Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì buổi gặp mặt các phóng viên báo chí. Ảnh: gdtd.vn |
Về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều địa phương đạt cao hơn năm trước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Không có sự buông lỏng kỷ luật trường thi để có kết quả cao không thực chất. Việc cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay một số địa phương có kết quả cao là do buông lỏng kỳ luật trường thi và do đề thi dễ chỉ là nhận định mang tính chủ quan.
Mặc dù giảm số lượng thanh tra ủy quyền của Bộ về cắm chốt tại các trường nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay lại tăng thanh tra của sở, đồng thời cũng tăng cường thanh tra lưu động của Bộ. Năm nay, ngoài thanh tra ủy quyền của Bộ, cả 7 vùng đều có 7 đoàn thanh tra. Điều đó cho thấy, Bộ GD&ĐT không buông lỏng kỷ luật trường thi. Mặt khác, việc chấm thi năm nay vẫn tiến hành chấm chéo, thanh tra chéo để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc.
Nhắc lại chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là ra đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, không ra đề khó mang tính chất đánh đố học sinh, Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, những học sinh học chăm chỉ, cố gắng sẽ đỗ tốt nghiệp.
Nói về nguyên nhân tăng cao tỷ lệ tốt nghiệp ở một số địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động 2 không, các trường đã có chuyển biến về trật tự kỷ cương; thêm vào đó, các sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo rất ráo riết để hoàn thành chương trình, ôn tập kiến thức bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng... Ở nhiều địa phương, nếu một số trường hơi non về kiến thức thì những trường mạnh hơn tăng cường hỗ trợ chi viện trong những tháng thi tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường ngày càng rút được kinh nghiệm ôn thi, những môn như Văn, Toán, Ngoại ngữ chắc chắn sẽ thi tốt nghiệp, các trường đã tổ chức ôn tập ngay từ đầu năm học...
Cũng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã gửi lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn sâu sắc đến các phóng viên báo đài và mong rằng trong thời gian tới, các phóng viên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để truyền tải những chủ trương cũng như hoạt động của ngành giáo dục đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đồng thời định hướng dư luận để xã hội hiểu đúng hơn về ngành giáo dục.
Hiếu Nguyễn