Đẹp sẽ thu hút du khách
Theo thống kê, 5% lượng du khách trên thế giới được gợi cảm hứng từ các bộ phim. Chẳng hạn, những địa danh của New Zealand trên phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” đều trở thành địa điểm du lịch hút khách.
Ngành du lịch New Zealand thống kê lượng du khách đến đây tăng thêm mỗi năm. Riêng địa danh làng Hobbiton của Matamata trong “Chúa tể những chiếc nhẫn” đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Từ khi ngành du lịch New Zealand kiếm bộn tiền nhờ việc quảng bá hình ảnh trong phim doanh thu tỷ USD nói trên, các nhà tiếp thị đã ráo riết khai thác cái gọi là “ngành du lịch điện ảnh” - quảng bá du lịch dựa trên những địa điểm nổi tiếng trong phim.
Trên thực tế, 3 triệu trong số 30 triệu khách nước ngoài đến Anh vì những cảnh quay trong các bộ phim đình đám như “Harry Porter” (doanh thu 8,5 tỷ USD), “Sherlock Holmes” (doanh thu hơn 1 tỷ USD) hay “Pride & Prejudice” (doanh thu 120 triệu USD… Địa điểm được ưa chuộng nhất là lâu đài Alnwick, nơi được chọn để dựng cảnh trường phù thủy Hogwart trong bộ phim “Harry Porter” hay công viên Basildon, nơi nhiều phần của bộ phim “Pride & Prejudice” được quay.
Khi đạo diễn Ridley Scott thực hiện bộ phim bom tấn “Võ sĩ giác đấu” (Gladiator) với các cảnh quay tại Đấu trường La Mã (Ý) và lập kỷ lục doanh thu phòng vé với 457 triệu USD, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách khắp thế giới.
Tuy nổi tiếng đã lâu nhưng Angkor chỉ thật sự biến Campuchia thành điểm nóng của ngành du lịch thế giới sau khi chính phủ nước này cho phép đoàn làm phim “Kẻ cướp lăng mộ” (Lara Croft: Tomb Raider) do siêu sao Hollywood Angelina Jolie thủ vai chính, quay ngoại cảnh tại đền Ta Prohm.
Phim thành công vang dội với doanh thu 274 triệu USD và ngày sau đó, làn sóng du khách thế giới đến Campuchia tăng lên nhanh chóng.
Đảo Jeju đã trở thành danh thắng sau khi xuất hiện trong hầu hết các bộ phim Hàn Quốc ăn khách như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”...
Những bộ phim truyền hình xứ kim chi ăn khách không chỉ mang về doanh thu cực lớn cho nền điện ảnh nước nhà mà còn mang đến doanh thu về du lịch. Các du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và cả người dân trong nước thi nhau đến tham quan.
Trên thực tế, du khách đến không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp đã nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ mà còn muốn nhớ lại những câu chuyện tình xúc động trên phim đã diễn ra tại đây. Chính vì vậy mà sự thành công của phim ảnh tác động không nhỏ đến du lịch.
Phim hài “Lạc lối ở Thái Lan” (Lost In Thailand) có hơn 30 triệu lượt người xem, đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ nhân dân tệ ở Trung Quốc. Sau đó, du khách Trung Quốc đổ về Thái Lan. Hiệu ứng đi kèm là trong năm phát hành bộ phim, ngành du lịch Thái Lan tăng trưởng 10%.
Ở nước ta, nhờ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (doanh thu 78 tỷ đồng), Phú Yên được biết đến nhiều hơn. Trước khi có phim này, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12 - 13%, nhưng từ sau khi bộ phim được công chiếu, du lịch địa phương này đạt trên 20%, có năm tăng đột biến 30%.
Du lịch Việt cũng đã nắm bắt bài học làm du lịch qua phim ảnh, tiêu biểu là làng thổ dân của “Kong - Đảo đầu lâu” (Kong: Skull Island) đã được phục dựng nguyên mẫu tại Ninh Bình phục vụ du khách khi bộ phim do Hollywood sản xuất đạt doanh thu khủng 563 triệu USD.
Bối cảnh phim hút khách du lịch
Đồi Thiên An là nơi quay cảnh Ngạn và Hà Lan đạp xe dưới rừng thông xanh mát và đầy ắp những bụi hoa sim tím đẹp như mộng. |
Bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ, đạo diễn của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, có rất nhiều cảnh quay tại Huế. Trong 7 tuần quay các cảnh phim thì quay tại Huế chiếm 5 tuần, quay tại Quảng Nam 2 tuần. Trở thành hiện tượng phòng vé trong mùa Giáng sinh năm 2019, những địa điểm của phim “Mắt biếc” ở Huế trong thời gian qua đã được nhiều du khách tìm đến để tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Cũng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” đặc biệt thu hút khách vì đây là những bộ phim dựa theo cốt truyện tình cảm tâm lý nhẹ nhàng của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh.
Đặc biệt, đối với “Mắt biếc”, tình cảm của Ngạn tựa như một người con trai Huế, yêu nhưng không dám bộc lộ. Đôi mắt biếc, mái tóc dài, tà áo dài trắng của Hà Lan cũng như hình ảnh của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa của Huế.
Có thể khẳng định sự tăng trưởng du lịch tỷ lệ thuận với việc tăng cường quảng bá hình ảnh Huế qua phim. Ngày 27/11/2019, Thừa Thiên - Huế được Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 năm 2021.
Liên hoan phim Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm ghi nhận những tác phẩm nổi trội, có dấu ấn sáng tạo của điện ảnh Việt. Do đó, đây là cơ hội để các đoàn làm phim được khám phá, khảo sát, trải nghiệm thực tế các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế. Qua đó, xây dựng những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới để hình thành những bộ phim hay trong tương lai.