Khắc phục thiên tai, nâng cao chất lượng GD-ĐT

Khắc phục thiên tai, nâng cao chất lượng GD-ĐT

(GD&TĐ) - Ngày 16/10, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Vùng thi đua 06 tỉnh Bắc Trung Bộ đã tổ chức Hội nghị Giao ban lần thứ nhất năm học 2011-2012Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong; lãnh đạo một số vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn giáo dục 06 tỉnh Bắc Trung Bộ; Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An.

Bước vào năm học 2011-2012, ngành giáo dục và đào tạo 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gặp rất nhiều khó khăn do các đợt lũ lụt liên tiếp gây ra. Trong một thời gian ngắn, khu vực này đã phải chịu sự tác động và ảnh hưởng của 4 cơn bão (số 2, 4, 5, 6), gây ra mưa to, lũ lụt trên diện rộng. Nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần vượt gian khó vươn lên của thầy và trò trong các nhà trường và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, giáo dục và đào tạo 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã vượt lên những khó khăn, nhanh chóng ổn định, kịp thời tổ chức khai giảng và triển khai các hoạt động giáo dục  theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Ngành giáo dục và đào tạo 06 tỉnh Bắc Trung Bộ đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch, số học sinh tuyển vào các lớp đầu cấp đạt tỷ lệ cao; chắt chiu kinh phí xây dựng, tu bổ, sửa chữa phòng học chuẩn bị tốt cho năm học mới; số học sinh bỏ học trong hè không nhiều (Thanh Hoá 385 em; Nghệ An 786 em; Hà Tĩnh 483 em; Quảng Bình 528 em; Quảng Trị 117 em; Thừa Thiên-Huế 359 em); nghiêm túc triển khai “ba công khai” theo Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT; có nhiều biện pháp chấn chỉnh các khoản thu và dạy thêm-học thêm; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ chính sách cho công chức, viên chức (Nghệ An đã đưa 5.864 giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế, bổ sung 132 tỷ đồng cho việc chuyển đổi loại hình trường mầm non; Quảng Bình chuyển 1.613 giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế,...).

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Về nhiệm vụ sắp tới, 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; khắc phục tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra; đẩy mạnh an ninh trường học, phòng tránh các tệ nạn xã hội; chuyển đổi nhanh loại hình nhà trường, đảm bảo chế độ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non; thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; tăng cường công tác y tế trường học; phối hợp với các lực lượng xã hội để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường sự quan tâm giúp đỡ học sinh ở các vùng khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng của các nhà trường.

Giám đốc Sở 06 tỉnh Bắc Trung Bộ thống nhất kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tăng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cho các tỉnh để bù đắp sự mất mát do lũ lụt gây ra; tiếp tục tham mưu chính sách thâm niên cho cán bộ quản lý giáo dục ở Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo; có giải pháp để ngăn chặn nguy cơ giảm chất lượng nguồn nhân lực của giáo dục; chỉ đạo cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; đưa Chương trình phát triển giáo dục mầm non vào Chương trình mục tiêu quốc gia; việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên nên tập trung trong hè, không nên tổ chức nhiều trong năm học, làm ảnh hưởng đến nề nếp trường học;  ngoài họp giao ban theo vùng thi đua như lâu nay, Bộ nên tổ chức cuộc họp riêng với các Giám đốc Sở để bàn sâu về những vấn đề chung của cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho rằng, vấn đề bỏ học, dạy thêm, học thêm đối với Thanh Hoá không thành vấn đề lớn. Cái khó của Thanh Hoá hiện nay là vấn đề huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và chuyển đổi loại hình trường học. Thanh Hoá hiện nay còn 252 trường mầm non bán công với trên 8.000 cán bộ, giáo viên ngoài biên chế. Thanh Hoá đang xây dựng kế hoạch để chuyển đổi, nhưng khả năng sẽ còn 2.000 cán bộ, giáo viên mầm non vẫn phải ở diện hợp đồng.

Việc lạm thu thì vẫn tồn tại, nhất là ở mầm non và tiểu học. Để chống được lạm thu là vấn đề rất khó trong điều kiện các trường còn nhiều khó khăn về kinh phí. Việc phân cấp mà Giám đốc Sở không còn quyền hạn gì thì nên xem xét lại. Vừa rồi, Thanh Hoá phải bỏ ra trên 180 tỷ đồng để giải quyết vấn đề dôi dư do phân cấp tổ chức cán bộ gây ra.

Việc tuyển dụng giáo viên đang rất bất cập vì phải tính theo điểm học của sinh viên. Mà cách cho điểm thì mỗi trường đại học một khác; nên tính theo điểm đã đánh đồng sinh viên học trong các trường sư phạm ở Hà nội, sinh viên học ngành sư phạm ở Đại học Vinh với các trường khác, thật là không công bằng và không tuyển được người giỏi, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cho các tỉnh. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận Hội nghị

Ông Nguyễn Khắc Hào, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đồng tình với ý kiến của ông Lê Xuân Đồng. Ông Nguyễn Khắc Hào cho rằng, sau khi phân cấp tổ chức cán bộ, Sở không kiểm soát được được tình hình. Hiện nay cấp trung học cơ sở của Hà Tĩnh đang thừa 700 giáo viên, đã tạo thành vấn đề nóng. Vấn đề chất lượng sinh viên cũng là điều cần bàn.

