Kết thúc xét tuyển đợt 1: Thí sinh tự tin, nhà trường chủ động

GD&TĐ - Với sự cùng “chia lửa” của các Sở GD&ĐT, huy động tối đa nguồn lực từ nhà trường, không khí ngày cuối cùng đăng ký xét tuyển đợt 1 (20/8) không “nóng” như dự kiến, thể hiện sự tính toán, cân nhắc sáng suốt của thí sinh và sự chủ động, tích cực từ các trường ĐH trong công tác hỗ trợ, tư vấn tuyển sinh. 

Kết thúc xét tuyển đợt 1: Thí sinh tự tin, nhà trường chủ động

Hôm nay (21/8), các trường ĐH, CĐ đang khẩn trương tổng hợp, rà soát dữ liệu đăng ký xét tuyển.

Thí sinh chuộng trường tốp giữa

“Cách thi như năm nay, dù có mệt và lo lắng một chút nhưng cũng xứng đáng vì cháu đỗ đại học như mong muốn. Nếu là năm trước thì cháu nhà tôi đã trượt rồi”.

PHHS Đinh Công Phúc (Văn Giang, Hưng Yên)

Ngày 20/8, anh Đinh Công Phúc (Văn Giang, Hưng Yên) đã cùng con hoàn thành việc rút hồ sơ tại Trường ĐH Hà Nội để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. 

Ngồi chờ con vào nộp hồ sơ, anh Phúc chia sẻ: Cũng may là năm nay chúng tôi được theo dõi mọi thông tin nên biết không đủ điểm đỗ vào Trường ĐH Hà Nội. Lần nộp hồ sơ thứ hai này là “ăn chắc” vì số điểm của cháu còn cao hơn 2,5 điểm so với ngành đăng ký.

Đến từ Nghệ An, Nguyễn Thị Mai cùng chị đến nộp hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Được 23 điểm, cố đợi đến ngày cuối cùng Mai mới rút hồ sơ từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Mai cho biết: Khi quyết định nộp hồ sơ vào trường này, tâm lý em khá thoải mái vì biết mình chắc đỗ. 

“Sau hôm nay em sẽ ở lại vài hôm, nhân tiện đi chơi Hà Nội. Chị em làm việc ở đây nên rất tiện và không phải lo lắng, vất vả gì. Mặt khác, các trường đều rất tạo điều kiện cho thí sinh, đến đâu em cũng được hướng dẫn tỉ mỉ và chu đáo” - Mai vui vẻ trả lời khi được hỏi vì sao không thay đổi nguyện vọng theo tuyến Sở GD&ĐT.

Được 17 điểm, thí sinh Việt Dũng đến từ Bắc Giang đã quyết định rút hồ sơ để đăng ký vào Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường. “Em theo dõi thông tin hàng ngày, thấy mình bị bật khỏi danh sách trúng tuyển là vội lên rút hồ sơ ngay. Với số điểm của em, việc vào ĐH Tài nguyên - Môi trường là khá chắc ăn vì trường này còn thiếu nhiều chỉ tiêu” - Dũng tâm sự.

Không chỉ ĐH Công nghiệp Hà Nội, không khí tại Trường tốp đầu như ĐH Ngoại thương cũng không hề “nóng” như dự tính. Bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - cho biết: Trong 3 ngày gần đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 100 - 150 thí sinh đến rút hồ sơ. 

Với cách xét tuyển như năm nay, đối với Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh không quá căng thẳng trong việc nộp và rút hồ sơ do phần lớn các em đều điểm cao và đã ước lượng được mức điểm an toàn để nộp hồ sơ vào trường.

Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thí sinh Đặng Thị Như Trúc (quê Tiền Giang) -nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử - chia sẻ về tính toán rất kỹ càng của mình khi quyết định rút hồ sơ: Theo dõi trên bảng điểm trúng tuyển tạm thời, em thấy số điểm của mình (24,25 điểm, tổ hợp Văn - Sử - Địa) đã “tuột” khỏi chỉ tiêu nên em từ nhà lên trường để thay đổi tổ hợp xét tuyển. Với mức điểm ở tổ hợp mới (26,5 điểm, tổ hợp Văn - Sử - Anh) so với mức điểm trúng tuyển tạm thời trường công bố, em hơn 1 điểm nên có phần tự tin hơn.

Còn thí sinh Nguyễn Mỹ Phương (quê Long An) đạt 31,025 điểm nên tỏ ra khá thận trọng. Phương cho biết: Tối 19/8, điểm của em chỉ nhỉnh hơn điểm trúng tuyển dự kiến 0,25 điểm (ngành Ngôn ngữ Anh - 31 điểm) nên vẫn có nguy cơ bị “văng” khỏi danh sách vào chiều nay. Vì thế, em quyết định rút hồ sơ, nộp vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (đang có mức điểm 30,25) để có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn.

Có thể thấy, ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, với bức tranh sơ bộ về dự kiến điểm xét tuyển từ các trường, thí sinh đã hình dung được khung điểm, tính đếm cơ hội của mình để rút/nộp hồ sơ. Thí sinh điểm cao tự tin nộp hồ sơ trường tốp đầu. Và, đa số thí sinh rút hồ sơ để “đầu quân” vào trường ĐH tốp giữa.

