Quán Linh Tiên thuộc làng Cao Thượng, xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong hai quán hiếm hoi còn sót lại cùng với Dương Lâm Quán ở làng Đa Sỹ (Hà Đông) được cho là nơi chuyên luyện linh đơn thần dược của các đạo sĩ xưa.
Nơi tiên đánh cờ
Quán Linh Tiên vẫn còn đó, vừa sừng sững vừa u tịch mung lung giữa làng quê Cao Thượng. Người thổ địa nơi đây vẫn gọi đó là quán, mặc dù nay người ta đã thay quán bằng chùa: Chùa Linh Tiên.
Theo người dân địa phương, Linh Tiên Quán đã có từ rất lâu đời (khoảng những năm 111 TCN) và gắn với nhân vật Lữ Gia - vị Tể tướng của nước Nam Việt.
Khi nhà Hán có ý định xâm lược Nam Việt thì triều đình có ý đầu hàng, Lữ Gia đã phản đối. Năm 111 TCN, nhà Hán đánh chiếm Nam Việt, Lữ Gia đã dẫn đầu vài trăm người chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về hướng Tây. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đăng Duy thì Lữ Gia đã dừng chân tại Đức Thượng để tu tiên và luyện đan.
Hiện nay, trong quán có treo một biển gỗ viết bằng chữ Hán và được giải thích là chép từ bia đá trước đây, trong đó có đoạn viết: “Nguyên Triệu thời, Lữ Nam đế hưng Gia, giá du hành chí thử hương, hiến tiên nhân biến kỳ, ư thự đế liên giá bái kệ tiên nhân, tiên nhân ngộ nhận thắng thiệu. Nhân sự. Lã Gia lập Linh Tiên Quán”.
Lời ấy, tạm dịch: Vào thời Triệu Nam đế có ông Lữ Gia, đi chơi đến làng này, thấy tiên đang đánh cờ liền quỳ xuống bái lạy, người tiên nhân thấy thế bay lên trời. Nhân chuyện này, Lữ Gia cho lập Linh Tiên Quán, quán về tiên linh thiêng.
Người địa phương kể rằng, theo truyền thuyết thì Quán Linh Tiên trước đây là một vùng đất rất cao nhờ phù sa bồi đắp, lại có núi Quách Trang Xá ăn vào chùa Thầy nên có nhiều đan sa. Lữ Gia thấy thế đã lưu lại nơi này để luyện đan.
Trải qua thời gian, đạo Phật du nhập vào nước ta rồi hình thành thế chân vạc giữa Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo mà gọi chung là Tam giáo. Trong đó, đạo Phật mạnh nhất và được nhiều người theo. Cho nên, Quán Linh Tiên không chỉ thờ Lão Tử và các vị thần tiên mà còn thờ Phật. Quán thành chùa là ở chỗ đó, chứ thực ra, quán và chùa là khác nhau.
Thời Lê sơ, vùng Hoài Đức trở thành một trung tâm của Đạo giáo, Linh Tiên Quán từng là nơi khắc ván in kinh sách, thu hút nhiều đạo sĩ và môn đệ.
Đến cuối thời Lê trung hưng, Đạo giáo suy yếu, nhiều quán không còn ai đến tu luyện nữa và dần dần chuyển thành chùa chiền khi ảnh hưởng của Phật giáo lại mạnh lên, nhất là dưới thời Nguyễn.
Di vật cổ nhất có ghi tên Linh Tiên Quán là tấm bia “Tu tạo bi ký” dựng vào thời Mạc. Đến thế kỷ 14, công chúa Thái Trưởng của Trần Minh Tông tới đây cầu tự, sau sinh được con trai, vua bèn cho tôn tạo, mở rộng quán.
Dân làng Cao Xá đã dựng tượng vua để thờ ở tiền đường. Đến năm Giáp Thìn (1544), nhiều quý tộc đã góp công đức trùng tu quán này, đáng kể có phò mã Mạc Ngọc Liễn và công chúa Mạc Kim Dung. Đặc biệt họ còn cho đổi hướng quán từ Tây Nam sang Đông Bắc, xây tam quan, mở rộng khuôn viên.
Hiện nay, du khách thường vào chùa bằng cổng bên, theo con ngõ nhỏ đi qua vườn tháp mộ rồi tới cửa ngách ăn thông với sân hậu. Từ sân có thể đi tiếp ra phía sau thượng điện và leo lên một gác chuông đẹp có treo quả đại hồng chung cao 1,40m được đúc vào thời Tây Sơn, triều Cảnh Thịnh (1797).
