Kết quả đã tìm ra dấu vết của tường thành Nội phía tây bổ sung thêm những nhận thức mới về sự tồn tại, cũng như phác dựng được quy mô, phân bố của thành Nội.
Thành Nội nằm ở vị trí ở trung tâm của thành ngoại và lệch về phía bắc, ước tính chiều đông tây dài khoảng 180m, chiều bắc nam rộng khoảng 110m.
Đợt khai quật cũng phát hiện dấu vết của dòng chảy cổ, với trầm tích đất bùn ổn định, trong đó chứa hiện vật có niên đại từ cuối thế kỷ 1 trước công nguyên – thế kỷ 1 sau công nguyên, đoán định có thể là ngoại hào của tường thành phía đông ở giai đoạn sớm của thành Luy Lâu.
Vết tích đắp nền gia cố trên lòng hào được xác định vào đầu thế kỷ 3 sau công nguyên – thế kỷ 6 sau Công nguyên, hiện tượng này cho thấy nhiều khả năng vào giai đoạn này thành Luy Lâu được mở rộng về phía đông.
Với trên 900 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn được phát hiện nằm trong địa tầng ổn định, cùng các nồi nấu đồng và mảnh khuôn nằm rải rác trong các hố thám sát và khai quật khu T4 và T5 cho thấy khu vực thành Luy Lâu có thể là một công xưởng luyện kim đúc đồng lớn.
Cùng với kết quả năm 2014, những phát hiện mới về khuôn đúc trống đồng năm 2015 càng khẳng định chắc chắn tính bản địa của trống đồng, cho chúng ta thấy sức sống mãnh liệt của Văn hoá Đông Sơn.
Về mặt niên đại căn cứ vào một số ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu trống đồng cho thấy cách tạo hình hoa văn trên các mảnh khuôn đúc trống đồng tìm thấy lần này mang đặc trưng của trống Đông Sơn loại H1 muộn, niên đại ước khoảng thế kỉ 2-3.
Tuy nhiên, khi chỉnh lý sơ bộ sưu tập hiện vật khác nằm cùng lớp chứa khuôn như đầu ngói ống hoa sen, “ắc bàn xoay” được làm bằng gạch có hoa văn ô trám, đó chúng tôi đoán định niên đại của sưu tập khuôn đúc vào khoảng thế kỷ thứ 4 rất trùng khớp với định niên đại của đoàn khai quật năm 2014.
Các hố thám sát và khai quật sau khi nghiên cứu sẽ được san lấp hoàn trả mặt bằng. Sưu tập hiện vật thu được trong được khai quật sẽ được chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học.