Kết quả tích cực đánh giá học sinh theo chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo viên ghi nhận kết quả tích cực sau 3 năm triển khai quy định về đánh giá học sinh trung học theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021.

Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giờ học.

Học sinh phát huy được năng lực

Một trong những điểm mới nổi bật của quy định đánh giá học sinh trung học theo Chương trình GDPT 2018 và sự linh hoạt và đa dạng các hình thức đánh giá.

Cụ thể, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập) được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Việc xét học sinh xuất sắc, học sinh giỏi không qua tổng điểm các môn học, đồng thời không đưa ra điều kiện với môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ…

Với những điểm mới này, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, học sinh được phát huy ưu điểm, thế mạnh của mình ở tất cả các môn học, không áp lực “môn chính”, “môn phụ” như trước đây.

Cô Đinh Thị Thu Mây, cũng giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì nhận định:Học sinh được đánh giá theo năng lực, sở trường, tạo ra tiền đề để nhận diện, phát triển năng lực cá nhân ở lĩnh vực nổi trội. Hạn chế được yêu cầu bắt buộc học sinh phải thực hiện cả nội dung không phải là năng lực tích cực của bản thân.

“Để phát huy hiệu quả hơn quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 cần lưu ý tiêu chí đánh giá rõ ràng và kết hợp nhiều hình thức đánh giá”, cô Đinh Thị Thu Mây chia sẻ.

Từ thực tế triển khai, thầy cô tổ Hóa-Sinh, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) khẳng định: Cách đánh giá theo chương trình mới đa dạng, linh hoạt, đánh giá được nhiều năng lực của học sinh: có học sinh phát triển tốt về năng lực ngôn ngữ, cũng có em phát triển tốt về năng lực tính toán, hay năng lực thể chất... Điều này giúp các em dễ dàng định hướng và phát triển theo hướng có lợi cho bản thân.

Quy định đánh giá học sinh theo Thông tư 22 cũng không còn đánh giá nặng nề, hàn lâm chỉ với hình thức làm bài viết. Ngoài năng lực viết, chương trình mới có nhiều hình thức đánh giá khác nhau như: sản phẩm, thuyết trình, dự án... của cá nhân và nhóm học sinh. Điều này giúp người học phát huy thế mạnh, đạt điểm cao nhiều môn.

Bên cạnh đó, cách đánh giá nhiều môn học cũng được chuyển từ điểm số sang nhận xét (đạt hoặc chưa đạt), như môn Giáo dục thể chất, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp... Điều này giúp học sinh dễ dàng có kết quả “đạt” hơn sau quá trình học so với đánh giá bằng điểm số trước đây.

Quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 có kết quả tích cực.

Quy định đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 có kết quả tích cực.

Tách bạch hạnh kiểm và kết quả học tập

Một trong những điểm mới cũng được thầy cô đánh giá cao là quy định đánh giá rèn luyện hạnh kiểm không bị khống chế bởi kết quả học tập.

Theo cô Đinh Thị Thu Mây, ưu điểm của quy định này là tách bạch rõ ràng 2 nội dung rèn luyện của học sinh; các tiêu chí không chồng chéo, đánh giá hai lần; tạo cho các em sự tự tin hơn khi được nhìn nhận, đánh giá đúng về phẩm chất đạo đức.

Với các thầy cô tổ Hóa-Sinh, Trường THPT Công nghiệp, cách đánh giá kết quả rèn luyện hạnh kiểm không bị khống chế bởi kết quả học tập có lợi đối với học sinh có năng lực tốt về thể chất hay là thẩm mỹ... Các em hoàn toàn có thể phát triển bản thân theo mong muốn mà không bị bỏ buộc bởi phải giỏi năng lực ngôn ngữ hay tính toán... Bởi quy định này, kết quả đánh giá theo Thông tư 22 cũng khả quan hơn, không có học sinh nào phải rèn luyện lại hạnh kiểm trong hè.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) cho rằng: Cách đánh giá rèn luyện dù không bị khống chế bởi kết quả học tập nhưng vẫn là hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; ưu điểm là không khống chế tỷ lệ như trước đây. Nhưng thực tế, điểm rèn luyện và kết quả học tập vẫn có sự tương đồng giữa các mức độ của 2 nội dung đó; không có hiện tượng kết quả rèn luyện đạt mà kết quả học tập tốt và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chiến đấu cơ Su-34 của quân đội Nga

Thành tích của chiến đấu cơ Su-34 Nga

GD&TĐ - Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, các máy bay chiến đấu Su-34 đóng một vai trò then chốt trong chiến dịch trên không của quân đội Nga.