Chúng tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Phạm Đình Thức, nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận-Tổng cục Chính trị), năm 1975 ông là Trưởng phòng Nghiên cứu địch và là người có mặt cùng các cán bộ tác chiến, quân báo trong những ngày khai thác Nguyễn Vĩnh Nghi ở trại tù binh Sơn Tây (Hà Nội).
Ông Phạm Đình Thức kể chuyện khai thác tướng ngụy Vĩnh Nghi tại trại tù binh Sơn Tây năm 1975 |
Ông kể: Ngay sau khi máy bay vừa chở Nghi và Sang ra Bắc, ta bố trí cho hai viên tướng này ở hai phòng riêng có giường ngủ, bàn làm việc và được đối xử tốt. Hôm đó, anh Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có tới tiếp xúc Nghi ở trại tù binh. Khi anh Đạo hỏi chuyện Nghi quanh việc ăn, nghỉ tại trại, Nghi bảo: “Tôi nằm đệm quen rồi, về đây không có đệm nên rất khó ngủ !”.
Theo chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ nhiệm, Trại tù binh liên hệ ngay với Bệnh viện 108 để xin hai chiếc đệm giường cho hai viên tướng ngụy. Trong thời khắc quan trọng của những ngày tháng tư lịch sử, khi các cánh quân của ta đang tiến về Sài Gòn, chúng tôi nhận nhiệm vụ tranh thủ khai thác Nghi để có thêm nguồn thông tin tham khảo báo cáo lên trên. Nội dung chủ yếu xoáy vào việc bố trí quân của địch.
Chúng tôi trải tấm bản đồ ra bàn, đặt ra cho Nghi những câu hỏi: Anh nhận định về Quân giải phóng như thế nào ? Theo hiểu biết của anh, Thiệu sẽ bố trí lực lượng giữ Sài Gòn ra sao ?. Lúc đầu, Vĩnh Nghi rất dè chừng, ông ta bảo: “Các ông hỏi tôi những câu này thật khó trả lời”. Chúng tôi bảo Nghi: “Vậy thì chúng tôi sẽ cho anh thời gian để suy nghĩ”. Ngay lúc đó, Nguyễn Vĩnh Nghi vừa hút thuốc, vừa lặng lẽ suy nghĩ.
Rồi sau đó, ông ta đến bên tấm bản đồ, nói với chúng tôi một cách rành mạch các địa điểm tác chiến, các điểm mạnh, yếu của địch, việc bố trí quân và ý định của chính quyền Sài Gòn… Nghi khẳng định: Tổng thống Thiệu chỉ bố trí một lực lượng rất mỏng ở Sài Gòn, nếu các ông đã đánh “bóc dần” được vòng ngoài thì việc đánh chiếm nội đô sẽ rất dễ dàng. Sau đó, chúng tôi đặt vấn đề: “Nếu anh ở vào cương vị của Thiệu, anh sẽ làm gì ?”, Nghi trả lời: “Nếu tôi là Tổng thống Thiệu, tôi sẽ không cố giữ Sài Gòn mà sẽ kéo về cố thủ ở miền Tây”…
TT chế độ SG Dương Văn Minh trên đường đến đài phát thanh tuyên bố đầu hàng |
Sau này, trong bản tự khai ở trại học tập cải tạo dành cho cấp tướng ngụy, Vĩnh Nghi thừa nhận: Một trong những thất bại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chính là việc không chú trọng xây dựng tư tưởng cho binh lính quân đội Sài Gòn. Theo Nghi, việc xây dựng lý tưởng chiến đấu luôn được Tổng cục Chiến tranh chính trị của Quân đội Sài Gòn tóm lược trong 4 nhóm chủ đề là: “Tư tưởng Quốc gia”; “Ý thức chống cộng”; “Xây dựng đơn vị” và “Tranh thủ nhân dân”, nhưng thực chất việc học tập chính trị trong quân đội ngụy không đạt được mục đích, việc học trong binh sĩ thường bị các đơn vị viện cớ vì lý do hành quân mà tổ chức cho có hình thức, không có chiều sâu và liên tục…
Nguyễn Vĩnh Nghi cũng cho rằng: Những việc người Mỹ thực hiện ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã gây ra sự chia rẽ và phân hoá trầm trọng giữa người Việt với người Việt. Đã vậy, họ còn đặt ra cả những “tội ác tưởng tượng” của Chính phủ cách mạng và Quân giải phóng như: “Mồ chôn xác tập thể” ở Huế, “quốc lộ máu” ở Quảng Trị hay vụ “tàn sát dân chạy nạn” ở Phước Long…
Theo ông Phạm Đình Thức, với những “ý định tác chiến” được bộc lộ qua lời khai ở trại tù binh Sơn Tây, có thể khẳng định Nghi là một viên tướng nguy hiểm, bởi nếu như Nghi không bị bắt và tiếp tục “tử thủ” thì ta sẽ gặp không ít khó khăn trong việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: Bùi Vũ Minh