Thiếu giáo viên cục bộ
Bước vào năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên trở thành vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương. Theo thống kê của ngành Giáo dục Quảng Trị, qua rà soát, hiện toàn tỉnh còn thiếu hơn 450 người. Trong đó, bậc Mầm non thiếu 194 cán bộ, giáo viên, bậc Tiểu học thiếu 160 giáo viên, bậc THCS thiếu 95 cán bộ, giáo viên.
Với bậc THPT, mặc dù định biên giáo viên/lớp đủ, tuy nhiên có tình trạng thừa, thiếu cục bộ và thiếu giáo viên một số môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật.
Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ xảy ra tại một số địa phương như huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông, huyện Vĩnh Linh...
Năm học vừa qua, do thiếu giáo viên nên việc dạy học ở nhiều trường gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, tại huyện miền núi Hướng Hóa, một số trường tiểu học thiếu giáo viên, dẫn đến học sinh khối lớp 3, lớp 4 không được học môn tiếng Anh. Tương tự, huyện Vĩnh Linh, các trường phổ thông dân tộc bán trú – tiểu học ở địa bàn xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê vì không có giáo viên dạy môn Tin học và Anh văn nên không triển khai dạy theo kế hoạch.
Đối với huyện Đakrông, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu so với định mức, tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp chưa đáp ứng yêu cầu quy định để triển khai thực hiện chương trình giáo dục các cấp. Trong khi đó, việc hợp đồng giáo viên để giảng dạy đối với các trường vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, do chế độ không đảm bảo. Đặc biệt, do đội ngũ giáo viên chưa được bổ sung kịp thời nên việc triển khai dạy học môn tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT và các địa phương đã tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên cho năm học mới; đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ thống nhất số lượng, chức danh để triển khai tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục. Điều động, cân đối giáo viên trong nội khối và giữa các khối để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Trong đó ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang thiếu
Trong khi chưa thể tuyển bổ sung giáo viên, ngành Giáo dục Quảng Trị đã đưa ra giải pháp điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để đảm bảo triển khai chương trình GDPT 2018.
Ngành giáo dục Quảng Trị đưa ra giải pháp điều động, luân chuyển giáo viên nhằm giải "bài toán" thiếu giáo viên. |
Trước ngày khai giảng năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị gặp mặt các giáo viên trong diện điều động luân phiên. Đáng chú ý, trong 27 giáo viên thực hiện điều động có 25 giáo viên viết đơn tình nguyện trình bày nguyện vọng đến các trường khó khăn công tác dạy học. Tại buổi gặp mặt, nhiều giáo viên đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng muốn giúp đỡ học sinh ở địa bàn khó khăn. Sớm làm quen với môi trường mới để hoàn thành nhiệm vụ.
Năm học này, thầy giáo Lê Kiên Cường (giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong) tình nguyện đến công tác tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa. Thầy Cường chia sẻ: “Tôi đã có khoảng thời gian gắn bó hơn 10 năm dạy học tại huyện Đakrông, huyện miền núi của Quảng Trị. Vì vậy, tôi thấu hiểu sự khó khăn của các em học sinh nơi đây. Tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phát huy tâm huyết, trách nhiệm để giảng dạy kiến thức cho học sinh”.
Thầy giáo Mai Xuân Gia (giáo viên Trường THPT Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ) cho biết: “Sau khi Sở GD&ĐT thông báo, tôi hiểu được tình trạng khó khăn về thiếu giáo viên tại một số địa bàn miền núi. Do đó, đầu năm học, tôi viết đơn tình nguyện và được phân công đến công tác tại Trường THCS-THPT Đakrông. Đến với ngôi trường mới sẽ có chút bỡ ngỡ, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một nhà giáo, tôi sẽ cố gắng phát huy khả năng, trình độ của mình để truyền dạy kiến thức cho học sinh”.
TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước năm học mới, ngành đối mặt với tình trạng, đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, cơ cấu không đồng bộ. Nhiều môn chưa đảm bảo chương trình, như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Có trường thừa giáo viên, có trường thiếu một số môn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn.
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, đảm bảo yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên.
“Điều đáng mừng, năm học này có đến 25 giáo viên viết đơn tình nguyện được đến địa bàn khó khăn dạy học. Trong những thầy, cô giáo “xung phong” đợt này, có trường hợp từng tham gia dạy học nhiều năm ở miền núi, có thầy giáo tuổi đã cao vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thậm chí, có 9 thầy cô tình nguyện ở lại gắn bó dạy học nơi trường đang công tác”, TS Hương cho hay.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong khi việc tuyển bổ sung giáo viên còn gặp khó khăn thì việc luân chuyển giáo viên là giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ngành GD&ĐT Quảng Trị sẽ tiếp tục nghiên cứu để có quyết sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.