Rời phố lên Đăk Púk tìm trò

GD&TĐ - Đều đặn hàng tuần, thầy cô giáo huyện vùng khó Kon Plông lại ngược núi gieo chữ cho học trò nghèo. Niềm vui, hạnh phúc của những giáo viên nơi đây chính là thấy học trò được ăn no, mặc ấm và biết mặt con chữ.

Hạnh phúc của thầy A Kluôn là các em vùng khó được học con chữ.
Hạnh phúc của thầy A Kluôn là các em vùng khó được học con chữ.

4 tháng mùa mưa

Ngược về huyện miền núi Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vào một chiều mưa như trút nước, phải khó khăn lắm chúng tôi mới đến được điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên). Từ trường chính đến điểm trường Đăk Púk hơn 20km. Mặc dù được bê tông hóa nhưng sau những trận mưa, đường xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường chi chít đá dăm, khiến việc đi lại gặp không ít khó khăn.

Thầy Hà Minh Tuệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 254 học sinh theo học tại 6 điểm trường. Riêng tại điểm trường Đăk Púk là nơi học tập của 23 em học sinh lớp 1 và lớp 2 sinh sống ở làng Đăk Púk và Đăk Tiêu.

Theo thầy Tuệ, toàn trường có 27 cán bộ, giáo viên. Đa số giáo viên sinh sống ở huyện khác nên khó khăn về đường sá đi lại. Đặc biệt, vào mùa mưa, đường sình lầy, trơn trượt khiến việc đi lại của họ càng thêm trắc trở.

Gia đình cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên lớp 1A - điểm trường Đăk Púk sinh sống tại TP Kon Tum, cách điểm trường hơn 120km. Cô Hà gắn bó với nơi đây được hơn 1 năm. Ngày đầu mới về trường, khi chưa quen đường có hôm cô chạy xe máy cả ngày mới đến nơi.

“Những ngày đầu về đây giảng dạy, phải di chuyển trên quãng đường vài chục cây số đường rừng khiến mình lo lắng lắm. Con đường từ trung tâm huyện vào đây chỉ lác đác vài nóc nhà, còn lại chỉ toàn núi rừng. Khi đó chưa quen đường nên chuyện ngã xe xảy ra như cơm bữa”, cô Hà nhớ lại.

Cô Hồ Thị Thu Hà với học trò vùng khó Kon Plông.
Cô Hồ Thị Thu Hà với học trò vùng khó Kon Plông.

Cô Hà tâm sự, mùa mưa ở đây kéo dài 4 tháng. Con đường độc đạo dẫn ra trung tâm huyện thường xuyên bị sạt lở. Có thời điểm cô mắc kẹt ở trường đến cả tháng trời. Biết cô thiếu thốn, người dân quanh vùng đem con cá suối cùng mớ rau rừng biếu cô ăn tạm. Vào mua khô, mỗi lần về nhà cô lại mua thức ăn tươi sống rồi chở lên điểm trường dùng dần. Những ngày đầu tuần bữa ăn của cô có phần đủ đầy hơn một chút. Mấy ngày về sau bữa cơm của cô giáo chỉ toàn trứng chiên với cá khô.

“Khi mới đặt chân về trường giảng dạy mình cũng buồn và khóc nhiều lắm. Nhưng khi nhìn những gương mặt ngây thơ, non nớt của học trò, bản thân lại thôi thúc phải cố gắng. Mình nghĩ, nếu bản thân từ bỏ thì ai sẽ dạy cho các em. Thế rồi mình cũng vượt qua được khó khăn ban đầu và cảm thấy hạnh phúc với những việc đang làm. Giờ đây, nơi này là một kỉ niệm thời tuổi trẻ của mình, có lẽ sau này cũng mãi không quên”, cô Hà tâm sự.

Cô Hà cho hay, cô dạy lớp 1 với 8 em học sinh. Các em nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống rất khó khăn. Gia đình các em thường lên rẫy từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới về nhà nên ít quan tâm đến việc học của con em mình.

Những ngày đầu năm, cứ tối đến cô vào tận nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho các em ra lớp để học con chữ. Để níu chân trò ở lớp, cô Hà thường cắt dán tranh ảnh sinh động nhằm thu hút các em. Bên cạnh đó, cô cũng tổ chức các trò chơi, xây dựng tình huống để học sinh khám phá và phát triển bản thân.

“Phụ huynh ít quan tâm đến con em nên là giáo viên mình xem học sinh như người thân trong nhà. Chính vì vậy, mỗi khi lên lớp mình luôn lạc quan, vui vẻ để truyền cho các em năng lượng tích cực. Mình mong rằng các em sẽ thay đổi nhận thức, cố gắng học lên cao để thay đổi bản thân và cuộc sống”, cô Hà chia sẻ.

Con đường gập ghềnh sỏi đá dẫn lên điểm trường Đăk Púk.
Con đường gập ghềnh sỏi đá dẫn lên điểm trường Đăk Púk.

Nhớ con, nhưng học trò cần mình

Thầy A Triều giảng dạy tại điểm trường Đăk Púk, còn vợ đang dạy ở huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum). Mặc dù cùng giảng dạy trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhưng hai vợ chồng cách nhau hơn 200km. Vợ chồng thầy phải gửi đứa con mới 5 tuổi nhờ ông bà nội ở TP Kon Tum chăm sóc. Hàng tuần, vợ chồng thầy A Triều lại vượt chặng đường dài đằng đẵng về thăm con.

“Con nhỏ, lại dạy xa nhà nên chúng tôi nhớ cháu lắm. Mỗi lần như vậy mình chỉ biết gọi điện thoại về nhìn con qua màn hình. Nhưng sóng trên này chập chờn, lúc có khi không. Cháu còn nhỏ nên hay quấy khóc, đòi bố mẹ. Thương con lắm nhưng mình đành chịu, bởi học trò trên này cũng cần mình mà”, thầy A Triều chia sẻ.

Cách điểm trường Đăk Púk không xa, thầy A Kluôn, giáo viên lớp 1 và 2, điểm trường Đăk Lâng (Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Ring, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) đang ôn tập lại kiến thức cho học sinh trong những ngày đầu năm học.

Thầy A Kluôn tâm sự, bố mẹ thầy ở xã Măng Bút, còn thầy lập gia đình và sinh sống ở huyện Kon Rẫy, cách trường khoảng 60km. Gần 5 năm gắn bó với nơi đây, không ít lần chiếc xe máy cà tàng của thầy đứt xích, thủng săm.

“Trong suốt những năm giảng dạy tại đây, chuyện ngã xe, thủng săm trở nên bình thường. Mùa mưa, nếu không bị ngã xe mới là “chuyện lạ”. Mình nhớ có lần xe hư không thể chạy được, mình phải gọi cho người nhà ở xã Măng Bút mang dụng cụ đến để sửa xe rồi chạy vào trường”, thầy A Kluôn nói.

Thầy A Kluôn có 2 người con, một đứa 3 tuổi, đứa kia lên 5. Những hôm nhớ con, thầy chỉ biết gọi về nhìn con qua màn hình điện thoại.

Thầy A Kluôn tâm sự, học sinh ở đây đa phần đều khó khăn. Nhiều em chưa được biết đến chiếc tivi hay cái điện thoại cảm ứng. Chính vì vậy, những hôm về nhà thầy tranh thủ có mạng Internet để tải bài học, clip, hoặc ảnh nhà cao tầng, đường phố… cho các em xem. Khuyến khích học trò cố gắng hơn trong học tập, thầy A Kluôn cũng thường xuyên mua bánh kẹo, sách vở… để tặng các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.