Trường làng nuôi dưỡng tài năng

GD&TĐ - Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh - Ninh Bình) có gần 100% phụ huynh nông dân, đời sống kinh tế khó khăn.

Chất lượng giáo dục đại trà của trường phát triển theo từng năm. Ảnh: NTCC
Chất lượng giáo dục đại trà của trường phát triển theo từng năm. Ảnh: NTCC

Song hàng năm, học sinh của trường luôn gặt hái nhiều giải thưởng từ các cuộc thi cấp quốc gia, tỉnh, huyện.

Không thành lập đội tuyển

Không giấu niềm vui trước những thành tích của GV, HS đạt được trong năm học vừa qua dù công tác dạy và học chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng chia sẻ: Năm học 2020 – 2021, HS của trường đoạt 25 giải quốc gia, 36 giải cấp tỉnh và 2 giải cấp huyện.

Trong số giải quốc gia có: 1 Nhất, 5 Nhì, 7 Ba, 12 giải Khuyến khích. Đặc biệt, 5 HS tham gia thi giải toán quốc tế PINSO tại Hà Nội đã mang về 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ và được tham gia cuộc thi quốc tế tại Singapore; 4 HS thi giải toán quốc tế SASMO tại Hà Nội mang về 1 HCB, 2 HCĐ và 1 giải Khuyến khích; 3 HS đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia tại Cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ…

Đáng tự hào hơn khi HS tham gia các cuộc thi, hội thi, sân chơi trí tuệ từ quốc gia, tỉnh, huyện… đều trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường không thành lập đội tuyển ôn tập từ trước, chỉ khi HS đăng ký tham dự các cuộc thi mới huy động GV bồi dưỡng (miễn phí) thêm kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm trong khoảng thời gian ngắn trước khi tham dự.

“Các em thi tài ở các sân chơi trí tuệ… hoàn toàn tự nhiên, vận dụng kiến thức nền tảng học tập tại trường, tự nghiên cứu thêm trên mạng và một phần hỗ trợ của GV. HS trường làng nên chịu thiệt thòi khi không có điều kiện ôn luyện năng khiếu tại các trung tâm, lò luyện, GV nổi tiếng…” - cô Hợi bày tỏ.

Cô Phạm Thị Hoa Lê có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng HS giải toán bằng tiếng Anh cho biết: Trong quá trình dạy học, trường khuyến khích GV quan tâm, phát hiện HS có tố chất, năng khiếu. Trên cơ sở đó, nhà trường mời phụ huynh tới trao đổi, có hướng đầu tư, động viên khuyến khích HS. Ngoài ra, GV hướng dẫn phụ huynh mua sách nâng cao phù hợp để HS tự ôn tập, nâng cao trình độ tại nhà. Trên lớp, với HS có tố chất, GV định hướng phát triển thêm…

“GV tham gia bồi dưỡng HS năng khiếu trước các cuộc thi đều được nhà trường chọn mặt gửi vàng. Trường yêu cầu GV tìm hiểu đề thi từ các cuộc thi, phân tích, đánh giá… và đưa ra thảo luận theo tổ, nhóm trước khi bồi dưỡng cho HS dự thi” – cô Lê chia sẻ thêm.

Cô Nguyễn Thị Xuyến, dạy lớp 4 bày tỏ: Bồi dưỡng HS tham dự các cuộc thi quốc gia, tỉnh, huyện không khó nhưng đòi hỏi GV phải tìm ra phương pháp, kiến thức phù hợp HS. Quan trọng hơn, cần biết thổi lên trong các em niềm say mê kiến thức, tự học. GV là người định hướng, tạo hứng khởi, gợi mở kiến thức… chứ không thể trở thành “thợ” đổ đầy kiến thức cho HS. Nếu các em không tiếp nhận kiến thức chủ động, thiếu hào hứng với học tập, GV dù giỏi và tác động ra sao cũng không hiệu quả...

Em Nguyễn Khánh Lâm – lớp 5C, vừa đạt HCB giải toán quốc tế PINSO chia sẻ: Quá trình ôn tập các cô không tạo áp lực mà hay kể về cách học, ôn tập của những anh chị lớp trước từng thành công tại các cuộc thi để chúng em có thể học hỏi. Các cô thường dặn chúng em, dù là HS ở tỉnh nào thì bước vào mỗi cuộc thi cũng cần tự tin, bình tĩnh, tập trung phát huy hết khả năng… thì sẽ làm bài tốt.

HS của trường tham dự và đoạt giải tại Cuộc thi giải Toán quốc tế SASMO. Ảnh: NTCC
HS của trường tham dự và đoạt giải tại Cuộc thi giải Toán quốc tế SASMO. Ảnh: NTCC

Giải bài toán chất lượng giáo dục

Năm học vừa qua, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B đã đổi mới dạy học theo mô hình trường học mới. Theo cô Trần Thị Hợi, trường dạy học VNEN với học sinh lớp 3 và các khối còn lại vận dụng các thành tố VNEN trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Trường cũng thực hiện dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch 18/18 lớp.

Trong khi ở nhiều trường nông thôn khó khăn chưa thể triển khai dạy học tiếng Anh, tin học thì với sự quan tâm, hỗ trợ của phòng GD&ĐT, trường đã đẩy mạnh dạy ngoại ngữ 4 tiết/tuần với HS khối lớp 3,4,5; 2 tiết/tuần với khối 1,2; Dạy học tin học cho HS khối 3,4,5. Đặc biệt, nhà trường triển khai dạy học tiếng Anh có giáo viên nước ngoài cho HS ở tất cả khối lớp và được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh…

Chị Trần Thị Huyền – mẹ của HS Nguyễn Trần Quang Huy (đạt 1 HCV; 1 HCĐ, 2 HCB tại các cuộc thi giải toán PINSO; SASMO…) vui mừng chia sẻ: Huy học tốt nhưng năm ngoái dự thi thành tích không cao. Năm nay, với sự kiên trì và quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cô trong ôn luyên nên con đạt thành tích tốt. Nhà trường và GV chủ nhiệm thường xuyên trao đổi về năng khiếu, sức học của con, tư vấn cho phụ huynh cách dạy, khuyến khích học tại nhà.

Để ươm mầm tài năng nhí hiệu quả trong bối cảnh HS nông thôn hạn chế về điều kiện học tập, trường đã thực hiện đổi mới mô hình thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện Room, duy trì hiệu quả thư viện lớp học nhằm từng bước giáo dục HS văn hóa đọc sách, phát triển tri thức từ phòng đọc. Cùng đó, trường quan tâm tới công tác tổ chức cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường nhằm giáo dục hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất HS. Mỗi tháng tổ chức 1 chuyên đề ngoại khóa hoặc 1 hoạt động trải nghiệm.

Cô Trần Thị Hợi cho rằng: Đổi mới công tác quản lý theo quản lý chất lượng công việc, giao quyền tự chủ cho từng cán bộ, GV, nhân viên theo nhiệm vụ được phân công. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong nhà trường từ đó khích lệ, động viên kịp thời những cá nhân có thành tích, tiến bộ… cũng là cách để tạo nguồn nhân tài. 

Từ học sinh có năng khiếu đến nhân tài là cả hành trình dài rèn giũa, bồi đắp và phụ thuộc nhiều yếu tố. Song với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng HS năng khiếu của GV trường “làng” – Tiểu học Khánh Nhạc B thực sự đáng ghi nhận. Đây sẽ là nền tảng hữu ích, cần thiết để các em có năng khiếu vươn xa hơn trong các sân chơi kiến thức tương lai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…