(GD&TĐ) - Ấn tượng lần đầu gặp ông, đấy là một người đàn ông tóc hoa râm, đang cùng cây sáo trúc dìu dặt những âm thanh quyến rũ mà những ai đang thưởng thức tại bảo tàng Dân tộc học hôm đó đều không ngớt lời trầm trồ, khen ngợi. Ông là Lê Thái Sơn, nghệ sĩ – nghệ nhân sáo trúc, là cha đẻ của cây đàn P’rông cách tân nổi tiếng.
Cây sáo tuổi thơ
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) quê ông nổi tiếng với nghề làm nón. Chỉ mới bước vào đầu làng đã sực lên mùi lá gồi, lá cọ như mời gọi, vấn vít theo từng bước chân du khách. Ông kể, những năm tháng kháng chiến, quê ông là nơi dừng chân, chuyển quân của rất nhiều những đơn vị bộ đội chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Chính những người lính cụ Hồ cùng tiếng sáo vi vu chiều chiều trên triền đê bên bờ sông Đáy đã mê hoặc cậu bé Sơn khiến cậu lân la làm quen rồi mê sáo lúc nào không hay. Cậu bé Sơn về vườn nhà xin bằng được cha cho đẵn một cây trúc già để nhờ các chú bộ đội làm cho một cây sáo. Phải mất đến 3 ngày, cây sáo mới hoàn thành. Và cậu đã làm cho cả đơn vị bộ đội hôm đó ngạc nhiên, khi chơi trọn bài Bèo dạt mây trôi không chỉ đúng giai điệu mà còn rất hay bởi những khúc nhấn nhá. Những tưởng chuyện cây sáo như trò chơi thời thơ dại, ai ngờ nó lại theo ông đến suốt cuộc đời. Mười bảy tuổi, ông xung phong đi bộ đội, tiếp tục đắp xây niềm đam mê. Ông lại tiếp tục chơi sáo và tự tay mình làm ra rất nhiều cây sáo để tặng đồng đội và dạy họ chơi. Để rồi, vào những phút bình yên giữa hai trận chiến, họ lại thổi sáo cho nhau nghe. Không chỉ thổi sáo hay mà ngay từ những ngày đó, ông đã biết cách sáng tạo trên chính cây sáo Việt để tạo ra những âm thanh sống động như tiếng suối chảy, chim hót. Trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ đó, nhờ có cây sáo mà ông và bạn bè mình đã vơi đi nỗi nhớ nhà, quyết tâm chiến đấu cho đến ngày đất nước độc lập.
Nghệ sĩ Lê Thái Sơn đang làm một cây sáo trúc |
Ước mơ nghệ thuật
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục đi học và làm công tác văn hóa quần chúng ở Sở văn hóa Hà Tây cũ. Cầm sáo hơn 40 năm, ông luôn trăn trở khi thấy “hồn dân tộc”, trong đó có sáo trúc bị lấn át bởi các nhạc cụ điện tử. Những lúc như vậy, ông như người mất hồn, ngồi hàng giờ không nói năng câu gì. Biết tính ông, những lúc như thế vợ con ông đều dành cho ông một khoảng không gian tĩnh mịch để ông được tha hồ suy tư. Có lần ông xin phép cơ quan nghỉ phép cả tháng, về nhà chỉ báo vợ một câu : “Anh đi công tác”. Thế rồi, ông khăn gói quả mướp đi khắp vùng núi Tây Bắc để học cho kỳ được tiếng sáo của các dân tộc thiểu số. Mỗi lần trở về, ông lại miệt mài ngồi đục, giũa cho ra đời những cây sáo mà khi thổi lên, tạo ra những âm thanh độc đáo và bay bổng. Với bao thăng trầm của nghề, ông tâm sự: “Đã có lúc tôi rơi vào cảnh đứng ở ngã ba đường, không biết tính sao cho đúng, khi cơm áo gạo tiền vướng bận”. Bởi là trụ cột trong gia đình, ông không thể thờ ơ mãi với những tiếng thở dài của vợ vào cuối tháng được. Ông quyết định dùng tiếng sáo của mình để mua vui cho đời, dẫu cũng chỉ một vài trống canh. Ông nói với giọng ngậm ngùi: “Bao năm chơi sáo, chỉnh sáo, vậy mà đã có lúc sáo không nuôi nổi mình, phải đi biểu diễn ở những đám cưới hay hội nghị. Mỗi khi cầm những đồng tiền công, tôi lại bùi ngùi tủi phận cho cây sáo. Nó đã được cải tiến nhiều để người nghe cảm nhận được cái hay cái đẹp vậy mà nó lại phải chơi ở một không gian không dành cho nó”. Nhưng cũng có lúc ông lại thấy vui mừng phấn chấn hơn khi cây sáo của ông được đến với quần chúng nhân dân trong những lần hội diễn văn nghệ. Lúc đó, ông cùng cây sáo như làm xiếc trên sân khấu. Cũng là cây sáo nhưng ông có thể biến hóa nó bằng tất cả âm thanh khi thì nghe như tiếng khèn Mông, lúc lại như tiếng đàn T’rưng, khiến người nghe bị cuốn hút theo âm thanh lúc trầm, lúc bổng.
