Với chủ đề: “Phát triển tư duy Mở, kiến tạo tương lai giáo dục ngôn ngữ toàn diện”, hội thảo chào đón sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giáo viên, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Giảng dạy và Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật của hơn 150 trường Đại học, các cơ sở giáo dục, đào tạo đến từ hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo đó, hội thảo góp phần duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ. Đồng thời tạo diễn đàn giúp giảng viên, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu, cập nhật xu thế mới trong ngành, để định hướng cho việc giảng dạy trong tương lai; thúc đẩy tiềm năng nghiên cứu của các giảng viên, giáo viên trong giảng dạy; giúp học viên cao học, nghiên cứu sinh ứng dụng những kiến thức trong việc học vào thực tế giảng dạy và nghiên cứu, có cơ hội thuyết trình công trình nghiên cứu của mình, cập nhật kiến thức, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Toàn cảnh hội thảo. |
Đặc biệt, hội thảo cũng là cơ hội để các giảng viên, giáo viên từ các trường khác nhau giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu; phát huy và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các học giả và tổ chức bên ngoài.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM cho biết, Hội thảo Quốc tế OpenTESOL được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 2012, là nền tảng cho sự phát triển liên tục trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giáo viên, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Giảng dạy và Ngôn ngữ học ứng dụng trong nước và quốc tế.
Đây là dịp để người tham dự có cơ hội được chia sẻ các phương pháp giảng dạy hiệu quả trong các môi trường học tập đa dạng. Qua đó góp phần tăng cường kết nối mạng lưới các nhà giáo dục và chuyên gia ngôn ngữ, cũng thu hẹp khoảng cách giữa các cộng đồng học thuật trong nước với các tổ chức và hiệp hội giáo dục ngôn ngữ quốc tế.
Ngoài các phiên báo cáo chính, Hội thảo OpenTESOL thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học với hơn 60 bài báo cáo, tham luận, tập trung 2 chủ đề chính: Xây dựng môi trường học tập thúc đẩy sự tò mò, tư duy phản biện, và sự sẵn sàng tiếp nhận những góc nhìn khác; Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục ngôn ngữ cho mọi người bằng các phương pháp tiên tiến, ứng dụng công nghệ trong trong bối cảnh hiện nay.