Bên dưới gác để trống 4 mặt, cạnh chân thang trên lưng rùa đá có đặt tấm bia “Tu tạo bi ký”.
Nếu nhìn từ cổng chính sẽ thấy một tam quan nội, kiểu hai tầng, trên gác treo khánh. Dưới bóng cổ thụ là lối đi giữa hàng cau dẫn tới sân trước. Tiền đường, thiêu hương, thượng điện kết nối theo hình chữ Công, tạo thành một không gian lớn chứa hàng trăm pho tượng.
Bỏ đi những dãy nhà gạch xây dựng muộn hơn để làm điện Mẫu, nhà Tăng, nhà khách, nhà kho, nhà bếp thì Linh Tiên Quán vốn là một kiến trúc chủ yếu bằng gỗ. Các trang trí phần lớn mang dấu ấn của nghệ thuật từ thời Lê trung hưng đến Nguyễn, ví dụ như đôi nghê đá xanh, hương án, bộ kiệu, đôi hạc gỗ và bức chạm cửa sổ...
Giếng Ngọc luyện đơn
Do quán đảo ngược hướng nên có cấu trúc lầu gác kiểu “tiền khánh, hậu chuông” không như kiểu thường thấy trong các chùa, quán khác. Quan niệm Lão giáo cho rằng, linh đơn có thể giúp con người cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử. Bởi vậy, ở Quán Linh Tiên còn tồn tại một giếng cổ, tục gọi là giếng đan sa dùng lấy nước luyện linh đơn.
Tại hậu cung, nằm ngay thượng điện, dưới ban thờ là chiếc giếng cổ kính. Nếu đúng như ghi chép, khi lập quán là đào giếng thì chí ít, giếng ấy cũng trên 2.000 năm có lẻ. Từ ngoài nhìn vào, miệng giếng bằng đá với những nét đục sắc gọn.
Nhưng đó không phải điểm nổi bật, vì đá ấy với vết chạm ấy chỉ là mới đây, chưa có lắm những rêu phong, những vết tích của cổ xưa. Trước đây, phần miệng giếng hoàn toàn bằng đất. Sau này, khi chuẩn bị tôn tạo thì các nhà khoa học đã thống nhất làm bằng đá để bảo tồn và giữ cho nguồn nước được sạch.
Mở nắp giếng, ngó nhìn xuống dưới mới thấy những kỳ ẩn sâu xa. Giếng nhỏ, đường kính chỉ khoảng hơn một mét nhưng sâu hoắm. Tính từ bề mặt miệng giếng xuống bề mặt của nước là không dưới 10m.
Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng, bởi theo người dân địa phương thì giếng này còn được gọi với hai cái tên khác: Một là giếng Ngọc, hai là giếng thông thiên. Giếng Ngọc là vì sao? Xin được nói phần dưới. Còn giếng thông thiên thì rõ hẳn là đây.
Người làng vẫn bảo rằng, ngày xưa các cụ trong làng muốn biết giếng thông ra đâu, với mạch nước nào nên đã đánh dấu quả bưởi rồi thả xuống. Sau vài ngày, các cụ tìm thấy quả bưởi ở sông Hồng. Điều này được chứng minh một lần nữa vào thời mới đây khi một số nhà khoa học làm điều tương tự và kết quả cũng cho thấy, giếng thông với sông Hồng.
Giếng thông thiên cũng được hiểu như một động không đáy. Xung quanh thành giếng là các loại đá cùng gạch nung lâu đời, xếp với nhau ăn khít tạo thành vòng tròn hài hòa. Nhưng dường như, vì thời gian ngâm ủ dưới nước quá lâu, nên đá lẫn gạch kia đã bở ra chuyển màu xám đen.
Như đã nói ở trên, Quán Linh Tiên vốn là nơi để Lữ Gia luyện đơn. Thuật này được các đạo sĩ phô bày ở những chốn thâm u. Quán Linh Tiên lại có mạch nước trong, mát và đủ khoáng chất cho một cuộc luyện đơn bốn chín ngày giống như cách mà Thái Thượng Lão Quân vẫn làm. Thế nên, nước giếng ở hậu cung quán này còn gọi là huyệt đan sa ứng với thủy ngọc, gọi là giếng Ngọc. Vì tương truyền Quán Linh Tiên là lò luyện tiên đan nên giếng này cũng được giữ gìn cẩn thận.
Trên thượng điện còn lưu đôi câu đối cổ: “Địa khai đan huyệt thiên thu ngọc tỉnh bá phương danh/Thiên thông trác khí cổ lai tiên quán truyền cựu tích”. Nghĩa là: Đất mở huyệt luyện đan, ngàn năm thành giếng ngọc rộng mở tiếng thơm/Trời thông bầu khí đẹp, tự cổ thành quán tiên truyền lưu tích cũ.
