PGS.TS Đinh Thị Bích Lân: Niềm tự hào của giới khoa học nữ

GD&TĐ - Hơn 30 năm gắn bó, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân, giảng viên cao cấp Trường Đại học Nông Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế đã cống hiến hết mình cho ngành Thú y. Với nhiều công trình mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của đất nước. 

PGS.TS Đinh Thị Bích Lân
PGS.TS Đinh Thị Bích Lân

Bùng cháy ước mơ cho khoa học

PGS.TS Đinh Thị Bích Lân sinh năm 1960 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1980, cô được Nhà nước cử đi du học chuyên ngành Thú y ở Học viện Thú y Matxcơva.

Ra đi từ một đất nước nghèo, vừa mới thoát khỏi chiến tranh, những bát cơm, miếng bánh đầu tiên đã khiến cô và bạn bè hết sức xúc động khi nhớ về cha mẹ và người thân ở quê nhà, về những người bạn đã ngã xuống ở chiến trường... Ngay từ những ngày đầu tiên đó, cô đã nhận thức rằng được chọn đi du học là niềm vinh hạnh hết sức lớn lao mà đất nước dành cho mình.

Những năm tháng ở Nga cũng là thời gian cô Lân thấu hiểu rằng, thành tựu của khoa học chính là động lực để phát triển đất nước. Vì vậy, cô nung nấu phải học thật tốt để trở về quê hương, góp phần xây dựng đất nước.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thú y tại Học viện thú y Matxcơva năm 1986. Về nước, cô Đinh Thị Bích Lân được tuyển chọn giảng dạy tại Trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế ngày nay).

Năm 40 tuổi, tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại ĐH Gifu Nhật Bản, vừa làm giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y của Trường ĐH Nông Lâm Huế, Tiến sĩ Đinh Thị Bích Lân bắt đầu hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Nhớ lại thời gian nghiên cứu ở Nhật, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân tâm sự: “Con đường đến với khoa học của tôi thêm rộng mở khi tôi được đi nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, một đất nước có nền kinh tế vững mạnh và trình độ khoa học công nghệ phát triển. Ở đó, tôi được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu, kỹ thuật tiên tiến, được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu độc lập, cần mẫn, nghiêm túc và tỉ mỉ.

Phòng thí nghiệm nơi đây được quản lý hết sức khoa học và luôn sáng ánh đèn để chúng tôi được thỏa thích nghiên cứu, chạy đua với thời gian. Trong điều kiện làm việc tuyệt vời như thế, trong tôi đã bùng cháy ước mơ, mơ khi trở về Việt Nam chúng tôi sẽ có phòng thí nghiệm và môi trường làm việc thuận lợi để có thể tiếp tục nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội”.

Không ngừng theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học

Tại buổi lễ nhận Giải thưởng 
Kovalevskaia, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân tâm sự: “Tôi thấy mình được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh và nghị lực, được tăng thêm niềm khát khao bước tiếp trên con đường khoa học, tiếp tục được nghiên cứu, được truyền đạt kiến thức chuyên môn, truyền ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu nghề nghiệp, đam mê nghiên cứu cho thế hệ trẻ”. 

Năm 2000, sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Nhật Bản, Đinh Thị Bích Lân về nước, tiếp tục làm giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y của Trường Đại học Nông Lâm Huế. Năm 2007, cô được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ Sinh học Đại học Huế, phụ trách mảng Công nghệ sinh học. Cùng năm, cô được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Từ năm 2014, cô được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế khi đơn vị này được tách ra hoạt động độc lập.

Dù ở cương vị nào, PGS Đinh Thị Bích Lân cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cô vừa tham gia công tác đào tạo sau đại học ở Trường Đại học Nông Lâm, vừa làm quản lý ở Viện và không ngừng theo đuổi những công trình nghiên cứu khoa học mới ở lĩnh vực Miễn dịch học và Vắc xin.

PGS.TS Đinh Thị Bích Lân trong phòng nghiên cứu. Ảnh nhân vật cung cấp
PGS.TS Đinh Thị Bích Lân trong phòng nghiên cứu. 
Ảnh nhân vật cung cấp 

Trong thời gian 15 năm, nhóm nghiên cứu của cô Lân đã thực hiện 22 nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo ra được những sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao.

Nhiều công trình nghiên cứu đã được đánh giá cao như: Cụm công trình “Lai tạo và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất các tổ hợp lợn lai 3/4 máu ngoại mới có năng suất và tỉ lệ nạc cao” đã góp phần vào việc phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và được trao giải B, Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2011. Đề tài: “Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma ở người và gia súc” đoạt giải Nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ năm 2012.

Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ của bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở bò lây sang người và xây dựng quy trình chẩn đoán nhanh” đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2015. Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu tạo kháng nguyên bám dính tái tổ hợp để sản xuất KIT chẩn đoán và vắc xin phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn” đoạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016. Đề tài cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm sinh học để phòng và trị bệnh cầu trùng ở gà” đoạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.

Truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu

Với tính mới, tính sáng tạo, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - kỹ thuật - xã hội, các công trình khoa học của PGS.TS Đinh Thị Bích Lân đều được đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng trong các hội thi sáng tạo về khoa học công nghệ trong nước.

Đặc biệt năm 2017, cô vinh dự là một trong hai người được nhận giải thưởng mang tên nhà toán học Nga Kovalevskaia, giải thưởng thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.

Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, thông qua các công trình nghiên cứu, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân đã đào tạo được đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn sâu, tay nghề vững, có tâm huyết và đam mê nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Trung tâm Công nghệ Sinh học quốc gia miền Trung.

Với khát vọng và mong muốn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thành nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn hơn nữa để phát triển khoa học của đất nước, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân hầu như chưa lúc nào ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Dẫu biết rằng trên con đường đã chọn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, có những lúc thất bại nhưng không vì thế cô nhụt chí, mà lại càng quyết tâm hơn để hoàn thành những ý tưởng mình đang theo đuổi, nghiên cứu. Bởi với cô, những gì đã và đang làm thực sự cần thiết cho nền nông nghiệp và Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.