Nữ tiến sĩ văn học đam mê nghiên cứu về cộng đồng LGBT

GD&TĐ - Là một tiến sĩ trẻ của chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn, TS Nguyễn Thị Quốc Minh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến đổi mới phương pháp dạy học môn Văn.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh trao học bổng cho SV. Ảnh: NVCC.
TS Nguyễn Thị Quốc Minh trao học bổng cho SV. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, chị còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới), trong đó bao gồm cả văn học LGBT. Những nỗ lực đóng góp của TS Nguyễn Thị Quốc Minh (Giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM)  như những bông hoa góp phần điểm tô thêm cho mùa xuân của xã hội.

Đổi mới phương pháp dạy học môn Văn

TS Nguyễn Thị Quốc Minh là một nữ giảng viên trẻ, tài năng và nhiều triển vọng, hiện đang giảng dạy môn Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn tại khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Ở lĩnh vực mình phụ trách chị dành nhiều tâm sức cho các nghiên cứu, chị đã có nhiều bài đăng trên nhiều tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành về việc vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại, xây dựng giáo án như một nghệ thuật thu hút học sinh, vấn đề tích cực hóa câu hỏi đọc hiểu… những bài viết này đều được đông đảo giáo viên dạy Văn yêu thích và tìm đọc.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh cho rằng đổi mới phương pháp dạy học là một câu chuyện “dài kì” và nó không dễ dàng gì đối với giáo viên, nhất là giáo viên dạy Văn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thể thay đổi, hoặc thay đổi chỉ là sự chống chế về mặt hình thức.

“Bản thân là người trực tiếp đứng lớp và đã thử vận dụng nhiều phương pháp mới vào các giờ giảng của mình tôi thấy rõ ràng người học thích thú hơn, tham gia vào giờ học hăng hái hơn…” - chị chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh tham dự một sự kiện NCKH của SV. Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Thị Quốc Minh tham dự một sự kiện NCKH của SV. Ảnh: NVCC

Cựu sinh viên Trần Thanh Điền (niên khóa 2015-2019) dành nhiều tình cảm tốt đẹp khi nói về cô giáo của mình. “Cô Quốc Minh là một giảng viên trẻ, tính tình vui vẻ, cởi mở, thân thiện với SV. Cô lại là người nghiêm túc và nhiệt tình trong giảng dạy. Cô biết áp dụng nhiều phương pháp mới, hiện đại để giúp chúng tôi thêm hăng hái tham gia vào giờ dạy học của cô.

Chúng tôi yêu quý cô không phải chỉ vì cô có ngoại hình xinh xắn, trẻ trung, mà đặc biệt là tấm lòng của cô. Cô luôn nhẹ nhàng, chu đáo, dành nhiều sự quan tâm cho đám học trò chúng tôi. Các bạn có hoàn cảnh khó khăn cô đều hỗ trợ, giúp đỡ một cách chân tình. Với chúng tôi cô vừa là cô giáo vừa là người chị, có lúc chúng tôi thấy cô như người bạn thân để chúng tôi không phải ngại ngần khi chia sẻ hay tâm sự những khó khăn, vướng mắc của mình…”.

Đồng cảm với cộng đồng LGBT

TS Nguyễn Thị Quốc Minh (thứ 2 từ phải qua) tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam học ngày nay”. Ảnh: NVCC.
TS Nguyễn Thị Quốc Minh (thứ 2 từ phải qua) tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam học ngày nay”. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn về văn học thì TS Nguyễn Thị Quốc Minh xuất hiện ở nhiều sự kiện, hội thảo khoa học về cộng đồng LGBT. Gần đây nhất vào cuối tháng 12/2020, chị xuất hiện tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam học ngày nay” (VietNamese Studies Today) do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức với tham luận “Sự thay đổi quan niệm về LGBT trong xã hội Việt Nam đương đại: Văn học LGBT từ cấm kị, rụt rè đến cởi mở, thẳng thắn - Trường hợp tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn”. Bài tham luận đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia và đông đảo người tham dự.

Hoặc tại Hội thảo “Thực hành, thực tập công tác xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TPHCM, tổ chức cũng vào tháng 12/2020 vừa rồi, TS Nguyễn Thị Quốc Minh cũng tham gia với bài tham luận “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)…

Đối với chị, việc nghiên cứu về cộng đồng LGBT cũng như LGBT trong văn học đến như một cơ duyên. Đó là vấn đề mới, ít được nghiên cứu. Ở Việt Nam tuy không quá khắt khe với người LGBT, nhưng sự nhìn nhận, đánh giá về họ thì vẫn còn nhiều lệch lạc, phiến diện.

Những đóng góp và nỗ lực của chị bước đầu đã thành công tại các diễn đàn khoa học quốc tế. Năm 2019, chị được Trường Saint Mary’s College of California (Mỹ) mời tham dự và báo cáo tại Hội thảo Khoa học do họ tổ chức. Đến năm 2020, chị tiếp tục được trường University of Hawaii (Mỹ) mời tham dự Hội thảo khoa học quốc tế với các bài tham luận về LGBT trong văn học.

Dấn thân vào một lĩnh vực mới và đầy nhạy cảm cùng với nhiều định kiến chắc chắn con đường nghiên cứu sẽ không dễ dàng và suôn sẻ, tuy nhiên trong chị vẫn đầy niềm tin về nhiệt huyết về công việc, sự lựa chọn của mình.

“Tôi vẫn biết rằng khi chọn đi con đường mới thì dễ gặp những trở ngại, những khó khăn, nhất là khi đề cập đến cộng đồng LGBT là một vấn đề khá nhạy cảm. Hiện nay, có rất nhiều luồng ý kiến, quan niệm trái chiều nhau về LGBT, do đó  những gập ghềnh, khó khăn kia chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn tin vào bản thân mình, tin những gì mình làm xuất phát từ trái tim, từ sự say mê và đặc biệt đó là khoa học chân chính thì nhất định sẽ có những hoa thơm quả lành. Tôi tin và vui với công việc của mình” - TS Nguyễn Thị Quốc Minh bày tỏ.

Bên cạnh, những đóng góp cho nghiên cứu học thuật, TS Nguyễn Thị Quốc Minh còn dành nhiều yêu thương đối với các SV có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học 2019-2020, thấy trường hợp em Lại Thị Ngọc Huệ (SV Khoa Văn học, Trường ĐH KHXN&NV TPHCM) có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, có nguy cơ nghỉ học nửa chừng, chị đã trao tặng số tiền học bổng 20 triệu đồng cho Huệ.

Ngoài ra, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2020), chị cũng nỗ lực vận động ban lãnh đạo Công ty Cà phê Ông Bầu trao học bổng cho 10 sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và 10 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng đợt bão lũ hồi tháng 10, với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Hay thấy em Danh Thị Bích Vân (SV năm 3 Khoa Văn học) bị khiếm thị bẩm sinh, nhưng lại ham học, chị đã quyết định bỏ tiền túi tặng cho em mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi em Danh tốt nghiệp ra trường.

TS Nguyễn Thị Quốc Minh tâm sự: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, vì vậy tôi muốn dành nhiều thời gian tuổi trẻ của mình để học tập, nghiên cứu và làm những điều tôi yêu thích, những điều có ý nghĩa và giá trị cho chính bản thân tôi và góp một phần lợi ích cho cộng đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