Khai bút xưa và nay

GD&TĐ - Một nét sinh hoạt xuân tết ý nghĩa có từ lâu đời là khai bút. Sau khi thắp hương gia tiên giao thừa hoặc mồng 1 Tết, các nhà nho và con cháu tập hợp lại, lấy giấy bút ra và bắt đầu viết khai bút. Ý nghĩa là để bắt đầu sự nghiệp, sự học, sự viết cho một năm mới.

Khai bút xưa và nay

Khai bút xưa

Có người chỉ viết lên ngày, tháng đánh dấu việc khai bút, nhưng cũng có người sáng tác cả một tác phẩm đầu năm cho lúc khởi đầu này. Cũng có người viết lên những mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, học hành được tiến bộ và tương lai nghề nghiệp rộng mở. Những ông đồ hay nho sĩ khai bút thường viết câu đối hoặc một chữ đẹp để treo trong nhà.

Nét đẹp này được truyền lại ngay cả khi đã “quẳng bút long đi” thay bằng bút chì bút mực. Tôi còn nhớ, con cái ngồi bàn viết bút mực bài thơ:

Minh niên khai thần bút, / Vạn sự tổng giai thành/ Toàn gia kiêm ngũ phúc / Phú, quý, thọ, khang, ninh.

Dân ta ở mọi tầng lớp có tục xin chữ đầu xuân và người cho chữ là các thầy đồ. Các thầy đồ Nho học, Hán học, và Quốc Ngữ học thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin chữ cái tâm tế của mình đã được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Giai thoại còn kể: nhà thơ Nguyễn Khuyến hóm hỉnh cho chữ câu đối tết cho một ông mấy đời làm thịt lợn câu đối tết:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

Cái hay là rất xuân tết vì hiểu: Bốn mùa tám tiết lần lượt thay đổi / Bờ cỏ dậm liễu cũng muốn điểm trang. Tuy nhiên hiểu “tục” là trong câu đối có cả “bát tiết canh”, “đôi bồ dục” trong nghề của ông làm thịt lợn!

Tục khai bút, cho chữ đã thành một nét đẹp ngày xuân tết ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Gần đây ngoài khai bút “nhà” còn khai bút “chùa” rất hay, ý nghia.

Khai bút nay

Gần đây một số trường, sở GD&ĐT đã tổ chức cho thầy cô, học sinh khai bút đầu xuân đúng hết ngày nghỉ Tết. Sở GD&ĐT và một số trường địa phương tổ chức khai bút ngay sau khi kỳ nghỉ Tết hết. Lãnh đạo sở, trường, học sinh... tập hợp tại một địa điểm lịch sử ý nghĩa với giáo dục văn hóa, tiến hành dâng hương rồi tập hợp khai bút bằng các chữ ý nghĩa, bằng các bài văn thơ viết chữ đẹp…

Các trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, THPT Trần Phú, THCS Núi Đối (Kiến Thụy) Sở GD&ĐT Hải Phòng lựa chọn Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc là nơi khai bút hàng năm bởi vùng đất này từng là một vương triều coi trọng chữ Nôm, khuyến khích sáng tác văn thơ Nôm.

Ngành GD&DT Hà Nội tổ chức lễ tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Thầy cô, học sinh Thủ đô có lần viết chữ Chí (Ý chí) và Trí (Trí đức) với hàm ý thế hệ trẻ ngoài trí tuệ bên mình cần phải có ý chí vươn lên hoặc viết một đoạn thơ văn chữ đẹp.

Hà Nội và huyện Thanh Trì đã khai bút viết 5 chữ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Lễ khai bút đầu xuân rất được thầy cô, học sinh hưởng ứng và đông đảo người tham quan rồi xin chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