Đấy là câu chuyện từ sự cố đãng trí sau một ngày dài làm việc mệt mỏi và đi trên tàu điện để trở về nhà của ông Morris - nghệ sĩ biểu diễn solo trong Dàn nhạc giao hưởng Royal Philharmonic Orchestra ở London (Anh).
Theo như lời vị nhạc sĩ này kể với truyền thông, ông đã lên tàu điện cùng một chiếc hộp đàn màu trắng, bên trong còn có hai chiếc vĩ cầm “mang tính lịch sử” khác, và một trong hai cái từng thuộc về nghệ sĩ violon người Mỹ Michael Rabin.
Đặc biệt, trong đó có cây vĩ cầm do nghệ nhân thủ công bậc thầy David Tecchler làm năm 1709. Rồi thì khi xuống ga tàu điện ở phía Đông Nam London, ông đã quên bẵng, ung dung trở về nhà mà không mang theo hộp đàn.
Sự đãng trí ấy xảy ra từ ngày 22/10 và đến hôm sau ông Morris sực nhớ để rồi sững sờ và vội vã đi tìm. Thế nhưng, bao nhiêu nỗ lực của ông Morris cứ dần rơi vào vô vọng khi ông viết thư tới công ty đường sắt phía Đông Nam hay thông tin lên mạng xã hội mà không hề nhận được hồi âm.
Thậm chí, cảnh sát giao thông Anh cũng đã yêu cầu người đàn ông xuất hiện trong camera, có vẻ ông ta mang hộp đàn ở tàu điện đi, liên lạc với cảnh sát, song mọi việc vẫn bặt vô âm tín…
Phải đến ngày 31/10, tức là sau 10 ngày kiếm tìm, vị nhạc sĩ này mới nhận được tin nhắn từ một người lạ về người đàn ông cầm hộp đàn. Và sang ngày 1/11, ông đã được nhận hộp đàn, trong đó cả đàn và hai chiếc vĩ đều nguyên vẹn cùng lời xin lỗi.
Như vậy, sự cố quên cây đàn hơn 300 tuổi có giá trị hàng trăm nghìn USD (cây vĩ cầm được định giá khoảng 250.000 bảng Anh (hơn 320.000 USD) của nhạc sĩ người Anh Stephen Morris đã có hồi kết thật mĩ mãn trong... “sửng sốt”. Sự “sửng sốt” này có lẽ không chỉ với nhạc sĩ Morris, mà còn với cả công chúng, vì dường như câu chuyện này có cái kết giống truyện… cổ tích.
Cũng bởi lẽ, đâu phải người đàn ông đó không nhìn thấy cơ hội “làm giàu” từ cây đàn có giá trị đặc biệt ấy để mà… chớp lấy? Đâu phải ai cũng có thể dễ dàng gạt được lòng tham trước… “báu vật” mấy trăm nghìn dollar kia?
Vậy mà, người đàn ông ấy vẫn có thể làm được điều đó cùng lời xin lỗi nhận trách nhiệm về sự chậm trễ của mình khiến khổ chủ hụt hẫng suốt 10 ngày. Nhưng, chính sự “dũng cảm” vượt qua lòng tham ấy (vốn có ở bất kỳ ai nhưng không mấy ai có thể làm được) mà người đàn ông đó đã không bị cảnh sát Anh truy cứu sự việc.
Thực là một cách hành xử với nghệ thuật nơi xứ Tây đáng để chúng ta cùng suy ngẫm...