“Khám bệnh ông trời” nơi đầu nguồn cơn lũ

GD&TĐ - Trạm Thủy văn Mường Lay được xếp hạng đặc biệt quan trọng của cả nước với nhiệm vụ cung cấp thông tin, số liệu cảnh báo về lũ lụt cho khu vực Tây Bắc.

Trạm Thủy văn Mường Lay là một trong 12 trạm Thủy văn cấp 1 của cả nước.
Trạm Thủy văn Mường Lay là một trong 12 trạm Thủy văn cấp 1 của cả nước.

Suốt bao năm qua, những cán bộ ở đây đã dầm mưa, dãi nắng, bất chấp hiểm nguy, miệt mài “khám bệnh” cho dòng Đà Giang để có những bản tin dự báo chính xác nhất…

Chọn nghề “ngược đời”…

Công tác dự báo đối với ngành Khí tượng thủy văn ngày càng trở nên quan trọng khi khí hậu liên tục biến đổi cùng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Để gắn bó với nghề thầm lặng này thì điều quan trọng cần phải có chính là niềm đam mê. Câu chuyện về chàng trai trẻ Đoàn Duy Quân (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) khiến chúng tôi hiểu rõ hơn về điều đó.

Ngay từ nhỏ, khi xem trên ti vi, thấy lũ lụt, thiên tai xảy ra nhiều, anh Quân đã mong muốn được góp sức. Anh muốn làm cái gì đó để cảnh báo, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, lũ lụt.

Đó cũng là lý do khiến anh quyết định chọn học ngành Thủy văn, khoa Khí tượng Thủy văn của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Năm 2009, anh quyết định lên Tây Bắc và hành trình theo đuổi đam mê của mình đã có kết quả khi được nhận làm việc và cử tới Trạm Thủy văn Mường Lay công tác.

“Những ngày đầu xa quê lên bám trụ với nghề, giao thông đi lại khó khăn, cũng không ít lần nhụt trí khi nhớ nhà, nhớ quê. Lắm lúc cũng thấy tủi thân, đặc biệt những ngày lễ, Tết.

Người làm ngành nghề khác được đi chơi, gặp gỡ bạn bè, còn mình thì ngồi ghi chép số liệu, nghĩ mà buồn! Nhưng suy đi, tính lại, đã chọn công việc này thì khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành nên anh em cán bộ trạm ai cũng dốc hết sức mình”,  anh Quân chia sẻ.

Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, năm 2012 Đoàn Duy Quân (lúc bấy giờ 31 tuổi) đã được làm phụ trách trạm. Đến năm 2016, anh chính thức được làm Trưởng trạm. 12 năm gắn bó với nghề, anh cảm thấy yêu mảnh đất Mường Lay này từ lúc nào không biết…

Cô gái trẻ Hoàng Bảo Ngọc (quê Sơn La) có chút may mắn hơn khi sinh ra và lớn lên trong gia đình có cả bố và mẹ làm ở ngành khí tượng. Ngay từ bé Ngọc đã biết và sớm yêu thích cái ngành đã nuôi em khôn lớn này.

Rời ghế phổ thông, Ngọc đã chọn cho mình ngành “đo mưa, đếm nước” để theo đuổi. Lên công tác tại Trạm Thủy văn Mường Lay từ năm 2018, dù mới chỉ 3 năm gắn bó với nghề song Ngọc đã thấm những nỗi vất vả, nhọc nhằn của nghề khí tượng thủy văn.

Các cán bộ, quan trắc viên của Trạm Thủy văn Mường Lay thả “cá sắt” (máy đo lưu lượng nước) xuống sông để thực hiện quan trắc.
Các cán bộ, quan trắc viên của Trạm Thủy văn Mường Lay thả “cá sắt” (máy đo lưu lượng nước) xuống sông để thực hiện quan trắc.

Hoàng Bảo Ngọc cho biết: Cái nghề mình chọn cũng rất “ngược đời”, những khi người ta cần phải trốn “ông trời” nhất thì lại là lúc cô cùng đồng nghiệp lao ra làm. Nhiều lúc, trời sấm chớp đì đùng, mưa lũ cuồn cuộn, tất cả đều phải có mặt ở lều khí tượng một mình để kiểm tra.

“Mọi người ở đây cứ như một cái đồng hồ báo thức. Dù thời tiết thế nào, dù sức khỏe ra sao, cứ đến “cữ giờ” ấy là lại tự động lấy sổ sách và dụng cụ để đi quan trắc, ghi chép số liệu. Quen đến mức nó như ăn vào máu, chẳng cần nhìn lại đồng hồ nữa thì cũng vẫn khin khít thời gian”, Hoàng Bảo Ngọc tâm sự.

Những người con khí tượng thủy văn cũng như những bác sĩ, dù không kê đơn, bốc thuốc nhưng cũng đo, “khám” để “bắt bệnh” buồn vui của… “ông trời”. Không ồn ào, hối hả như bao nghề khác, nghề này đòi hỏi ở họ đức hy sinh, sự tận tụy để vượt qua áp lực, hiểm nguy.

