Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó Quảng Trị (kỳ 2)

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bên cạnh việc thiếu giáo viên, hiện cơ sở vật chất tại nhiều trường chưa đáp ứng đủ, gây khó khăn cho triển khai dạy môn Tiếng Anh và Tin học.

Thực hiện chương trình GDPT 2018, môn Tin học được đưa vào dạy chính khóa cho học sinh lớp 3.
Thực hiện chương trình GDPT 2018, môn Tin học được đưa vào dạy chính khóa cho học sinh lớp 3.

Bài 2: Áp lực dạy môn Tiếng Anh và Tin học

Dạy Tin học chỉ có... bàn phím

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT), 2 môn Tin học và Tiếng Anh trở thành môn học chính. Thế nhưng, đối với nhiều trường học ở miền núi, việc triển khai chương trình cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với môn Tin học, ngoài điểm trường trung tâm được trang bị phòng máy với đầy đủ các thiết bị phục vụ dạy học, còn hầu hết các điểm trường khác đều thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có phòng máy để các cháu thực hành.

Tiết Tin học tại điểm trường Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa.
Tiết Tin học tại điểm trường Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa.

Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) có 7 điểm trường. Ngoài điểm trường trung tâm có phòng máy thì 6 điểm trường còn lại chưa có máy tính để phục vụ dạy học.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, năm học này đưa 2 môn Tin học và Tiếng Anh vào dạy chính khóa, nhưng các điểm xa trung tâm không có phòng máy để học sinh thực hành.

Không có máy tính, học sinh tại điểm trường Húc Thượng và các điểm trường khác phải học qua bàn phím để làm quen với mô hình và các ký tự trên bàn phím.

Chưa có máy tính nên học sinh tại Trường Tiểu học Húc - điểm trường Húc Thượng chỉ làm quen với bàn phím.
Chưa có máy tính nên học sinh tại Trường Tiểu học Húc - điểm trường Húc Thượng chỉ làm quen với bàn phím.

“Hiện thiết bị dạy học đối với môn Tin học còn thiếu, để triển khai dạy học trong thời gian tới, nhà trường có kế hoạch mua từ 6-10 máy tính để cố gắng đáp ứng mỗi điểm trường phải có 2 máy tính phục vụ dạy học. Trước mắt, nhà trường vận động các cá nhân nhằm xin lại hoặc mua các bàn phím cũ để học sinh làm quen với các chữ cái trên bàn phím”, thầy Anh cho hay.

Cơ sở vật chất chưa đảm bảo

Việc thiếu cơ sở vật chất dạy môn Tin học cũng xảy ra ở Trường Tiểu học Thuận. Mặc dù, môn Tin học trở thành môn học chính đối với học sinh lớp 3, nhưng hiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học vẫn chưa đảm bảo. Ngoài điểm trường trung tâm được trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, hầu hết các điểm trường còn lại chưa có máy tính.

“Mỗi khi lên lớp, giáo viên phải mang máy tính cá nhân và các thiết bị khác để kết nối phục vụ việc dạy học nên rất bất tiện. Không có máy tính nên học sinh không có thiết bị để thực hành”, cô Nguyễn Thị Tân Diện nói.

Tại trường Tiểu học Thuận, giáo viên sử dụng máy tính cá nhân kết nối với tivi để dạy học.
Tại trường Tiểu học Thuận, giáo viên sử dụng máy tính cá nhân kết nối với tivi để dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Hoành, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận cho biết, tổng số học sinh của toàn trường là 445 em, với 23 lớp. Ngoài trường ở khu vực trung tâm còn có điểm trường tại bản 1, bản 2 và bản 4.

Thực hiện chương trình GDPT 2018, nhưng hiện cơ sở vật chất của nhà trường vẫn thiếu nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu dạy học. Đặc biệt, tại điểm trường bản 4 có 3 phòng học phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ giảng dạy.

“Năm học 2022-2023, môn Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3, nhưng cơ sở vật chất đối với 2 môn này đang rất thiếu. Đặc biệt, với môn Tin học, hầu hết các điểm trường xa trung tâm chưa có phòng máy nên các giáo viên tạm sử dụng máy tính cá nhân liên kết với tivi để kết nối dạy học. Tình trạng thiếu về cơ sở vật chất đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai giảng dạy theo chương trình mới”, thầy Hoành cho hay.

Bước vào năm học 2022-2023, với yêu cầu đảm bảo việc dạy học theo chương trình GDPT 2018, nhưng Trường Tiểu học và THCS A Dơi (huyện Hướng Hóa), đối diện với không ít khó khăn, thiếu hụt về cơ sở vật chất.

Hiện nhà trường còn thiếu 3 phòng học nữa mới đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường cũng gặp khó khăn khi triển khai giảng dạy môn Tin học.

Thầy giáo Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi cho biết, năm học này, môn Tin học và Tiếng Anh trở thành những môn học bắt buộc trong chương trình. Thế nhưng, ngoài điểm trường trung tâm được trang bị đầy đủ phòng máy, thì các điểm còn lại chưa được trang bị máy tính. Những điểm trường này cách điểm trung tâm rất xa nên không thể dồn học sinh lại để dạy học.

“Trước những khó khăn nói trên, nhà trường đã tham mưu với địa phương, Phòng GD&ĐT để đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư, đảm bảo việc dạy học theo kế hoạch”, thầy Chẩm cho hay.

Theo ông Hoàng Văn Sơ, phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Phòng GD&ĐT đã động viên, khuyến khích các giáo viên tham gia giảng dạy và huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt, đối với môn Tin học, đơn vị chỉ đạo các trường có máy tính và phương tiện khác hỗ trợ dạy học cho các em trong năm học này, đảm bảo tất cả học sinh lớp 3 được học môn Tin học và Tiếng Anh.

Với phương tiện dạy Tin học ở các điểm trường, Phòng GD&ĐT kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị có máy tính đã qua sử dụng hỗ trợ; mặt khác, chỉ đạo các trường dành nguồn kinh phí, đảm bảo các điểm trường có 1 đến 2 máy tính bàn và huy động các dụng cụ bàn phím để học sinh làm quen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.