Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học mới

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học mới

(GD&TĐ)-Trước thềm năm học mới, một số địa phương vẫn đang phải đối mặt và tìm cách khắc phục với khó khăn thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là 2 cấp học mầm non và tiểu học.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, ở các huyện ngoại thành, mặc dù chính quyền địa phương đã chủ động có những biện pháp để đào tạo, thu hút giáo viên, nhưng vẫn thiếu người. Năm học tới, nhu cầu tuyển mới giáo viên của thành phố các bậc học khoảng hơn 4.900 giáo viên. Sở GD&ĐT thành phố đã tiến hành tuyển dụng và bổ sung giáo viên về các trường, các địa phương cho kịp thời điểm khai giảng năm học mới, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi để giữ chân giáo viên, đặc biệt là giáo viên tình nguyện công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tại hội nghị chuyên đề về năm học mới do Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa diễn ra, đa số đại biểu đề nghị cần tăng cường về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa giáo viên các cấp, các loại hình đào tạo, cơ sở đào tạo.

Năm học 2010-2011, Nam Định thiếu gần 1.200 cán bộ giáo viên. Ngành giáo dục mới tuyển được hơn 600 giáo viên bổ sung cho sự thiếu hụt năm học trước và đang chuẩn bị tuyển 128 chỉ tiêu cho năm học mới này. Nhiều trường học có tiếng của Nam Định như THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Tiểu học Trần Quốc Toản...cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên…Được biết, kết thúc năm học 2010-2011, số trường học trong tỉnh Nam Định hầu như không thay đổi, tuy nhiên số lớp học đã giảm 292 lớp (tổng số hơn 10.500 học sinh) so với năm học trước và 830 cán bộ, giáo viên. Ngành GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc tuyên truyền, kêu gọi sinh viên người Nam Định sau khi tốt nghiệp về làm việc. Tỉnh ưu tiên xét tuyển những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, tuyển thẳng người có trình độ trên đại học; bố trí ngay sinh viên các trường sư phạm đỗ tốt nghiệp loại giỏi về Nam Định vào trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và các trường chất lượng cao...

Năm học 2011-2012, tỉnh Hậu Giang thiếu khoảng 650 giáo viên giảng dạy, chủ yếu là giáo viên ngành học mầm non và tiểu học. Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là do tăng chỉ tiêu huy động nên tăng quy mô lớp của ngành học mầm non, phát triển lớp dạy 2 buổi/ngày ở lớp mẫu giáo để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; ở cấp tiểu học, do việc dạy tiếng Anh và đưa Tin học vào trong nhà trường nên thiếu khoảng 230 giáo viên. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên thiếu chủ yếu ở các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Tin học và Ngoại ngữ. Riêng huyện Long Mỹ, trong năm học 2011-2012 này thiếu trên 100 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các cấp học. Trong đó, ngành học mầm non thiếu 34, tiểu học thiếu 40 và cấp trung học cơ sở thiếu 39. Bên cạnh việc luân chuyển, bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ngành giáo dục huyện còn tiến hành nhận hồ sơ xin việc của các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường để kịp thời bổ sung lực lượng giáo viên cho năm học này.

Theo Hội đồng tuyển dụng Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên năm 2011-2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo là 662 giáo viên. Nhu cầu tuyển dụng tập trung tại các cấp và các môn học như cấp Mầm non: 178 giáo viên, Tiểu học: 203 giáo viên, THCS: 108 giáo viên (chỉ tuyển 2 ngành Nhạc, Họa, cấp THPT-GDTX 90 giáo viên. Do số lượng giáo viên Tiểu học tuyển dụng hiện vẫn còn thiếu, nên trước mắt các trường sẽ bố trí giáo viên dạy tăng giờ để đảm bảo chương trình. Ngoài ra, đối với việc giáo viên cấp THCS còn thiếu, giáo viên cấp THPT dư sẽ được tập huấn nghiệp vụ 9 tháng, sau đó sẽ xuống giảng dạy tại cấp THCS theo như yêu cầu của các trường.

Năm học 2011-2012, Bình Phước còn thiếu 1.189 giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó: 145 biên chế học đường, 189 giáo viên mầm non và tiểu học, 39 giáo viên THCS, 140 giáo viên THPT, còn lại là đội ngũ quản lý và các chức danh khác trong hệ thống giáo dục.

Hiện toàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) thiếu hơn 100 giáo viên, trong đó có 70 giáo viên xin chuyển vùng (ra khỏi địa bàn huyện, theo chế độ ba năm công tác vùng khó khăn thì được chuyển vùng). Đặc biệt, giáo viên dạy môn chuyên biệt như thể dục, âm nhạc... thiếu nghiêm trọng. Để bảo đảm cho năm học mới, Phòng GD- ĐT Si Ma Cai đã phải ghép lớp, tăng sĩ số học sinh và yêu cầu giáo viên dạy tăng giờ, trong khi chờ đợi được bổ sung giáo viên. Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, đến ngày 24/8 tới sẽ bổ sung giáo viên mới cho huyện vùng cao này.

Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), toàn huyện hiện thiếu 30 giáo viên phổ thông ở bậc tiểu học, hơn 10 giáo viên dạy Anh văn tiểu học, 31 giáo viên mầm non. Nếu thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, các trường trên địa bàn huyện sẽ thiếu thêm khoảng 30 giáo viên mầm non dạy mẫu giáo 5 tuổi. Còn tại huyện Phong Điền, theo dự báo của ngành, năm học 2011-2012, toàn huyện sẽ thiếu khoảng 10 giáo viên phổ thông bậc tiểu học do các giáo viên về hưu. Ở huyện Thới Lai cũng thiếu giáo viên thể dục, âm nhạc và Anh văn... Đặc biệt, đối với bậc học mầm non, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các quận, huyện.

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT năm 2011 với 1.146 chỉ tiêu (trong đó tuyển 951 giáo viên và 195 nhân viên) theo hai hình thức xét tuyển thẳng và thi tuyển. Các đối tượng dự tuyển vào viên chức ngạch GV phải thi hai phần bắt buộc gồm thực hành và phỏng vấn; dự thi vào ngạch viên chức văn phòng phải thi lý thuyết và trắc nghiệm theo quy định.

Các đối tượng tham dự thi tuyển gồm các giáo viên phụ trách Đoàn, Đội, phòng bộ môn, thư viện, kế toán, văn thư, y tế trường học ở các trường tiểu học, THCS, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, các trường chuyên biệt công lập được Sở GD-ĐT, UBND các quận, huyện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, kể từ ngày 31-10-2010 trở về trước.

Các đối tượng dự xét tuyển thẳng (bao gồm cả GV phụ trách Đoàn, Đội, phòng bộ môn) cần có các điều kiện: tốt nghiệp ĐH hệ chính quy loại xuất sắc hoặc giỏi phù hợp chuyên ngành dự tuyển; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với ngành tốt nghiệp ĐH, chức danh đăng ký dự tuyển, tốt nghiệp ĐH chính quy loại khá. Thông tin chi tiết được công bố công khai trên website của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng  www.danang.edu.vn.

PV (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