Khám phá ngôi đền u tịch thờ thần rắn ở vùng quê yên bình

Ngôi đền thờ Thần rắn ở một vùng quê yên bình với phong cảnh trầm mặc, u tịch, song ẩn sâu trong nó là vẻ đẹp kích thích trí tò mò, ưa khám phá. Chúng tôi đã tìm về để khám phá vùng đất này...

Cổng đền rêu phong cũ kỹ theo thời gian.
Cổng đền rêu phong cũ kỹ theo thời gian.

Một vùng quê thanh bình

Trên mảnh đất xứ Nghệ, có rất nhiều nơi thờ cúng các vị thánh thần,đây là tập tục tồn tại từ rất lâu trong đời sống tâm linh của người dân. 

Thế nhưng, có một ngôi đền khá lạ được biết đến là nơi thờ “Thần rắn”. Đó là đền Canh, nằm tại xóm Tây Canh, xã Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Vượt quãng đường hơn 80km từ thành phố Vinh, chúng tôi đi trên con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo như con rắn từ đầu xã dẫn thẳng vào đền. 

Ngôi đền đã cũ theo thời gian, gốc đa trăm tuổi ôm chặt lấy cổng tam quan càng khiến ngôi đền thêm u tịch. Trong hành trình khám phá vùng quê này, chúng tôi rút ra được nhiều điều rất thú vị, bổ ích. Ngoài phong cảnh đẹp lạ lùng, được ẩn sâu bên ngoài vẻ u tịch, trầm mặc, nó còn là bài học về lòng nhân ái.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Huy Quang - Trưởng ban quản lý di tích đền Canh cho biết, cũng không rõ ngôi đền xây dựng chính thức vào năm nào, bởi lịch sử hình thành đền Canh chưa có tài liệu nào chứng thực cả. Tuy nhiên, xung quanh đó vẫn tồn tại những truyền thuyết do người dân truyền miệng lại.

Truyền thuyết được người dân truyền miệng

Khám phá ngôi đền u tịch thờ

Nhiều kiến trúc đền Canh còn giữ được nét cổ kính.

Theo truyền thuyết được mọi người lưu truyền, từ xa xưa ở đây có một cặp vợ chồng là Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên làm nghề nông, sống thanh bình và đức hạnh, được mọi người quý mến.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà vợ chồng đã già cả nhưng vẫn chưa có con nối dõi. Nghĩ mình thành tâm kính phật thì trời đất sẽ cảm thương cho mụn con đỡ đần lúc về ốm yếu, nên hai vợ chồng ra sức làm việc thiện và đi cầu tự khắp nơi.

Cho đến một ngày, người vợ ra khe suối thì bỗng có cảm giác có kỳ lạ, sau đó trở về thì bà thụ thai. Hai vợ chồng chưa kịp vui mừng thì bà sinh hạ một cái bọc.

Tưởng quái thai, hai vợ chồng định bỏ đi, sau định thần lại, nghĩ do ý trời, và cũng là nhưng người ăn ở có đức, có tâm nên ông bà giữ lại chăm sóc. Trải qua một thời gian, hai quả trứng nở ra hai con rắn, ông bà đặt tên cho hai con rắn.

Một hôm, ông vác thuổng đi đắp bờ ruộng, hai con rắn bò quanh vướng chân ông, nên lúc xắn đất ông vô tình làm đứt đuôi một con rắn.

Khám phá ngôi đền u tịch thờ

Toàn cảnh cổng đền nhìn từ trong ra.

Sau khi ông trở về nhà, hai con rắn bò đi về hai hướng. Con rắn anh bò đi đến một vùng đất cao ráo, phong cảnh hữu tình (là vùng đền Canh ngày nay) thì dừng lại vì kiệt sức, sau đó chết tại đây.

Về phần con rắn em, sau khi bỏ đi, con rắn bò về hướng đồng bằng, đến khu vực rừng cây ven hồ Diệu Ốc thì kiệt sức và cũng mất tại đây. Khu vực này ngày nay là đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Khám phá ngôi đền u tịch thờ

Khu đền chính thờ thần Rắn.

Sau đó, người dân đã lập đền Canh thờ rắn anh, hàng năm cứ đến ngày 20/2 âm lịch là người làng lại tổ chức tế lễ trịnh trọng và thành tâm.

“Không chỉ riêng ngày lễ tết, ngày rằm cũng có nhiều người đến hương khói. Nhiều người biết đến truyền thuyết nên cũng thành tâm đến cầu khấn, ước nguyện đường công danh, học hành và được xem là rất linh thiêng” - Ông Quang cho biết.

Nét hấp dẫn riêng của vẻ đẹp u tịch, trầm mặc miền quê

Ông Quang cho biết thêm: “Câu chuyện đó chỉ là truyền thuyết thường là câu chuyện không có thực, người dân sáng tạo để răn dạy người đời về việc ăn ở có đức, có tâm. 

Vùng này trước đây rậm rạp, nên rắn rết nhiều, tỏ lòng tôn kính với rắn thì nhiều nơi cũng thờ tự, chứ không riêng ở đây. Vào những năm 90, có lần tháo dỡ cổng đền để tu bổ, vừa mới đập ra thì mọi người thấy một con rắn cạp nong vàng rất lớn chưa kịp hoảng hồn thì con rắn bò đi mất”.

Khám phá ngôi đền u tịch thờ

Khu vực miếu thờ được cây si hàng trăm tuổi che chở.

“Giờ đây, chúng tôi không thấy những con rắn to nữa, nhưng vẫn thỉnh thoảng thấy các con rắn nhỏ bò vào đền thờ." ông Quang kể.

Chỉ khu miếu nhỏ bên cạnh, ông Quang cho biết đây là nơi thờ ông bà Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên. Trên miếu là cây si đại thụ hàng trăm tuổi, cành lá xum xuê bao phủ như che chở cho ngôi miếu.

Chia tay chúng tôi, ông Quang cho biết, truyền thuyết về con rắn thần chỉ là chuyện tâm linh, có thật hay không thì đến bây giờ không còn quan trọng nữa. 

Đó chỉ nên làm bài học để con cháu quý trọng cuộc sống, luôn cố gắng làm điều thiện, tích đức để được thanh thản, yên bình. Đó mới là nền tảng giá trị của những truyền thuyết, hay câu chuyện dân gian. Nó cũng là một phần quan trọng tạo nền tảng giá trị đời sống lâu bền.

Được biết, có khá nhiều khách thập phương cũng như những người ưa du lịch khám phá, tìm đến đây để thưởng ngoạn phong cảnh trầm mặc, lắng đọng mà quyến rũ lòng người của miền quê này....

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