Thủ tục nhanh đến không ngờ

Như những ngày đầu xét tuyển, không khí làm việc tại các nhà trường ngày cuối xét tuyển đợt 1 rất khẩn trương, nghiêm túc, các thầy cô hết lòng hỗ trợ, tư vấn thí sinh. Nhiều thí sinh, phụ huynh khi trong vòng 10 - 15 phút đã xong thủ tục rút hồ sơ phải thốt lên: Nhanh đến không ngờ!

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cán bộ và sinh viên tình nguyện của trường sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào thí sinh và phụ huynh có nhu cầu. 

Ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết: Cùng 6 cán bộ chuyên trách tuyển sinh, nhưng nhà trường đã huy động thêm 16 người từ các bộ phận khác hỗ trợ và trên 20 sinh viên tình nguyện để đảm bảo các thí sinh được trả lại hồ sơ trong vòng 60 phút kể từ khi đăng ký rút.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, để hỗ trợ thí sinh, nhà trường đã sắp xếp hồ sơ theo nhóm mã hồ sơ và cử cán bộ tăng cường hỗ trợ việc rút hồ sơ. Đồng thời, đội ngũ sinh viên tình nguyện luôn hướng dẫn thí sinh điền đơn, chuẩn bị giấy tờ cần thiết. 

Do đó, thí sinh đến là có thể rút hồ sơ ngay. Sau khi thí sinh rút hồ sơ, trường sẽ hủy ngay tên thí sinh trên hệ thống. Nhờ vậy, các thí sinh có thể nộp ngay sang trường khác trong cùng buổi. Bên cạnh đó, hàng ngày, Trường ĐH Ngoại thương đều công bố mức điểm an toàn để thí sinh có căn cứ quyết định việc rút, nộp hay điều chỉnh nguyện vọng.

Còn ĐH Đà Nẵng bố trí riêng một hội trường để giải quyết việc trả hồ sơ cho thí sinh. GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết: Hồ sơ ĐKXT được sắp xếp theo thứ tự mã vạch trước đó thí sinh đã nộp vào, nên khi rút ra sẽ rất thuận lợi, không phải mất công tìm kiếm. 

ĐH Đà Nẵng cũng tăng cường lực lượng tình nguyện viên tại bộ phận trả hồ sơ. Lực lượng này sẽ đảm nhận việc hướng dẫn các thủ tục cho thí sinh, tìm hồ sơ và hoàn trả, các công tác nhập dữ liệu sẽ do cán bộ ĐH Đà Nẵng đảm nhiệm. Thí sinh chỉ cần nộp đơn đăng ký rút hồ sơ theo mẫu, xuất trình giấy biên nhận thu hồ sơ hoặc phiếu báo phát chuyển hồ sơ và chứng minh thư cho bộ phận tiếp nhận thì chỉ khoảng 10 - 15 phút sau là được hoàn trả hồ sơ.

Việc hướng dẫn thí sinh, phụ huynh theo dõi điểm, cách thức thay đổi nguyện vọng, rút, nộp hồ sơ cũng được các trường thực hiện rất tốt. Thạc sĩ Trần Văn Châu - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cho biết: Với thông tin hướng dẫn thực hiện việc thay đổi nguyện vọng, thủ tục rút, nộp hồ sơ được dán nhiều nơi trước khu vực tiếp nhận, đội sinh viên tình nguyện hỗ trợ tối đa mọi thắc mắc, công tác hỗ trợ thí sinh, phụ huynh là tương đối toàn diện.

Đến Trường ĐH Sài Gòn ngày 20/8 đã thấy trường căng bạt ngoài trời che nắng, tăng cường thêm ghế, bố trí thêm các vòi uống nước tự động ở khu vực tuyển sinh để thí sinh, phụ huynh thuận tiện nghỉ ngơi.

Tương tự, tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có một lực lượng hùng hậu chuyên viên tư vấn tuyển sinh tư vấn trực tiếp cho thí sinh, phụ huynh thực hiện thay đổi nguyện vọng, nên nộp vào ngành nào, trường nào để có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn. TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm - chia sẻ: Trường cố gắng linh hoạt hóa các thủ tục rút, nộp hồ sơ cho thí sinh…, hỗ trợ, tư vấn bất cứ điểm vướng mắc nào từ phía phụ huynh, thí sinh nên việc rút, nộp hồ sơ trong ngày cuối diễn ra trơn tru.

TS Nguyễn Phương - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - đánh giá: “Không khí ngày cuối đợt xét tuyển không “quá nóng” như dự đoán. Chúng tôi tăng cường tối đa lực lượng cán bộ làm việc, sinh viên tư vấn và thường xuyên cập nhật điểm trúng tuyển tạm thời vào các ngành trên bảng tin. Vì vậy, có thể nói ngày cuối cùng của công tác xét tuyển NV1 là ổn định” - TS Phương khẳng định.

“Nếu còn thí sinh, chúng tôi còn làm việc, không có khái niệm nghỉ trưa hay quá giờ. Trong mấy ngày gần đây, việc ở lại trường đến 8 - 9 giờ tối là bình thường. Mình có thể vất vả một chút, nhưng thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh là chúng tôi thấy hết vất vả, mệt mỏi rồi!”.

Ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.