Khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện chưa có vắc xin phòng chống dịch. Trước những nguy cơ của dịch bệnh, Chính phủ đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình sát trùng vào các trang trại chăn nuôi lợn
Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình sát trùng vào các trang trại chăn nuôi lợn

Quy trình sát trùng chưa chặt

Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tính đến 28/2, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 6 tỉnh, thành trên cả nước, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là trên 2.400 con. Hai địa phương mới nhất có bệnh DTLCP là Hà Nam và Hà Nội. Đánh giá về những khó khăn trong công tác phòng chống DTLCP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu một thực tiễn thông qua nghiên cứu của các chuyên gia thú y Ba Lan. Nghiên cứu cho thấy, có đến 74% trường hợp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này là do chưa kiểm soát chặt chẽ, nhất là quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn... Đây cũng là thực trạng đáng lo ngại tại Việt Nam.

Cùng với nguy cơ trên, lượng khách du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, trong đó khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh DTLCP vào. Ngoài ra, do bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nên nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát...

Về cơ chế phòng chống dịch, hiện mức giá hỗ trợ đối với lợn buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh là 38.000 đồng/kg lợn hơi, nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg, trong khi thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng, thủ tục nhiều vướng mắc. Theo quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi, dẫn đến để làm thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao hoặc mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi phải thực hiện trong thời gian dài.

Các chuồng trại phát hiện có mầm bệnh đều phải xử lý nhanh chóng và triệt để nhằm tránh lây lan
  • Các chuồng trại phát hiện có mầm bệnh đều phải xử lý nhanh chóng và triệt để nhằm tránh lây lan

Sẵn sàng ứng phó với bùng phát

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tỏ ra lo ngại khi một ngành hàng lớn của nông nghiệp là chăn nuôi lợn có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu không quyết liệt khống chế thì nhiều năm sau có thể mới hồi phục được. Ông nhận định, hiện là giai đoạn dịch có nguy cơ tiếp tục bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, việc ứng phó với dịch cũng phải sẵn sàng theo tinh thần ứng phó với bùng phát trên diện rộng. Các lực lượng như công an, quân đội phải chuẩn bị tình thế, phương án ứng phó như thiên tai nếu dịch diễn biến phức tạp thời gian tới. Các đơn vị, địa phương, bộ, ngành liên quan phải tiếp tục siết chặt nguy cơ xâm nhiễm DTLCP từ biên giới. Bởi hầu hết khu vực các tỉnh biên giới là chăn nuôi nhỏ lẻ, “xôi đỗ”, khi đã xâm nhiễm thì rất khó khống chế. Về hỗ trợ tiêu hủy, các tỉnh chủ động có phương án bố trí kinh phí, gỡ vướng trong cơ chế hỗ trợ tiêu hủy, với quan điểm lợn bị bệnh tiêu hủy phải được hỗ trợ tới tay người dân bị thiệt hại một cách nhanh nhất, hợp lí nhất, không để tình trạng lợn tiêu hủy mấy tháng sau mới có tiền hỗ trợ. Có như vậy, người dân mới yên tâm, chủ động khai báo khi có dịch, tránh bán chạy lợn bệnh...

Hiện trên thế giới chưa có nghiên cứu hay vắc xin phòng chống căn bệnh này. Các nhà khoa học cũng nhận định, vì là bệnh mới và mới xảy ra nên chưa có bất kỳ thông tin khoa học đầy đủ, chính xác về virus gây bệnh cũng như bệnh này tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thuận lợi là các nhà nghiên cứu đã có nguồn mẫu bệnh phẩm trong tay và theo đó có thể tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu như: Nghiên cứu dịch tễ học phân tử các chủng virus DTLCP đã và đang lưu hành, gây bệnh trên đàn lợn tại Việt Nam; Nghiên cứu phân lập chủng virus gây bệnh ngoài thực địa để phục vụ sản xuất vắc xin, thử nghiệm vắc xin, tạo kít chẩn đoán nhanh… Sản phẩm vắc xin và kít chẩn đoán tạo ra sẽ là những công cụ hữu hiệu giúp cho công tác phòng và chống DTLCP có hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan hôm 28/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, công tác chống dịch cần phải theo tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ chính quyền mà còn cả các tổ chức chính trị xã hội. Trước hết là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch. Chỉ khi người dân cùng vào cuộc, mới có thể giải quyết được vấn đề... Ngoài các vấn đề như ngành NN&PTNT đã đề xuất, Phó Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ NN&PTNT chủ động nghiên cứu phương án xây dựng phòng thí nghiệm thú y đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác phòng chống dịch...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.