Để tiếp sức cho niềm đam mê năm 1991, ông quyết định mở lớp học sáo tại Trung tâm văn hóa Hà Tây, thu nhận học sinh với mong muốn mở rộng phong trào chơi sáo và chọn nhân tài chơi sáo chuyên nghiệp.
Cách tân nhạc cụ dân tộc
Từ năm 1995, ông bắt tay vào nghiên cứu chế tạo chuyên sâu sáo với các loại: sáo ngang, sáo dọc, sáo mèo… Từ sáo dân tộc 6 lỗ, sáo của ông làm ra được cải tiến thành 10 lỗ theo thang âm quốc tế. Ông luôn tâm niệm, người nào muốn làm sáo tốt thì phải biết thổi sáo hay để có được sự thẩm âm tốt nhất. Vì vậy, sáo trúc Lê Thái Sơn dù ở trong tay khách như món quà lưu niệm hay dùng chơi chuyên nghiệp đều có âm thanh đạt chuẩn.
Qua những chuyến công tác, ông lại quyến luyến với cây đàn T’rưng của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Không bằng lòng với cây đàn T’rưng nguyên bản, Lê Thái Sơn đã sáng tạo ra chiếc đàn T’rưng mini xinh xắn, 15 thanh thể hiện hài hòa cả nhạc Tây Nguyên và nhạc khúc quốc tế. Đồng thời, chiếc đàn nhỏ nhắn rất tiện dụng khi ông đem đi xa, trưng bày quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Khi thấy tôi đang tò mò nhìn ngắm một chiếc đàn vừa quen, vừa lạ được đặt tên P’rông, ông dạo ngay một khúc nhạc trong bài Qua miền Tây Bắc. Bài hát đã nghe nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác như nghe tiếng suối róc rách, tiếng xào xạc của lá thật như đang ở giữa lòng núi rừng. Chiếc đàn P’rông cách tân của ông có hình dáng giống mái nhà Rông của Tây Nguyên, phím giống với đàn piano.
Ông kể: “Một lần đi công tác vào Tây Nguyên, tôi đã mất cả tháng trời để tìm hiểu về các nhạc cụ truyền thống ở đây. Một lần nhìn thấy đồng bào dân tộc ở đây dùng nhạc cụ là những chiếc cặp lắc để hát điệu tra ngô với âm thanh rất hay, tôi đã nảy ra ý tưởng làm một chiếc đàn kết hợp những cặp lắc lại với nhau”.
Nhưng người chơi cần rung nhấn bởi đàn được hoạt động kiểu đòn bẩy cối giã gạo do sự kết hợp đặc biệt của phím đàn và các cặp lắc. Một chiếc đàn không có trong từ điển âm nhạc, không đăng ký bản quyền, bởi chủ nhân đàn chỉ cần “nhiều người biết đến, nhiều người sử dụng P’rông là tôi mừng rồi”.