Thực tế em trung bình ở trường này còn tốt hơn em giỏi ở trường khác. Cứ theo đánh giá của các trường đại học để làm căn cứ tuyển dụng thì không ổn. Phải có quy định rõ về vấn đề này để chất lượng tuyển dụng giáo viên đảm bảo chất lượng. Thu hút người giỏi, Hà Tĩnh cũng đã làm nhưng chưa hấp dẫn. Nhưng một thực tế, có bộ môn thiếu ít, sinh viên giỏi thì nhiều, để nhận hết số sinh viên giỏi quả là vấn đề khó.

Về lạm thu, không phải là bao che nhưng phải thấy các trường rất khó khăn, Nhà nước thì không có để cấp, vì thế không nên ngăn chặn con đường xã hội hoá.

Vấn đề thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ chấm chéo, vì thực tế không đem lại hiệu quả gì cả. Bộ cũng cần lên tiếng khi anh em các tỉnh làm thật, tỷ lệ tốt nghiệp thấp, nếu không, anh em sẽ gặp khó khăn mà không thể gượng được.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cho biết, Quảng Bình đã xây dựng quy hoạch cán bộ và hy vọng sẽ có hiệu quả khi triển khai. Chế độ cho cô nuôi ở các trường mầm non không được quy định cụ thể, cần phải xem xét vấn đề này. Trong phân cấp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo không có quyền gì cả, việc tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên do Hiệu trưởng, như vậy có nên?

Về vấn đề phân cấp, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã nêu kinh nghiệm thực hiện phân cấp của tỉnh này. Trong những năm vừa qua, các ngành liên quan ở cấp tỉnh của Nghệ An đã công phu, phối hợp chặt chẽ với nhau và với UBND các huyện để xây dựng chương trình, kế hoạch và chi đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch được xây dựng, vì thế trong công tác tổ chức cán bộ, trong quản lý ngân sách không có vấn đề gì khúc mắc xẩy ra, không có chuyện các cấp quản lý ở huyện, ở tỉnh không nắm được, dù quyền quản lý trực tiếp đều thuộc về Hiệu trưởng các nhà trường.

Khắc phục thiên tai, nâng cao chất lượng GD-ĐT ảnh 3
 Các đơn vị trong vùng thi đua ký giao ước thi đua

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã biểu dương những cố gắng của ngành giáo dục và đào tạo 06 tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là việc vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Vấn đề dạy thêm, học thêm được chấn chỉnh và không còn là vấn đề nóng, việc bỏ học của học sinh giảm so với trước. Việc chuyển đổi loại hình trường, đặc biệt là loại hình trường mầm non đã được nhiều tỉnh làm tích cực và có hiệu quả, đời sống giáo viên được quan tâm và từng bước được cải thiện.

Thứ trưởng nhấn mạnh tình trạng lạm thu vẫn đang tồn tại trong các nhà trường. Nhiều trường, nhất là mầm non và tiểu học đang thu thêm nhiều khoản: tiền đóng góp xây dựng trường, mua thiết bị, mua ti vi,... và chưa được các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo giải quyết dứt điểm. Nói thu thoả thuận, trong 100 phụ huynh, chỉ cần có một vài phụ huynh không đồng ý mà vẫn thu là sai rồi. Vừa rồi, một địa phương ở phía Bắc đi kiểm tra 33 trường, cả 33 trường đều thu sai. Chúng ta phải tập trung chấn chỉnh, phải công khai, minh bạch các khoản thu trong nhà trường.

Hiện tại, các tỉnh cũng đang dôi dư nhiều giáo viên, có nguyên nhân do số học sinh giảm, nhưng phải nói rằng công tác dự báo còn hạn chế, chưa tốt; chính sách cho giáo viên mầm non vẫn còn khó khăn ở nhiều nơi. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là vùng miền núi, dân tộc; việc chuyển đổi loại hình nhà trường vẫn còn có tỉnh làm quá chậm, cần phải đẩy nhanh tiến độ. Đối với các kiến nghị của 06 sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để giải quyết. Thực tế, một số vấn đề về chính sách, Bộ cũng đã nghiên cứu và đang đề xuất để Chính phủ sửa đổi.

Về nhiệm vụ sắp tới, Thứ trưởng đề nghị các sở tập trung vào bảy nhóm công việc: Nghiên cứu, góp ý kiến, hiến kế để thực hiện tốt việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam; tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu năm học; tham mưu với UBND tỉnh để giải quyết tốt vấn đề dôi dư giáo viên, đảm bảo đời sống cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non ngoài biên chế; chấn chỉnh lạm thu trong các nhà trường; tích cực thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, trong dạy học, trong các hoạt động khác, trong đó có vấn đề thu chi trong các nhà trường; quan tâm triển khai tốt các đề án, nhất là vấn đề vùng miền núi, dân tộc; hoàn thành tốt việc chuyển đổi loại hình nhà trường.

                                                                                               Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.