Ngày nay, nước giếng ấy vẫn được dùng. Thậm chí, có người cho rằng, nước giếng Ngọc có thể chữa bệnh, xin con trai được hoàng tử, xin con gái được công chúa. Nhưng xem ra, người nay chỉ nên coi đó như một câu giai thoại để giải thích cho sự linh thiêng của chùa, hoặc thần thánh hóa công dụng của nước giếng.
Không giống với giếng thông thường, giếng đan sa này còn có một cái hang rộng đủ chứa 5 người lớn. Phía lưng chừng giếng là cửa vào hang. Cửa này hình hàm ếch, nhỏ nhưng đủ để người chui qua.
Có thông tin cho rằng, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, quân du kích đã dùng giếng làm nơi ẩn nấp. Khi địch phát hiện có người trong quán, mới hô hào lùng sục, rất may là chúng soi đèn xuống giếng không phát hiện ra cái hang.
Độc đáo các vị thần Linh Tiên Quán
Ngoài văn bia, phần lớn các hoành phi, câu đối cũng liên quan đến Đạo giáo, tuy trong chùa có cả tượng Khổng Tử của Nho giáo và vài tượng Phật giáo (Cửu Long, Hộ pháp, Quan Âm, Thất Bảo Như Lai).
Sừng sững giữa nhà thiêu hương là tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa Nam Tào và Bắc Đẩu; phía sau là các tượng Hậu và tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, phía trước là một tượng nhỏ của Lão Tử. Ngoài ra còn có các tượng Đế Thiên, Đế Thích, Kim Đồng, Ngọc Nữ và Thập Điện Diêm Vương.
Trong thượng điện là bộ tượng Tam Thanh đại diện cho mọi chư tiên Đạo giáo ở ba cung trời. Cả ba được làm bằng đất, cao 2,3m, hình dáng đạo sĩ ngồi trên bệ, búi tóc hình trụ cài trâm, chít khăn vàng, khoác áo vàng, mặc quần thụng, thắt đai lưng.
Góc trước bên phải thờ Trấn Võ, bên trái thờ Văn Xương đế quân, vị thần trông coi văn học. Ở đầu chái bên phải có cung Trần thờ Hưng Đạo Vương, bên trái thờ hậu Mạc Ngọc Liễn và vợ. Ngoài tượng Lữ Gia, Lý Quốc Sư, còn có khá nhiều tượng nhỏ bày trước tượng Tam Thanh và ban thờ Lục địa thần tiên.
Trong chùa có một cái trống da nổi tiếng được dân gian lưu truyền là “chuông chùa Hống, trống Linh Tiên”. Tất cả các di vật này đều được tạo tác tỉ mỉ, sinh động qua các hình ảnh hoa lá mây nước và đặc biệt là kiểu trạm rồng trên bộ Kiệu được làm từ thế kỷ thứ 17, 18. Đây là những di vật đẹp hiếm thấy trong kiến trúc truyền thống.
Tuy nhiên, khoảng năm 2018 một sự việc đau lòng đã xảy ra tại Linh Tiên Quán liên quan đến hành vi đánh tráo cổ vật. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đã có người bị xử lý, kẻ chủ mưu chịu án 4 năm tù.
Hàng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng, phật tử địa phương lại tụ họp tại đây làm lễ. Hội làng Cao Xá Thượng được tổ chức ngày 13 tháng Hai, nhân dân mở cửa Linh Tiên Quán để rước kiệu Mẫu sang đình và hôm sau thì rước trở về.
Chùa Linh Tiên Quán đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo Quyết định số 34VH/QĐ ngày 9/1/1990.
“Quán Linh Tiên được tu tạo từ đời nhà Mạc (1584) tiêu biểu cho một quán Đạo giáo. Trên thượng điện là tượng Tam Thanh, phía dưới là các tượng Cửu Thiên, Huyền Mẫu và Trấn Vũ Thánh.
Giếng sâu trong hậu cung mà tục truyền là huyệt đan sa, vốn là lò luyện đan của các đạo sĩ. Giếng có giá trị cả về mặt sử học lẫn tâm linh.
Linh Tiên là một di tích quý trong việc tìm hiểu lịch sử, tư tưởng tôn giáo truyền thống ở nước ta. Di tích cũng là phòng trưng bày lớn về nghệ thuật điêu khắc, nhất là nghệ thuật tạo tượng tròn của 2 tôn giáo lớn là đạo Phật và đạo Lão" - Nhà nghiên cứu Minh Nhương.