Leo lên tầng áp chót thăm “đại bản doanh” của nghệ nhân tre trúc, tôi được tận mắt chứng kiến các khâu cơ bản làm ra cây sáo, T’rưng… Nhìn ông làm thật đơn giản, loáng cái đã ra một âm son, âm đồ… Chả mấy chốc trên tay tôi đã cầm một cây sáo mới toanh, đủ để cất lên một khúc nhạc. Mấy chục phút được đổi bằng kinh nghiệm của cả đời người nghệ sĩ! Quan trọng nhất là phần chỉnh âm, chỉnh tiếng vang cho sản phẩm. Một vật bất ly thân gắn bó với Lê Thái Sơn hơn 10 năm nay gọi là thanh mẫu – máy đo âm đã góp phần lớn khi chứng minh chất lượng sản phẩm “made in Lê Thái Sơn” và cho chính tôi khi bập bẹ từng nốt la, son, pha lạ lẫm của cây sáo…
Bên cây đàn dân tộc cách tân |
Truyền lửa đam mê
Dạy ở câu lạc bộ, mở lớp tại nhà, đến dạy miễn phí cho những em học sinh nghèo, ông không tiếc thời gian, tiền bạc xây dựng bài giảng, in đĩa hướng dẫn học sáo, tiêu… chỉ cốt sao nhiều người biết đến nghệ thuật sáo dân tộc. Học sáo, tiêu cơ bản chỉ mất chừng 1-2 tháng, học chuyên nghiệp có khi lên tới tận 8-15 năm, tùy chọn của mỗi người.
Người học theo thú vui, người khác đi theo con đường chuyên nghiệp tại các trường : Nhạc viện Hà Nội, Cao đẳng nghệ thuật Quân đội… Nhiều người trong số học trò đã là niềm tự hào của thầy Sơn như Nguyễn Thị Trang, Bùi Công Thuyên, Nguyễn Xuân Chung, Bùi Công Thơm…
Vừa học, vừa làm 2 năm nay, cậu trò Nguyễn Thọ Phong giờ đã nắm được bí quyết làm sáo mèo thuần thục, nói về thầy với một lòng kính trọng con người nhiệt tình, chu đáo và luôn hết lòng truyền dạy. Thầy mỗi ngày thêm một tuổi, Phong tự nhủ càng cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa để trở thành cánh tay đắc lực, đặc biệt là với nghệ thuật sáo mèo. Không giấu nghề, chưa một lần nghĩ bị mất nghề như thiên hạ người ta lo lắng giùm, bởi với ông “Cho đi có nghĩa là nhận”. Một triết lý nhân sinh cao cả mà không phải ai cũng dám nghĩ và làm được như thế.
Gửi gắm đảo xa
Ý định tặng nhạc cụ dân tộc ra đảo Trường Sa đã nhen nhóm trong Lê Thái Sơn khi theo dõi tin tức về đời sống chiến sĩ. Những người lính quanh năm đối mặt với gió biển mặn mòi, có thêm tiếng nhạc dân tộc như sáo, tiêu… sẽ vợi bớt nỗi nhung nhớ quê nhà, làm phong phú thêm đời sống tinh thần anh em. Đặc biệt, khúc nhạc mang hồn dân tộc Việt Nam thỏa sức vi vút trong không gian sẽ thêm lời khẳng định chủ quyền đảo quốc quê hương trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
“Tôi đã chuẩn bị sẵn một lượng nhạc cụ bao gồm: các loại sáo, tiêu, đàn T’rưng… dành tặng chiến sĩ. Số lượng không hạn chế, mọi người cần bao nhiêu thì tôi sẽ đáp ứng vì của nhà làm được”, ông đã nói vậy khi tôi hỏi rằng, chuyện kinh phí có làm ông lo lắng hay không? Ngoài những bản nhạc đã được tuyển chọn trong giáo án giảng dạy như Việt Nam quê hương tôi, Lời ca dâng Bác, Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó…, sách nhạc phục vụ chiến sĩ sẽ mở rộng thêm với những khúc nhạc vùng Nam Trung Bộ, với điệu Lý hành vân, Lý vọng phu, Lý kéo chài, Lý chiều chiều… Nhạc khúc chủ yếu sẽ thấm đượm tình yêu quê hương đất nước, giai điệu vui vẻ, rộn rã. Đĩa hướng dẫn sẽ được gửi cùng để anh em có thể tự tập khi theo dõi qua màn hình. Thậm chí, nếu cần thiết có người hướng dẫn, ông sẵn sàng ra đảo 1-2 tháng dạy miễn phí, để chiến sĩ có thể xử lý và chơi thành thục các nhạc khúc.
Nếu nói con người này cả đời đi khai phá hồn tre trúc cũng chẳng quá lời, bởi đi hết 2/3 tuổi đời, nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã dành hết tình yêu, đam mê gìn giữ, phát huy những nét đặc sắc nhất của nhạc cụ dân tộc.
Hà An