Những lớp học đặc biệt của “nhà giáo đi B”

GD&TĐ - Có lẽ trên thế giới, chỉ Việt Nam  mới có khái niệm “nhà giáo đi B”. Họ là những thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường miền Bắc, tình nguyện lên đường vào Nam tham gia vào cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất trên mặt trận giáo dục. 

Thầy trò trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu
Thầy trò trong thời chiến. Ảnh: Tư liệu

Lớp học trong tù

Tập trung đi B tháng 9/1965, đến tháng 1/1966 lên đường vào Nam, nhà giáo Trần Nguyên Phò, quê Thái Bình, nay ở phường 6, quận Bình Thạnh (TPHCM) bồi hồi nhớ lại những năm tháng “đi B”. Ông kể, trước Mậu Thân đợt 1 chừng 2 tháng, ông được phân về Tiểu ban giáo dục miền Nam (B3). Đến đầu đợt 2 Mậu Thân, ông được điều động chi viện cho Đài phát thanh Giải phóng (B5) viết bài về đồng bằng Nam Bộ.

Sáng ngày 21/9/1969, địch càn vào xã Phú Đức (Châu Thành, Bến Tre). Ông Phò và anh Sáu Văn (giáo viên dạy Văn học dân gian Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – đi B năm 1964) chui xuống hầm bí mật nhưng bị chúng phát hiện. Chúng dẫn 2 ông về tạm giam ở nhà tù Bến Tre một đêm, rồi sáng hôm sau đưa về Mỹ Tho. Chúng ra sức đánh đập, tra hỏi hai ông. Không khai thác được gì, chúng đưa hai ông về Sài Gòn - Trung tâm thẩm vấn Việt Mỹ. Kết quả cũng không khai thác được gì nên giữa tháng 12/1969, chúng đưa hai ông về trại giam Cần Thơ.

“Chúng tôi tìm hiểu anh em bộ đội miền Bắc bị bắt giam ở đây, biết được các anh đã thành lập chi bộ, nên xin tham gia sinh hoạt. Để động viên anh em, chúng tôi đã nói về Truyện Kiều lồng ghép với việc tuyên truyền anh em giữ vững tinh thần, khí tiết. Đầu tháng 2/1970, địch đưa chúng tôi ra trại giam Phú Quốc” – ông Phò nhớ lại.

Chừng 2 tháng sau ở trại giam Phú Quốc, biết anh em muốn học văn hóa, nên ông tổ chức cho các bạn tù học môn Văn cấp 3. Ông mở 2 lớp: Một lớp cho anh em ở Cần Thơ ra đảo, một lớp cho anh em đồng hương Thái Bình. Thời gian sau, Thường vụ Đảng ủy bổ sung ông vào Đảng ủy phụ trách tuyên huấn. Ông tiếp tục mở 4 lớp: Lớp tiểu giáo viên - là những người đã tốt nghiệp lớp 10 để anh em về dạy cho các bạn; lớp chi bộ; lớp Đảng ủy và lớp cùng phòng.

“Tôi viết tài liệu Văn học cấp 3 để anh em học tập. Mỗi lớp có 8, 9 người học và học vào các thời điểm: Sáng trước điểm danh, sau điểm danh; 9 giờ trước khi ăn cơm trưa; chiều lúc 2 giờ - trước điểm danh. Học viên và giáo viên ngồi xung quanh bàn cờ tướng, cử người canh gác, giám thị vào là báo ngay, chuyển sang đánh cờ. Giấy lấy từ bìa các tông ngâm nước rồi bóc ra, rồi là cho phẳng, nhẵn. Bút cắt từ tôn hay cán cà mèn làm ngòi. Mực là đá non (son) hay mật cá mực... Hằng tuần, quân cảnh vào kiểm tra các phòng tìm kiếm vật bén nhọn và hầm vượt ngục, nên những dụng cụ học tập đều phải làm hầm chôn giấu...” – ông Phò chia sẻ.

