Điều này buộc các trung tâm GDNN-GDTX, trường cao đẳng nghề có hệ 9+ phải thay đổi chiến thuật dạy và ôn luyện để học viên đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao hơn mọi năm.
Giúp học trò lấp chỗ yếu
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I có 328 học viên hệ 9+ dự thi, trong đó 327 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,7%. Bà Phùng Thị Liên - Phó Trưởng khoa Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I cho biết: “Đầu vào hệ 9+ của trường khá thấp, bởi vậy ngay khi các em nhập học, trường đã khảo sát năng lực, phân loại học viên ở các mức, sau đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để định hướng cụ thể, giúp học sinh có hướng đi phù hợp.
Đối với học viên mất gốc kiến thức, trường khơi gợi quyết tâm, tạo động lực để các em học tập, tránh chán nản. Ví dụ: Học sinh làm bài chỉ đạt 5 - 6 điểm, trường ra bài kiểm tra, kiến thức đúng tầm và nâng dần độ khó khi các em tiến bộ. Như vậy, suốt quá trình học tập các em có động lực phấn đấu, không nản trí vì học khó”.
Cùng đó, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I lựa chọn giáo viên giảng dạy khối 12 có kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD&Đ; học lý thuyết đến đâu có chuyên đề bài tập, bộ đề luyện đến đó. “Bước vào lớp 12, các em đã vừa học, vừa ôn thi”, bà Liên nói.
Có cùng điều kiện đầu vào tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên II tỉnh Lạng Sơn ngoài chú trọng chuyên môn, thì ngay đầu năm học đã yêu cầu phụ huynh đồng hành cùng nhà trường trong việc duy trì sĩ số học tập và các tiết ôn luyện.
Ông Đậu Đinh Phong - Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Năm 2025, 100% học viên trung tâm đỗ tốt nghiệp. Để có kết quả này là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của thầy, trò và phụ huynh. Học viên nào có nguy cơ bị điểm liệt, nhà trường xây dựng giáo án riêng giúp các em tiếp cận kiến thức cơ bản; câu hỏi bài tập, luyện đề cũng ở mực độ đạt tốt nghiệp. Em có năng lực khá sẽ dạy nâng cao để lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng, tránh chỉ dạy kiến thức cơ bản khiến các em nhàm chán, mất hứng thú học tập”.
Ông Phong cho biết thêm, từ tháng 2/2025 áp dụng Thông tư 29/2024 không dạy thêm, học thêm, nhà trường đã tận dụng tối đa các tiết học trên lớp để giảng dạy; mặt khác thông qua nhóm Zalo, Facebook hỗ trợ học trò những phần kiến thức khó, chưa hiểu.

Lấy lợi thế cải thiện hạn chế
Để giảm bớt áp lực, duy trì tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp THPT 100% như năm 2025, Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen đang chủ động tái cấu trúc nội dung ôn tập theo định hướng phát triển phẩm chất - năng lực học sinh; phối hợp chặt chẽ với thầy cô có kinh nghiệm để đảm bảo chương trình dạy văn hóa bám sát yêu cầu mới của thi cử.
Ông Lê Thiên Huy - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen cho biết: “Ngoài kế thừa và phát triển những giải pháp tốt trong năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ chú trọng tư vấn cho học viên lựa chọn tổ hợp thi phù hợp năng lực, kết hợp định hướng nghề nghiệp để các em chọn lộ trình học hợp lý, giảm áp lực thi cử.
Thời gian chưa bước vào năm học mới, nhà trường tổ chức cho giáo viên tập huấn xây dựng bài giảng điện tử, kho học liệu số, ngân hàng đề, video hướng dẫn các chuyên đề để học viên lớp 12 có tài liệu học, tham khảo trong năm học. Như vậy, các em có thể ôn luyện mọi lúc, mọi nơi dưới sự theo dõi và hỗ trợ của giáo viên bộ môn. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm sẽ căn cứ vào năng lực học viên để cố vấn lưa chọn môn thi phù hợp năng lực từ đầu nhằm giảm áp lực và tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp”.
Năm học vừa qua, Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen đã bám sát Chương trình GDPT 2018, giúp học trò xây dựng lộ trình học tập cuối cấp hiệu quả. Cùng đó, Hội đồng Sư phạm nhà trường sớm họp bàn và đưa ra trọng tâm ôn luyện; phân loại năng lực học viên thông qua tổ chức các bài thi thử đánh giá.
“Nhà trường đã xây dựng ngân hàng đề thi bám sát Chương trình GDPT 2018 dựa trên đề tham khảo mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong đó chú trọng năng lực vận dụng kiến thức, phân hóa và đánh giá toàn diện. Học viên được hỗ trợ học trực tuyến qua hệ thống OLM, có kho đề thi, luyện tập và chấm điểm tự động. Điều này đặc biệt hữu ích cho các em vừa học nghề, vừa học văn hóa”, ông Huy nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường Cao đẳng Viễn Đông có 413 học viên hệ 9+ tham dự kỳ thi, trong đó 2 thí sinh trượt tốt nghiệp. Ngay sau khi có thông tin, nhà trường đã mời hai học viên đến trường động viên, tìm hiểu nguyên nhân khiến 2 em trượt do ghi sai mã đề.
Bà Phan Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Viễn Đông cho biết: “Qua thực tế, chúng tôi rút ra kinh nghiệm ngoài chú trọng ôn luyện cần tập huấn kỹ hơn quá trình làm bài thi, tâm lý trường thi và hướng dẫn cách đọc đề, kiểm tra lại thông tin cá nhân, mã đề cho học viên trước khi nộp bài để tránh sự cố đáng tiếc. Đồng thời, qua các kỳ thi thử sẽ tổng hợp lại lỗi sai thường gặp của thí sinh để đánh giá và rút kinh nghiệm với các em”.
Bà Thu cho biết thêm, năm nay nhà trường sẽ phát triển thêm bộ đề tham khảo và đặc biệt xây dựng bộ đề thi thử trên máy tính để học viên có thể chủ động vào phần mềm thi thử, kết thúc bài thi sẽ tự động có kết quả. Như vậy sau mỗi bài thi, các em biết được năng lực đến đâu, hạn chế chỗ nào. Riêng với học viên trượt tốt nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ ôn luyện miễn phí để các em có thể tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới.
Bà Phùng Thị Liên - Phó Trưởng khoa Giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I cho biết: “Từ kinh nghiệm thực tế, năm học 2025 - 2026 nhà trường sẽ triển khai mô hình đôi bạn cùng tiến ngay đầu năm học. Hiện nay đã áp dụng Thông tư 29/2024, vì vậy mô hình này sẽ hỗ trợ học sinh học khi ở nhà và ngoài giờ. Quá trình triển khai, nhà trường sẽ phân công thầy, cô giáo làm cố vấn, hỗ trợ cho từng đôi bạn”.