Khai thác thiết bị dạy học thông minh giúp trò yêu thích môn Lịch sử 

GD&TĐ - Giúp trò có những giờ học môn Lịch sử sinh động, hứng thú, cô giáo Trịnh Thị Thu (SN 1984) - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có những phương pháp hiệu quả.

Cô Thu sử dụng nhiều phương pháp giúp trò hào hứng với giờ học môn Lịch sử.
Cô Thu sử dụng nhiều phương pháp giúp trò hào hứng với giờ học môn Lịch sử.

Đa dạng phương pháp dạy học

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của môn học Lịch sử trong trường phổ thông, là giáo viên bộ môn, cô Thu luôn say sưa tìm tòi, trau dồi, bồi dưỡng những phương pháp dạy học mới đem lại hứng thú cho học sinh. 

Để tạo không khí học tập sôi nổi với môn học cô Thu thường tạo hứng thú, khích lệ tinh thần học tập của trò bằng cách linh hoạt sử dụng các kỹ thuật dạy học tiên tiến như: Học nhóm, cặp đôi chia sẻ…

Cô đã thành lập nhóm “Tôi yêu lịch sử” nhằm khai thác tiện ích trên các thiết bị dạy học thông minh, giúp trò học mà chơi, các em không cảm thấy nhàm chán, khô khan.

Với cô Thu, dạy Lịch sử không phải là sự truyền thụ kiến thức một chiều, mà ở mỗi giờ học, cô trò được làm việc cùng nhau, được chơi cùng nhau qua các trò: Nhận diện lịch sử, giải ô chữ lịch sử, sưu tầm và thuyết minh về hình ảnh lịch sử. 

Cô trò say sưa trong những giờ học theo nhóm
Cô trò say sưa trong những giờ học theo nhóm

Cô Thu chia sẻ: “Đa phần học sinh không hào hứng với môn Lịch sử một phần vì chương trình học dài, phần vì bộ môn không nằm trong các môn thi lên 10. Với học sinh cuối cấp, các em chỉ tập trung học Toán, Văn và tiếng Anh. Bằng cả tình yêu dành cho học sinh và môn Lịch sử tôi luôn cháy hết mình trong từng tiết học để học sinh cảm nhận được tâm huyết của cô và cùng cố gắng”. 

Khẳng định vai trò, nâng cao chất lượng môn học, hàng năm Trường THCS Nguyễn Trãi tổ chức các nhóm ôn đội tuyển học sinh giỏi, trong đó có môn Lịch sử. Bản thân cô Thu thấy rằng, các cuộc thi học sinh giỏi là cơ hội để cô truyền tải nội dung môn học sâu hơn, giúp học sinh có cơ hội cọ sát với các kỳ thi cấp tỉnh cấp thành phố và lan toả tình yêu với Lịch sử. 

Nhiều năm gần đây, Trường THCS Nguyễn Trãi đều có học sinh  đoạt giải cao cấp thành phố, cấp tỉnh môn Lịch sử, cụ thể: Năm 2021-2022, có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải 3 và 5 giải khuyến khích cấp thành phố; 1 giải nhì, hai giải khuyến khích cấp tỉnh. Với cô trò Trường THCS Nguyễn Trãi, niềm đam mê môn Lịch sử luôn được khơi gợi, duy trì và phát triển.

Giúp trò ôn tập Lịch sử lớp 9 hiệu quả

Quá trình dạy học, trước những đòi hỏi của môn học và thực tế của việc học lịch sử trong trường THCS, cô Thu luôn trăn trở làm thế nào để việc dạy học môn lịch sử, nhất là môn lịch sử 9 có hiệu quả hơn.

Để giúp học sinh ôn tập môn Lịch sử lớp 9 hiệu quả, có kiến thức vững chắc hơn bước tiếp vào THPT, cô Thu đã linh hoạt nhiều phương pháp.

Cô giáo Thu luôn tạo cảm hứng cho học trò với môn Lịch sử bằng cách ứng dụng CNTT vào giảng dạy.
Cô giáo Thu luôn tạo cảm hứng cho học trò với môn Lịch sử bằng cách ứng dụng CNTT vào giảng dạy.

Cô giáo chia sẻ:  Khi ôn các phần trong chương trình Lịch sử 9 ( Lịch sử Thế giới và lịch sử Việt Nam hiện đại, lịch sử địa phương ) có sự khác nhau về yêu cầu nhận thức và truyền thụ  nên giáo viên cần lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp như: tường thuật, kể chuyện hoặc phương pháp hỏi đáp...để bài giảng sinh động, học sinh dễ tiếp thu và phát huy được tính tích cực chủ động của trò.

“Muốn dạy và học tốt môn Lịch sử thì trước hết giáo viên và học sinh phải có sự chuẩn bị tốt về nội dung bài học, tâm thế  phải thoải mái.  Thầy cô cần lựa chọn phương tiện, đồ dùng, phương pháp phù hợp với từng loại bài, từng điều kiện và từng đối tượng học sinh”, cô Thu cho hay.   

Trong dạy học bài ôn tập – sơ kết – tổng kết, có nhiều phương pháp để giáo viên có thể phối hợp để mang lại kết quả cao. Nhưng quan trọng, giáo viên cần xác định rõ những trọng tâm của các giai đoạn lịch sử, nắm được phần nào học sinh còn hổng kiến thức, hiểu sơ sài để ôn tập.

Theo cô Thu, có nhiều phương pháp ôn tập chung môn học này, trong đó có ôn tập theo sự kiện lịch sử. Phương pháp  là bước khởi đầu cung cấp cho học sinh nguồn sử liệu cơ bản., giúp học sinh bổ sung các sự kiện lịch sử theo một hệ thống sử thế giới và sử Việt Nam.

Những tiết học môn Lịch sử sinh động
Những tiết học môn Lịch sử sinh động

Phương pháp dạy tổng hợp giai đoạn nhằm giúp học sinh hệ thống hóa từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Khi ôn tập, cô giáo  tổng hợp theo từng giai đoạn, trong mỗi giai đoạn cần nên những nét chính, có so sánh, đánh giá, nhận xét.

Chẳng hạn như Lịch sử Việt Nam có thể tổng hợp một số giai đoạn sau: Phong trào công nhân 1919 - 1930: Chia làm 2 giai đoạn nhỏ, khi ôn tập giáo viên cần cho học sinh so sánh đánh giá về quy mô, diễn biến, hình thức, tính chất của hai giai đoạn từ đó rút ra sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân Việt Nam; Phong trào giải phóng dân tộc 1930 - 1945 cần chú ý đến đường lối, lực lượng, diễn biến của từng giai đoạn cụ thể.

Bên cạnh đó còn nhiều phương pháp ôn tập giúp học sinh hệ thống hoá kiến thức môn Lịch sử được cô giáo Thu chia sẻ như: ôn tập  theo trình tự logic bài; ôn tập bằng hệ thống lược đồ, đồ thị; ôn tập bằng lược đồ, đồ thị có thể sử dụng ôn tập kết hợp lồng ghép sử địa phương, ôn tập theo phương pháp kể chuyện, tường thuật…Giáo viên cần sử dụng đa dạng phương pháp trong một buổi ôn tập tạo nên sự thoải mái trong học tập của học sinh, cô Thu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.