Khám phá đam mê qua “Những cú nhảy nghề nghiệp”

GD&TĐ - Rất nhiều người thành công nói rằng bí quyết của họ là không từ bỏ đam mê. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi tìm thấy ngọn nến đam mê để thắp nó lên thành ngọn lửa.

Cuốn sách “Những cú nhảy nghề nghiệp”.
Cuốn sách “Những cú nhảy nghề nghiệp”.

Phần lớn trong chúng ta đều cảm thấy công việc của mình tẻ nhạt đến phát chán lên, cũng bởi, hoặc không dám đi đến cùng cho đam mê, hoặc không hề cảm nhận được hạnh phúc và khổ đau vì đam mê.

Đó là thông điệp mà cuốn sách “Những cú nhảy nghề nghiệp”- một trong những bộ sách xuất bản mở đầu cho năm 2019 của NXB Phụ nữ.

Đam mê có thể giết bạn như thế nào?

“Những cú nhảy nghề nghiệp” là một series sách mà tác giả Lê Minh (tên thật là Trương Lê Na) dùng cách viết ký sự chân dung để đi cắt nghĩa về “đam mê”, nhận diện đam mê và những ngả đường lắt léo trong cuộc đời mỗi con người để nghiên cứu và lý giải hiện tượng chuyển đổi nghề nghiệp.

Tập 1 của cuốn sách "Những cú nhảy nghề nghiệp"
Tập 1 của cuốn sách "Những cú nhảy nghề nghiệp" 

Hai tập đầu của series (Đam mê có thể giết bạn như thế nào?, Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình) khắc họa chân dung 17 nhân vật có những thành công nhất định trong lĩnh vực mà họ đam mê.

Xuyên suốt hai tập sách là câu chuyện của chính tác giả, một người trải qua rất nhiều công việc rồi mới tìm được câu trả lời “tôi là ai, sứ mệnh của tôi trong cuộc đời này là gì?”.

Thông qua ký sự chân dung, những công việc không thuộc về số đông như chuyên gia chuyển nhượng toàn cầu, nếm cà phê, tạo hương liệu (Flavoris)... mang lại những cảm xúc lạ lẫm, ngạc nhiên, tươi mới, thúc đẩy khát khao đi tìm “con đường riêng” trong mỗi người.

“Đam mê có thể giết bạn như thế nào?” (tập 1) bắt đầu bằng câu chuyện của chính người viết: Cuộc đời cô sang trang bởi hội chứng “rối loạn lưỡng cực”. Biến cố diễn ra khi tác giả Lê Minh đang ở giai đoạn hoàn thành luận văn Thạc sĩ ngành Di truyền học (Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh), buộc cô thực hiện một cú nhảy ngoạn mục nhất trong đời: Từ bỏ ngành công nghệ sinh họa chuyển sang làm việc trong lĩnh vực báo chí.

Trong quá trình làm báo, tác giả gặp rất nhiều nhân vật ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và hầu hết họ đều làm những việc không liên quan đến ngành học thời đại học.

Nguyên nhân nào dẫn tới những cú nhảy nghề nghiệp? Yếu tố cần và đủ để thực hiện một sự chuyển đổi nghề nghiệp thành công? Có cơ hội tỏa sáng nào dành cho những người nhảy sang một lĩnh vực mới?

Người viết đã ẩn giấu câu trả lời cho những câu hỏi trên bằng cách ghi lại câu chuyện kể của những nhân vật mà cô gặp. Câu chuyện của các nhân vật, cùng với câu chuyện của người viết ở tập 1 nhằm trả lời câu hỏi “Làm thế nào để một người nhận diện niềm đam mê của mình, hiểu đúng về bản chất của đam mê để có dũng khí theo đuổi nó?”.

Làm thế nào để biết mình đi đúng đường

Tập 2 với nhan đề “Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình”- dẫn dắt vào câu chuyện định vị nghề nghiệp của mỗi người, lý giải khoa học về hiện tượng chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình định vị nghề nghiệp.

“Làm thế nào để biết mình đi đúng đường nếu ta chưa từng một lần đi lạc?".

Tập 2 của cuốn sách "Những bước nhày nghề nghiệp"
Tập 2 của cuốn sách "Những bước nhày nghề nghiệp" 

Thời điểm mới chuyển sang nghề báo, định nghĩa về viết lách của chị vô cùng đơn giản, chị không sợ thất bại là bởi vì chị không hiểu biết nhiều về lĩnh vực nghề nghiệp mình đang theo đuổi.

Điều nực cười là cho đến lúc nhận ra không phải lối đi nào giữa vô vàn những ngã rẽ của nghề viết cũng phù hợp với mình, đến lúc nhận ra mình đã trót yêu việc tạo ra những con chữ bằng con đường báo chí thì cũng là lúc chị đang ở đoạn đầu của một chặng đường mới.

Suốt 8 năm theo đuổi con đường báo chí, không ai dạy cho chị khi nào nên dừng lại, khi nào khi nên rẽ trái, khi nào thì phải kiên nhẫn chịu đựng mà âm thầm bước đi, tất cả những gì chị học được đều nhờ những thử thách trên đường, những quyển sách đã đọc và một tiếng gọi từ bên trong.

Cảm xúc, ước mơ, khả năng đối mặt với thất bại..., những cung bậc thăng trầm của cuộc sống được thể hiện qua các nhân vật đặc biệt ở tập 2. Hầu như những người làm được điều lớn lao đều gặp các trở ngại trên bước đường tìm tới “giấc mơ đời mình”.

Tác giả Lê Minh, tên thật là Trương Lê Na - Thạc sĩ Di truyền học, Người sáng lập Book & Friend. Tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ sinh học, ThS Di truyền học, sau 12 năm học tập và làm việc trong lĩnh vực Sinh học và Công nghệ sinh học, ThS Trương Lê Na rẽ ngang sang lĩnh vực Báo chí từ năm 2011. Từ năm 2015, cô tái khởi động Book & Friend – tổ chức có tiền thân là một câu lạc bộ chuyên tổ chức các sự kiện về sách và văn hóa đọc ở Sài Gòn – với sứ mệnh “Phát triển mô hình hình thành thói quen đọc trong trường học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.