Song có lẽ cho đến bây giờ, điều khiến ông vẫn bị ám ảnh nhất chính là những lần bị địch tra tấn. Có lần, do không cảnh giác cắt cử người canh gác nên ông bị chúng bắt quả tang đang dạy học. Vậy là ông bị tra tấn “thừa sống, thiếu chết”. Cai ngục Trần Văn Nhu đã trừng phạt ông bằng cách dùng chiếc đục của thợ mộc đặt vào chân móng tay, rồi đánh bật hết các móng tay.

Hơn 3 năm bị tù đầy ở Phú Quốc ông từng bị giam trong chuồng cọp 10 ngày và 1 tuần ở “két xô”. Chúng tra tấn bằng quay điện khiến ông chóng mặt quay cuồng không thể mở mắt. Anh em chăm sóc hàng tháng ông mới trở lại bình thường. Sau đó, ông lại tiếp tục mở lớp dạy học ngay trong nhà tù.

Vượt mưa bom, bão đạn để mở trường, mở lớp

Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi nhắc đến cụm từ “nhà giáo đi B” là ông Đỗ Trọng Văn (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) lại bồi hồi, xúc động và những kỷ niệm về một thời “binh lửa” lại hiện về vẹn nguyên như ngày nào. Ông kể, vào đầu tháng 3/1969, ông lên đường đi B – vẫn gọi là Đoàn 69 – là đội quân nhà giáo đi vào miền Nam theo Kế hoạch hậu Mậu Thân 1968.

Đoàn gồm 20 bộ khung giáo viên của 20 trường Sư phạm Trung cấp và Sơ cấp. Mỗi bộ khung cho một trường Sư phạm có 10 giáo viên đủ các bộ môn, có cả dự kiến 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng (gồm 12 người). Đó là đoàn đông nhất từ khi có các đoàn giáo viên đi B – để chi viện cho các tỉnh, thành miền Nam mở các trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp 1 và cấp 2 cho các vùng giải phóng sau kế hoạch Mậu thân.

“Đoàn chúng tôi vào đến Trạm đón tiếp của “Ông Cụ” (bí danh của căn cứ T.Ư Cục miền Nam) vào tháng 6 năm ấy. Đi đúng 100 ngày đêm theo lịch trình các cung đường trên đường Trường Sơn. Tôi chỉ nhắc lại một cách khái quát nhất câu nói ngắn gọn của nhiều người là: “Những người vượt Trường Sơn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, họ đã đi bằng đầu chứ không chỉ đi bằng chân”. Những anh giáo trẻ, những cô giáo tuổi đời mới 25, 26 được mệnh danh là nghề “ăn trắng, mặc trơn”, chuyên “gõ đầu trẻ”, thế mà cũng vượt qua những con đường rừng núi, chưa từng đi qua” – nhà giáo Đỗ Trọng Văn bồi hồi nhớ lại.

Là một trong số hàng trăm nữ nhà giáo đi B, bà Phạm Hải Ấm vẫn còn nhớ như in những ngày làm giáo viên tại vùng giải phóng miền Nam. Bà kể, ngày ấy đoàn giáo viên của bà gồm 249 người vượt dãy Trường Sơn và mưa bom, bão đạn để đến chi viện cho miền Nam.

Nhớ về những ngày tháng gian khó ấy, bà Ấm tự hào nói: “Có một điều thần kỳ là, trong lịch sử thế giới hầu hết các nước khi có chiến tranh trường học sẽ đóng cửa. Nhưng ngược lại, ở Việt Nam chiến tranh xảy ra vô cùng tàn khốc, ác liệt nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn tồn tại và không ngừng phát triển về mọi mặt. Ngành giáo dục với tư tuởng tấn công cao, dũng cảm sáng tạo và biết dựa vào dân nên việc dạy - học vẫn được duy trì phát triển”.