Đu cáp treo “bắt bệnh” dòng sông

Trạm Thủy văn Mường Lay nằm ngay chỗ hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.
Trạm Thủy văn Mường Lay nằm ngay chỗ hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.

Trạm Thủy văn Mường Lay, thị xã Mường Lay có 4 cán bộ, quan trắc viên. Mỗi người từ một vùng quê, một câu chuyện riêng khi lựa chọn lên đây công tác. Nhưng điểm chung ở họ là tình yêu nghề, sự tỉ mẩn, cần mẫn với công việc “đo mưa, đếm nước” mà mình đã chọn. Họ chính là những mảnh ghép của ngôi nhà chung “Trạm Thủy văn Mường Lay” với hơn 65 năm xây dựng và phát triển.

Thị xã Mường Lay nằm ngay ngã ba hợp lưu của dòng sông Đà, sông Nậm Na kết hợp với suối Nậm Lay. Mọi người thường hay gọi đây là nơi trú ngụ của “Thủy Tinh”. Bởi chính nơi hợp lưu của 3 con nước đã tạo nên một thị xã Lai Châu trứ danh trong lịch sử.

Rồi cũng chính dòng nước ấy đã 2 lần xóa sổ thị xã, nhất là trận lũ ống kinh hoàng năm 1990. Những cuộn sóng đỏ ngầu dâng cao rồi đổ quật tạo thành những cuồng xoáy sâu thẳm như muốn nuốt chửng bất kể thứ gì mà nó đi qua.

Ngụ tại nơi hợp lưu đó là Trạm Thủy văn Mường Lay. Công việc thường ngày của cán bộ ở đây là quan trắc, thu thập số liệu, đo mực nước, lưu lượng nước, nhiệt độ nước, lượng mưa… Việc chỉ có thế, nhưng có ở vị trí của những quan trắc viên nơi đây mới hiểu được cái khó khăn được coi là nguy hiểm bậc nhất trong hệ thống các trạm khí tượng, thủy văn ở Việt Nam.

Anh Quân kể: Trước đây, Trạm Thủy văn chỉ là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ, chật chội. Thế nhưng, đây lại là một trong những trạm được xếp hạng đặc biệt quan trọng (1 trong 12 trạm cấp 1) của cả nước với nhiệm vụ cung cấp thông tin, số liệu cảnh báo về lũ lụt cho khu vực Tây Bắc. Mỗi khi thực hiện việc quan trắc thủy văn, cán bộ trạm phải đu cáp treo ra giữa dòng sông rồi thả “cá sắt” (máy đo lưu lượng nước) mới có thể đo được lưu lượng nước…

Mùa mưa, nước lũ đầu nguồn lên nhanh và chảy xiết, dòng Đà Giang cuồn cuộn sóng dữ. Nhưng hằng ngày, các anh vẫn tỉ mỉ “bắt mạch” dòng nước. Sau đó cập nhật số liệu gửi về trung tâm để bộ phận chức năng cho ra những bản tin dự báo chính xác nhất về tình hình mưa lũ.

Anh Quân cho biết: “Mỗi lần trực đều phải thức thâu đêm. Vất vả nhất là mùa lũ phải đo mực nước mỗi giờ một lần. Vì thế, công việc cứ liên miên quanh năm suốt tháng. Làm nghề này chả mấy khi giấc ngủ được trọn vẹn, nhất là vào mùa lũ. Cách 1 tiếng đồng hồ là anh em phải xuống sông để đo mực nước.

Vào mùa bão lũ, nước lên nhanh, cứ 15 - 20 phút chúng tôi lại mặc áo mưa xuống sông làm nhiệm vụ một lần. Từ trạm đi bộ xuống nơi quan trắc phải mất gần 20 phút. Vì thế, nhiều hôm mực nước lên nhanh, chúng tôi phải đành thức trắng đêm, ngồi dưới bờ sông để đo cho kịp”.

Bây giờ, Trạm Thủy văn Mường Lay đã được xây dựng khang trang hơn trước. Trạm cũng được trang bị máy ADCP (máy đo lưu lượng tự động theo nguyên lý siêu âm) và ca nô hiện đại để di chuyển nên mỗi lần đo chỉ cần chạy ngang qua sông. Song không vì thế mà công việc của các quan trắc viên nơi đây không còn khó khăn, vất vả. Nói vậy, bởi sông Đà vẫn luôn cuồn cuộn chảy, vẫn chưa khi nào bớt đi sự hung dữ vốn có…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Tháng 5 nhớ Bác...

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá (Quảng Trị) trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người...
Minh họa/INT

Cảm ơn thầy đã 'thắp lửa'!

GD&TĐ - Lá thư này, em gói ghém tình cảm, kỉ niệm, niềm vui thầy trò trong năm học lớp 12 tuyệt vời, dành tặng thầy.
Ăn uống ngoài vỉa hè rất phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Ghi ở vỉa hè Hà Nội

GD&TĐ - Tối nay, tại quán phở yêu thích ở phố Quang Trung, lần đầu tiên tôi được đến gần những thực khách đến mức gần như có thể cảm nhận được hơi thở của họ.
Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…