những học sinh, giáo viên đầu tiên của TPHCM đi dạy, học trở lại sau thời gian dài ngừng đến trường vì dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 18/10, ngành Giáo dục Khánh Hoà cũng tổ chức dạy và học trực tiếp cho các khối lớp cấp THCS và THPT tại cơ sở giáo dục thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và thành phố Cam Ranh. Dự kiến đầu tháng 11, nhiều tỉnh thành khác ở khu vực phía Nam vốn là điểm nóng về Covid-19 như Đồng Nai, Bình Dương… sẽ đón học sinh quay trở lại học tập trực tiếp.
Để đưa giáo dục trở lại trạng thái bình bình thường mới, những ngày này các trường học ở nhiều vùng dịch bệnh dần được kiểm soát đã và đang tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện bảo đảm an toàn để học sinh trở lại trường. Cùng với việc linh hoạt thực hiện nhiều kế hoạch, xây dựng nhiều kịch bản phòng, chống dịch Covid-19, ngành Giáo dục các địa phương nơi dịch bệnh đang dần được kiểm soát đặc biệt quan tâm đến công tác dạy học tranh thủ “thời gian vàng”.
Không chỉ hệ thống lại kiến thức cho học sinh trong thời gian học trực tuyến, có kế hoạch giáo dục riêng với học sinh học bằng hình thức giao bài, những phần khó dạy online cũng sớm được giáo viên đưa vào kế hoạch dạy học. Đáng chú ý, với bậc tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, các trường có những điều chỉnh linh hoạt trong xây dựng thời khóa biểu học kỳ I để giúp các em nắm bắt kiến thức căn bản.
Chuyển động của nhiều địa phương là những tín hiệu tích cực, để giáo dục cùng các lĩnh vực khác nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy vậy, bên cạnh địa phương, cơ sở giáo dục đang tích cực đánh giá, rà soát, chuẩn bị các nhóm việc đón thời gian vàng, thực tế cho thấy vẫn còn không ít nơi, dù dịch bệnh ở cấp độ thấp, còn đang chần chừ, cân nhắc. Lí do chính khiến các nơi này ngại ngùng mở cửa trường là do học sinh chưa tiêm vắc xin, do lo ngại khi có một số địa phương khác cho học sinh đến trường đã có em mắc Covid-19...
Dĩ nhiên, tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất ở địa phương trong triển khai giải pháp cho giai đoạn bình thường mới là rất cần thiết. Các trường học dù mở cửa cũng phải đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh với phương châm không được chủ quan, lơ là.
Vì thế các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc cho học sinh trở lại trường an toàn, tránh tự đặt ra những quy định mà Chính phủ và Bộ GD&ĐT không bắt buộc. Khẩn trương tranh thủ thời gian vàng cho việc tổ chức dạy học trực tiếp ở nơi dịch bệnh được kiểm soát không chỉ phù hợp với tư duy mới về chống dịch, đảm bảo chất lượng dạy học, kế hoạch năm học mà còn vì quyền được đến trường học tập của học sinh.