Sáng ngời phẩm chất Nhà giáo

Trong cuộc hội ngộ của những nhà giáo đi B nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân (1968 -2018), nhà giáo Nguyễn Đức Hy - Chi hội Cựu giáo chức Học viện Quản lý Giáo dục xúc động nói: “Trong số nhà giáo đi B nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học, nhưng cũng có những nhà giáo ở tuổi 40, 50 đã có thâm niên và thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giảng dạy. Cũng có những thầy cô giáo quê gốc miền Nam, ra Bắc - “đi B” là lúc trở lại quê nhà”.

Thời kỳ đầu, bình thường một chuyến đi phải mất bốn tháng mới đến điểm tập kết về Tiểu ban Giáo dục R (gọi tắt là B3) nhận nhiệm vụ. Nhưng cũng hành trình ấy, không phải đoàn nào cũng đến đích đúng lịch, có đoàn phải hơn một năm mới tới nơi. Trên chiến khu ẩn hiện những mái trường lợp lá dừa nước, học sinh là trẻ em, người lớn, thầy cô giáo với những cuốn sách giáo khoa, những tài liệu giáo dục biên soạn và in dưới ngọn đèn cầy và ánh hỏa châu.

Hội đồng sư phạm họp giữa 2 trận càn, trong căn hầm tránh bom B52, ánh lửa ấm cúng trong bữa cơm chiều bên bếp Hoàng Cầm. Lương thực được tăng cường từ những nuơng rẫy trồng mì, cá suối, rau rừng vẫn còn đậm sâu trong tâm thức của các nhà giáo từng một thời ở “Tiểu ban Giáo dục R”.

Rất nhiều nhà giáo đến từ hai miền Nam – Bắc đã hy sinh trước ngày đất nước thống nhất. Song chính họ là những dấu son tô điểm phẩm chất người thầy của nền giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Nguyễn Đức Hy chia sẻ, công cuộc giải phóng miền thống nhất đất nước là sự nghiệp vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà giáo. Trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Geneve, với luật 10/59 tàn bạo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay sát hại các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời. Cuộc cách mạng miền Nam chính thức bước vào thời kỳ đấu tranh vũ trang tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó, nhiều chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc cùng nhiều cán bộ miền Bắc lên đường vào Nam tham gia chiến đấu trên mọi lĩnh vực; trong đó có các nhà giáo đi B.

Từ năm 1961 đến cuối năm 1973 đã có 10 chuyến đi B của 2.752 thầy cô giáo. Họ lên đường từ bục giảng của các trường phổ thông, giảng đường đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc. Họ được giao nhiệm vụ ra R mở trường, lớp, vận động người dân đi học và cũng kiêm cả nhiệm vụ cầm súng chống càn, phá vây.

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng hình ảnh những nhà giáo đi B vẫn còn đậm sâu trong tâm trí nhiều người. Một bộ phận trong số những “nhà giáo đi B” đã trở về quê hương, tiếp tục làm nhiệm vụ của một nhà giáo. Một số ít làm cán bộ quản lý, còn số đông vẫn hàng ngày đứng trên bục giảng - một công việc mà họ đã tự nguyện gắn bó cả cuộc đời.

Hơn 40 năm đã trôi qua, giờ đây nhắc lại những kỷ niệm chiến trường cũng chỉ là những ký ức, những kỷ niệm trong cuộc đời mỗi con người. Nói như nhà giáo Đỗ Trọng Văn, chính những cái bình thường mà họ đã từng nếm trải, từng phải chịu đựng và vượt qua đã làm nên phẩm chất tốt đẹp ở mỗi nhà giáo.

Tính đến tháng 4/1975, đã có tới gần 3.000 nhà giáo được Bộ Giáo dục điều động đi làm nhiệm vụ như vậy. Họ được mang tên hết sức đơn giản “nhà giáo đi B”. Thực sự họ là những “chiến binh” trong trận chiến giáo dục. Họ là những nhà giáo vừa cầm bút, vừa cầm súng và đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người” và luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