“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh

GD&TĐ - Đã thành thông lệ nhiều năm qua, cứ đến sáng mùng 2 Tết, làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại tổ chức lễ khai bút đầu xuân cho học sinh. 

“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh
“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 1“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 2“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 3“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 4“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 5“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 6“Khai bút đầu xuân” ở làng Quỳnh ảnh 7

Lễ khai bút đơn giản, nhưng ý nghĩa và thiêng liêng, nhằm giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống hiếu học của quê hương và nhắc nhở các em học sinh “vui xuân mới không quên học tập”.

Quỳnh Đôi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh ra bao nhiêu người con ưu tú, kiệt xuất, những trạng nguyên, khoa bảng, tiến sĩ, thám hoa, những anh hùng cách mạng… 

Tục khai bút đầu xuân xưa kia, thường được các thầy đồ, nho sinh, sỹ tử, nho gia trong làng Quỳnh Đôi thực hiện vào thời khắc sau giao thừa trước bàn thờ gia tiên để cầu mong cho một năm phát tài về đường học hành, khoa cử. 

Trải qua bao nhiêu đời, bao nhiêu năm, với bao nhiêu đổi thay, nét đẹp truyền thống này vẫn được thế hệ con em làng Quỳnh giữ gìn, phát huy. 

Lễ khai bút đầu xuân không còn ở riêng trong mỗi gia đình, mà được hội khuyến học xã tổ chức thành một ngày lễ cho các cháu học sinh tham gia.

Mùng 2 tết, trời se se lạnh, lất phất mưa xuân, ngay từ sáng sớm nghe tiếng loa phát thanh xã, các em học sinh háo hức cùng tập trung về đình làng làm lễ khai bút đầu xuân. 

Có gần 100 em học sinh tiêu biểu, đại diện cho hơn 600 học sinh của xã Quỳnh cùng thi thố tài năng về chữ nghĩa. Thời gian “khai bút” là 30 phút , các em sáng tác thơ, làm những đoạn văn ngắn gọn, súc tích về chủ đề quê hương, về những người con ưu tú của làng Quỳnh từ xưa đến nay.

Em Hồ Minh Thông, học sinh lớp 6, Trường PTCS Hồ Tùng Mậu, (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) chia sẻ:“ Năm nay là lần đầu tiên em tham gia lễ khai bút đầu xuân cùng các bạn. Em cảm thấy rất vui và có chút hồi hộp. Bài thơ em viết là “Quỳnh Đôi trong lời ru của mẹ”, vì em rất tự hào khi được sinh ra ở mảnh đất có truyền thống lịch sử như làng Quỳnh”.

Những năm trước, Hội Khuyến học xã tổ chức lễ khai bút ở hội trường văn hóa xã, nhưng 4 năm nay chuyển về làm tại Di tích Lịch sử văn hóa đình làng với ý nghĩa để các cháu cảm nhận và ý thức được truyền thống, đạo hiếu học của cha ông. 

Nơi đây, năm xưa vẫn thường diễn ra những buổi bình thơ, bình văn, của các nhà nho, các cuộc thi thố văn chương của các bậc sĩ tử.

Trong tiết xuân ấm áp, dưới mái đình làng cổ kính, những em học sinh mặc áo đồng phục của trường, nắn nót từng nét chữ đầu tiên trong năm mới. 

Có em học lớp 9, lớp 10 đã chững chạc, ra dáng “người lớn” nhưng có em mới lên lớp 1, lớp 2 cũng đã tham gia “khai bút” cùng các anh các chị. Không khí vui tươi, phấn khởi nhưng có chút trầm mặc thiêng liêng.

Đứng bên cạnh, là các thầy cô giáo, hội viên hội khuyến học xã, các bậc cao niên thúc phụ trong làng và phụ huynh học sinh… theo dõi, động viên các em trong ngày lễ đầu xuân năm mới.

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi cho biết: “Năm nay là lần thứ 7 liên tiếp Quỳnh Đôi tổ chức lễ khai bút đầu xuân cho các cháu học sinh. Với mong muốn các cháu đạt thành tích tốt nhất trong năm học 2014 – 2015 và tạo tiền đề cho năm học tiếp theo. 

Lễ khai bút đầu xuân, vừa là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, vừa là để giáo dục tình yêu thương, tự hào về quê hương, khuyến khích và nhắc nhở các cháu ngày càng ý thức chăm ngoan học giỏi”.

Mỗi em tham gia lễ khai bút sẽ được tặng quyển vở, kèm theo cây bút. Cuối buổi, hội khuyến học sẽ thu bài và chấm. Những tác phẩm hay, xuất sắc sẽ được đọc trên loa phát thanh của xã.

Cùng với hoạt động trao quà vào đêm giao thừa, sáng mồng Một tết của các gia đình, dòng họ thì việc tổ chức lễ khai bút đầu xuân là một nét đẹp đặc trưng của quê hương làng Quỳnh, một hình thức khuyến học đặc biệt trong năm mới, để qua đó các em nhìn lại mình, nhìn lại gương cha anh đi trước để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện.

Cụ Hồ Sĩ Chu (75 tuổi) cho biết: “Phong trào khuyến học của làng Quỳnh có từ thời Tam giáp tiến sĩ Hồ Sĩ Dương. Thuở ấy, cha ông khuyến học bằng học điền, các gia đình, dòng họ… cấp đất hoặc sản phẩm trên đất cho làng, để làng tặng thưởng cho người học giỏi, đỗ đạt cao. 

Bây giờ, phong trào khuyến học cho các cháu học sinh ngày càng mở rộng và phong phú… Hôm nay, cùng làm lễ khai bút đầu xuân, tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi và hi vọng rất nhiều vào các cháu…”

Mảnh đất Quỳnh Đôi đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm tuổi, xưa kia, phía đông nam của Quỳnh Đôi, có 2 cột đá nhô lên như 2 quản bút, và phía dưới là vũng nước, giống như cái nghiên mực, được gọi là hòn Bút, hòn Nghiên (làng Bút Luyện). 

Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, phải chăng vì vậy mà dân Quỳnh Đôi có truyền thống hiếu học, khoa bảng, đỗ đạt cao?

Thế nhưng, vì đất sinh nhân tài, hay con người ham học? Mảnh đất làng, nơi hòn đá, ao chuôm cũng được đặt tên thành bút mực, ấy chính là khát vọng, ước mong của người dân gửi gắm vào trong sự học. 

Người dân nghèo lam lũ, nhưng vẫn cố cho con theo nghiệp bút nghiên “ăn mày lấy dăm ba chữ thánh hiền”, đi học ở làng Quỳnh được coi như là một nghề! Để từ đó, bao nhiêu tú tài, cử nhân, trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn được ghi danh vào sử sách.

Truyền thống đẹp đẽ đó của quê hương văn vật đang được tiếp nối cho đến tận bây giờ. Và hôm nay, dưới mái đình làng, các em học sinh đang cẩn trọng trong từng nét bút, thì ngày mai, tin rằng các em sẽ bay cao, bay xa trong khát vọng bao đời của ông cha mình, của quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.